Dân Việt

Cán bộ hút xì gà trị giá 1/20 ngôi nhà tình nghĩa

Quốc Phong 29/07/2019 09:30 GMT+7
Những cán bộ, quan chức ngày hút vài điếu xì gà đắt tiền bằng cả tạ gạo có biết được rằng, có biết bao gia đình của những người đã hy sinh xương máu cho đất nước hiện còn sống vất vả ra sao, nhà cửa còn rách nát thế nào…

Nói đến tư tưởng chỉ đạo chung của Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng về công tác đấu tranh phòng chống tham nhũng, có lẽ hơn 2 năm rưỡi vừa qua, kể từ khi có Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII, cấp độ phát ngôn của người đứng đầu Đảng và Nhà nước đã nâng dần tính quyết liệt, mạnh mẽ lên theo thời gian. Qua những thành quả đã thu được bước đầu, dù gặp vô vàn khó khăn nhưng cũng cho thấy cuộc chiến phía trước dù rất cam go nhưng chưa hề có điểm dừng và không có vùng cấm, không có ngoại lệ. Chúng ta hy vọng Đảng sẽ đạt mục tiêu đề ra.

Niềm tin của Đảng viên và quần chúng nhân dân cũng nhờ thế đã khác trước rất nhiều. Mà niềm tin trong dân là thứ không thể dễ dàng tự nhiên mà đến. 

Tại cuộc họp Ban Chỉ đạo phòng chống tham nhũng trung ươngngày 26/7 vừa qua, chúng ta đã thấy một tinh thần mới toát lên rất rõ, thậm chí nếu tôi không nhầm thì đây là lần đầu thấy ở người đứng đầu đất nước, rất quyết liệt và rất công khai, đến mức khó có thể nói gì mạnh hơn thế.

Nếu trước đây,Tổng bí thư, Chủ tịch nước từng nói rằng việc chống tham nhũng “nếu như ai nhụt chí thì dẹp sang một bên cho người khác làm”, thì nay ông nhắc lại nhưng nhấn mạnh hơn, quyết liệt hơn, như một thông điệp cho cuộc đấu tranh từ trong nội bộ, “nếu ai dao động, ngập ngừng thì tự báo cáo xin thôi”.

Vâng, “đứng sang một bên” có nghĩa là vẫn còn có thể làm (?), còn “tự báo cáo xin thôi” cũng có thể là phải từ chức? 

Nghe thật kỹ câu ông nói, tôi cảm nhận lời phát biểu này như một sự tuyên chiến không khoan nhượng với các nhóm lợi ích đang đan xen phức tạp trong nội bộ Đảng hiện nay. Liệu có ai mới chỉ nói mà không làm? Liệu có ai nói một đằng mà làm một nẻo?

Tính đạo đức giả rất nguy hại trong một bộ phận cán bộ cấp cao (chứ không chỉ là mấy ông bà cấp tỉnh, cấp huyện...), đã bộc lộ khá rõ qua những vị lãnh đạo một thời còn viết sách, lên lớp cho người khác “chống nọ,chống kia” rất hoành tráng, vậy mà nay chính họ lại vướng vòng lao lý. Người thì đã kết án nhiều lần nhưng mãi vẫn chưa hết tội, còn chờ xử để khép tội tiếp. Người thì bị tạm giam để mở rộng điều tra… Điều này cũng có nghĩa, Đảng ta, đứng đầu là Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng không hề chùn bước. Trái lại, cách làm của Bộ Chính trị, Ban Bí thư do ông đứng đầu vừa rất thận trọng, vừa bài bản, lại vừa thuyết phục lòng người.

Nếu như  tính từ đầu nhiệm kỳ đến nay, việc đã thi hành kỷ luật Đảng và xử lý hình sự trên 70 cán bộ, đảng viên thuộc diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý là cả một cố gắng rất lớn. Chỉ có 2 năm rưỡi mà có lẽ còn hơn lịch sử Đảng qua cả nửa thế kỷ cộng lại thì quả là một cuộc cách mạng. Việc này rất cần làm bởi vìnhững nhóm lợi ích nào đó đang “nhân danh đạo đức cách mạng” răn dạy người khác trong khi mình đứng ngoài cuộc thì quả là nguy hiểm cho sự nghiệp chung!

Chính họ đã góp phần không nhỏ khiến cho cán bộ, đảng viên trung kiên và quần chúng tốt vì thế mà một thời gian dài bị mất niềm tin. Trong khi đời sống của người dân còn muôn vàn khó khăn, chế độ chính sách cho người có công phải chắt chiu từng ly từng tí mới có được, nhưng cũng chưa đáng bao nhiêu so với cung cách chi tiêu, quản lý tài chính, ngân sách vô cùng lãng phí. Biết bao dự án thua lỗ do lãng phí, do tệ nạn tham nhũng hoành hành mà nay đất nước đang phải gánh chịu. Cũng vì thế mà nợ công ngày một tăng, chạm gần đến ngưỡng báo động. Lương của người lao động đã thực sự đủ sống chưa, đã hết bất hợp lý chưa… vẫn còn rất lâu nữa mới khắc phục được.

Điều đáng nói lúc này là chúng ta chưa xoá bỏ được lối tư duy chỉ biết nghĩ đến mình, thế hệ mình. Cách chi tiêu, đầu tư thiếu tính toán mà không lo thế hệ sau rồi sẽ phải cáng đáng, gánh nợ từ cha ông để lại thế nào? Làm nhiều tượng đài, quảng trường, nhà tưởng niệm liệu đã thật cần thiết và có phù hợp với ngân sách, rồi cách giải quyết ra sao khi đời sống người dân còn quá nhiều khó khăn?  

Tôi cũng không hiểu tại sao có những công chức, viên chức nhà nước hưởng lương ba cọc ba đồng, mà có thể xây biệt phủ, xài sang, trong khi người thân của họ không làm doanh nghiệp tư nhân, cũng không “trúng số độc đắc”- những điều mà người ta có thể nại ra, vin lý do để trả lời trước dư luận khi bị chất vấn. 

Tôi thấy thật chướng mắt khi có những cán bộ nhà nước lương chỉ dăm bảy triệu hay trên chục triệu bạc, mà mỗi ngày họ hút vài điếu xì gà có giá đến cả triệu đồng cứ như không. Họ hút rất tự nhiên, như chỗ không người, như muốn khoe mình là dân sành điệu, chịu chơi, phô trương trắng trợn. Họ không ý tứ chút nào trước mắt người dân. Hãy cứ cho là những điếu xì gà đó không phải mua mà được người khác biếu đi nữa, thì cũng phải ý tứ vì sao họ biếu mình thứ xa xỉ ấy!

Có một chuyện cũ có thật xin kể lại. Tôi được nghe trực tiếp từ một cán bộ cấp cục của một cơ quan tố tụng, cách đây 2 năm, khi ông sắp nghỉ hưu (ở cương vị tương đương thứ trưởng) đã “bật mí” rằng, trong thời gian đánh án vụ PMU18, ông có mặt trong một cuộc họp quan trọng để nghe ban chuyên án báo cáo với lãnh đạo cấp cao. Một điều tra viên báo cáo rằng nhân vật đang trong tầm ngắm đã chạy tội lên các cấp rất cao, theo họ tìm hiểu thì ông ta đã biếu lãnh đạo 1 chai rượu ngoại trị giá nhiều ngàn đôla. Bất chợt, vị lãnh đạo cấp cao nọ, với bản chất thật thà của dân Nam Bộ, đã tự nói ra: “Ủa, không khéo chai rượu đó tụi nó nhờ người ta mang đến biếu cả tôi cũng nên, mà tôi đâu biết các đồng chí ạ! Làm sao bây giờ? Mà tôi thì đâu biết chai rượu đó giá trị ra sao. Với lại, chai đó tôi cũng đã mở rồi và cũng đâu có nhậu một mình. Tôi thì cũng chỉ dùng có vài ly thôi à...”.

Những người dự họp bấm bụng không dám cười thành tiếng. 

Phải chăng vì thế, điều mà Tổng bí thư, Chủ tịch nước rất quan tâm, đó là phải đấu tranh chống tham nhũng từ ngay trong các cơ quan chống tham nhũng. Nếu không thì không thể thành công vì nể nang, vì này nọ...

Nghe kỹ lại phát biểu của Tổng bí thư, Chủ tịch nước, nếu tinh ý sẽ thấy, ông nhắc đi nhắc lại ý người lãnh đạo phải đặt lợi ích của Đảng, của dân lên trên hết. Chúng ta không được nói suông để rồi bị mất uy tín.

Tôi nghe ý này mà thấy rất có lý bởi tính thuyết phục từ một con người như ông rất cao. Với người lãnh đạo thực sự liêm chính, chí công vô tư theo tư tưởng đạo đức của Bác Hồ, có lẽ càng phải suy nghĩ thấu đáo hơn điều này.

Mấy hôm nay, nhân cả nước hướng về ngày kỷ niệm lần thứ 72 để tri ân các thương binh, liệt sĩ, người có công với nước, tôi đọc được thông tin, chỉ nghe thôi đã thấy nhói đau và tự thấy thế hệ chúng ta còn nợ những người đã ngã xuống vì Tổ quốc quá nhiều. Chỉ nội một tỉnh như Quảng Nam mà có đến 65.000 liệt sĩvà 15.000 Bà mẹ Việtnam Anh hùng. Thật là một con số đầy xót thương. Có bao nhiêu mẹ đã ra đi mà chưa được hưởng sự đãi ngộ đầy đủ của Nhà nước?

Cũng dịp này, tôi có đọc bài viết của nguyên Bộ trưởng Bộ Thông tin Truyền thông Lê Doãn Hợp với tư cách là một cựu chiến binh. Ông kể rằng, năm 2018, ông có đến tặng một nhà tình nghĩa ở xã Bình Dương, huyện Thăng Bình, tỉnh Quảng Nam. “Bí thư xã nói một số liệu mà đêm về tôi không ngủ được vì quá khốc liệt và bị ám ảnh. Xã Bình Dương hiện nay có 9.000 người đang sống. Trong chiến tranh chống Mỹ cả xã chết 4.300 người, trong đó có 1.311 người là liệt sĩ, bao gồm 21 người là liệt sĩ dưới 13 tuổi...”.

Nếu là một người lãnh đạo thực sự tận trung với Đảng, tận hiếu với nước, với dân, nếu họ năng đọc những thông tin kiểu như trên mỗi ngày, mỗi tuần, mỗi tháng để biết được rằng, có biết bao gia đình của những người đã hy sinh xương máu cho đất nước hiện còn sống vất vả ra sao, nhà cửa còn rách nát thế nào, để mình tự thấy và bớt đi việc như hút những điếu xì gà đắt tiền bằng cả tạ gạo. 

Chỉ cần bớt đi không hút vài chục điếu thôi là đã đủ xây được một ngôi nhà tình nghĩa. Những quan chức nào đó hút điếu xì gà thượng hạng nọ, nên nhớ nó giá trị bằng 1/20 ngôi nhà tình nghĩa xây cho gia đình chính sách.

Và từ đó, tôi nghĩ rằng những vị công bộc của dân kia cũng sẽ cố gắng làm tốt nhiệm vụ mà Đảng, nhân dân giao phó cho mình hơn là người nào ít đọc, ít biết những chuyện như thế nhưng lại hay lên mặt giảng dạy đạo đức cho người khác và xài sang.