Dân Việt

Phía sau lời đe dọa của ông Kim Jong Un

12/03/2013 16:54 GMT+7
Dân Việt - Hủy thỏa thuận đình chiến, xóa sổ một hòn đảo…là những đe dọa mới nhất mà CHDCND Triều Tiên đưa ra.

Quốc tế đã quá quen với những lời đe dọa của Bình Nhưỡng, nhưng giới chuyên gia nhận định, không nên bỏ qua lời đe dọa lần này.

Trong chuyến thăm các đơn vị pháo binh ở khu vực biên giới ngày 11.3, ông Kim Jong Un đã nêu rõ hòn đảo Baengnyeong của Hàn Quốc sẽ là mục tiêu đầu tiên nếu căng thẳng quân sự tiếp tục gia tăng trên bán đảo Triều Tiên. Đồng thời, ông kêu gọi các binh sỹ "chuẩn bị tinh thần cao độ" cho khả năng xảy ra một cuộc chiến.

Lời đe dọa lần này được đánh giá không mang tính khoa trương như mọi lần, bởi Kim Jong Un đã vạch ra các mục tiêu cụ thể, thậm chí là cố tình để lộ cả chiến thuật tấn công. Ông Kim Jong Un nêu rõ, các mục tiêu ưu tiên trên hòn đảo này sẽ là các trạm ra đa, các bệ phóng tên lửa chống tàu, các trạm tên lửa đa năng 130mm và các cụm pháo kích 150mm.

img
Nhà lãnh đạo trẻ Kim Jong Un đi thăm đơn vị pháo binh tầm xa 641. Ảnh: EPA

Ông Kim Jong Un cũng đã giám sát cuộc tập trận bắn đạn thật của đơn vị pháo binh tầm xa 641 gần đảo Pekren thuộc Hàn Quốc ở biển Hoàng Hải. Kim Jong Un nhấn mạnh: "Trong chiến tranh hiện nay pháo binh đóng vai trò hàng đầu". Ông Kim Jong Un cũng khuyến khích "duy trì cảnh giác tối đa trong khu vực mặt trận phía tây - nơi mà do những hành động tích cực của đối phương bất cứ lúc nào cũng có thể bắt đầu một cuộc chiến tranh”.

Báo Jungang Ilbo của Hàn Quốc ngày 12.3 cho biết, sau khi kết thúc cuộc tập trận “Giải pháp then chốt” với Seoul, các tàu chiến của Mỹ sẽ tiếp tục lưu lại ở căn cứ Seoul để bảo vệ Hàn Quốc trong trường hợp CHDCND Triều Tiên phát động chiến tranh.

Trong khi đó, tình hình trên đảo Baengnyeong ngày 12.3 trở nên gấp gáp hơn bình thường. Ông Kim Young Gu - quan chức địa phương trên đảo cho biết, các hội đồng thị trấn đã đặt trong tình trạng báo động cao và những trại trú ẩn khẩn cấp đã được tích trữ lương thực đầy đủ. Nhiều người dân trên đảo Baengnyeong đã được sơ tán. Truyền hình Hàn Quốc cho biết cư dân các đảo biên giới đã phải mặc nguyên quần áo hàng ngày mà đi ngủ để phòng ngừa báo động về đêm.

Tuy nhiên, cùng ngày, Bộ Quốc phòng Hàn Quốc cho biết không có dấu hiệu nào chứng tỏ CHDCND Triều Tiên sẽ tấn công hoặc tiến hành thêm các vụ thử hạt nhân và tên lửa trong tương lai gần và có lẽ Bình Nhưỡng chỉ đang "gây áp lực tâm lý" lên Hàn Quốc.

Theo giới phân tích, sở dĩ CHDCND Triều Tiên có hành động hiếu chiến như vậy là nhằm củng cố lòng trung thành của người dân và quân đội với nhà lãnh đạo trẻ Kim Jong Un, đồng thời “nắn gân” tân Tổng thống Hàn Quốc Park Geun Hye trong bối cảnh bà mới lên nhậm chức và chính trường Seoul lại đang rơi vào bế tắc chính trị.

Nhà phân tích Hong Hyun-ik thuộc Viện nghiên cứu tư nhân Sejong ở Hàn Quốc cho rằng, với thực tế khu công nghiệp Keasong vẫn hoạt động bình thường, việc Triều Tiên tuyên bố cắt đứt đường dây liên lạc chỉ mang tính biểu tượng. Theo Bộ Thống nhất Hàn Quốc, ngày 11.3, hơn 840 người Hàn Quốc đã được đưa sang khu công nghiệp Keasong - nơi mang lại lượng tiền thiết yếu cho Triều Tiên.

Nhà phân tích Hong Hyun-ik nói: "Nếu người Hàn Quốc không làm việc tại Keasong, Triều Tiên sẽ rất khốn khổ với tình trạng tài chính. Nếu Triều Tiên thực sự muốn chiến tranh với Hàn Quốc, hẳn họ đã bắt cóc các công nhân Hàn Quốc tại Keasong làm con tin".

Trong khi đó, Thư ký báo chí Nhà Trắng Jay Carney cho biết Mỹ hết sức quan ngại trước những tuyên bố của CHDCND Triều Tiên, đồng thời nhấn mạnh, đưa ra những lời đe dọa và khiêu khích, CHDCND Triều Tiên sẽ không được gì cả. Hành động như vậy chỉ khiến nước này bị cô lập hơn và ảnh hưởng đến nỗ lực củng cố hòa bình trên bán đảo liên Triều.

Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Hàn Quốc, ông Cho Tai Young ngày 12.3 cũng nêu rõ, Hàn Quốc sẽ tuân thủ đầy đủ hiệp định đình chiến và tham vấn chặt chẽ với các bên hữu quan như Mỹ và Trung Quốc để đẩy lùi bất cứ nỗ lực nào của CHDCND Triều Tiên nhằm hủy bỏ hiệp định này.