Ngày 29/7, tin từ UBND tỉnh Quảng Trị cho biết, cơ quan này đã có quyết định đối với những sai phạm của Công ty Bắc Long Sơn.
Theo đó, UBND tỉnh Quảng Trị chỉ đạo các Sở Kế hoạch và Đầu tư, Xây dựng, Tài nguyên và Môi trường, Công thương hướng dẫn Công ty Bắc Long Sơn làm các thủ tục theo đúng chủ trương của tỉnh là cho phép chế biến sâu, khuyến khích sản xuất hàng mộc mỹ nghệ; nghiêm cấm cấp phép sản xuất gỗ dăm.
Công ty TNHH Bắc Long Sơn những ngày này đang tạm ngừng hoạt động sau hàng loạt sai phạm bị phanh phui. Ảnh: Ngọc Vũ
Trước đó, Dân Việt đã có nhiều bài phản ánh về nhà máy chế biến lâm sản Công ty TNHH Bắc Long Sơn (đóng tại đường Hồ Chí Minh nhánh Tây, xã Vĩnh Sơn, huyện Vĩnh Linh, Quảng Trị) ngang nhiên hoạt động khi chưa được cấp phép.
Cụ thể, hồi cuối tháng 5, Công ty TNHH Bắc Long Sơn bị UBND huyện Vĩnh Linh quyết định xử phạt hành chính 45 triệu đồng với hai sai phạm tự ý chuyển đổi rừng sản xuất sang đất phi nông nghiệp để xây dựng nhà máy khi chưa được cơ quan có thẩm quyền cho phép và xây dựng nhà máy chế biến lâm sản với công suất 6.500m3/năm (chưa kể gỗ dăm) khi chưa được cơ quan thẩm quyền cấp giấy phép xây dựng.
UBND huyện Vĩnh Linh còn xác định Công ty Bắc Long Sơn không có báo cáo đánh giá tác động môi trường về hoạt động của nhà máy.
Không những thế, công ty này còn bị Chi cục quản lý đường bộ II.5 phạt 35 triệu đồng vì tự ý mở đường đấu nối trái quy định vào đường mòn Hồ Chí Minh nhánh Tây đoạn đi qua địa bàn xã Vĩnh Sơn (Vĩnh Linh).
Tuy có hàng loạt sai phạm nghiêm trọng nhưng Công ty TNHH Bắc Long Sơn do ông Nghiêm Văn Mười làm giám đốc vẫn ngang nhiên hoạt động trong thời gian dài
Sự việc khiến dư luận bức xúc và lãnh đạo tỉnh Quảng Trị đã vào cuộc quyết liệt để xử lý.
Ông Hà Sỹ Đồng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị cho hay, tỉnh đã yêu cầu Công ty TNHH Bắc Long Sơn giải trình và cam kết thời gian hoàn thành báo cáo đánh giá tác động môi trường trước ngày 30/9/2019. Trên cơ sở chuyển biến khắc phục vi phạm của Công ty, UBND tỉnh sẽ xem xét việc xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường.
Cũng theo ông Đồng, hiện nay sản lượng gỗ khai thác trên địa bàn tỉnh khoảng 850.000m3/năm, trong đó tỉnh đã cấp phép đầu tư cho 14 dự án sản xuất dăm gỗ với tổng công suất thiết kế 650.000m3 sản phẩm/năm, còn lại khoảng 200.000m3/năm gỗ cung cấp nguyên liệu cho các nhà máy ghép thanh, viên nén năng lượng... Để đảm bảo nguyên liệu cho sản xuất chế biến gỗ trên địa bàn, tránh tranh mua tranh bán, tỉnh dừng cấp phép cho nhà máy chế biến gỗ dăm. Thời gian tới, Quảng Trị sẽ rà soát, kiểm tra toàn bộ các đơn vị chế biến gỗ, xử lý nghiêm các doanh nghiệp chưa làm đúng quy định.