Ông là Dương Văn Sản (thôn Tân Minh, xã Ngọc Châu, huyện Tân Yên, tỉnh Bắc Giang) - người mà chỉ cần hỏi về nhà ‘ông Sản đô vật’ là ai cũng có thể chỉ đường.
Kể về niềm đam mê cả đời của mình, ông nói ‘tôi cũng không lý giải được tại sao mình lại mê nó đến thế’.
Ngày nhỏ, cậu bé Sản chỉ được xem vật trong những dịp hội làng. Khi có hội họp trong làng, các cụ cũng thường hay xui trẻ con vật nhau, phần thưởng là mấy que diêm.
‘Nhưng tôi nghĩ mình có làm gì bằng diêm, cứ được vật là thích rồi’.
‘Mồ côi bố từ nhỏ, tôi cũng chẳng được ai ‘xui’ vật nhau nên tôi cứ sấn lên trước, ai bảo là chơi ngay’ - ông Sản nhớ lại.
Đến những năm 1960, trong mỗi dịp hội làng, chứng kiến dân làng khác tham gia chơi vật, lấy hết giải về, ông đã ước mình lớn hơn để tham gia thi đấu, giữ lại giải cho làng.
Niềm đam mê với vật cứ theo ông từ đó cho tới thời thanh niên. Đi bộ đội, ông cũng nổi tiếng trong đơn vị về tài vật.
Sau khi đi bộ đội về, ông tích cực tham gia thi vật trong làng, xã. Cứ thấy ai cởi áo là ông ra xin các cụ cho chơi, bất kể đối thủ to bé, già trẻ, có thành tích hay không, miễn sao để được vật.
‘Đến độ dân người ta bảo ông này thua mãi rồi mà vẫn thích chơi’ - ông kể.
Nhưng trong lúc ‘thua mãi, không thắng nổi trận nào ấy’, ông cảm thấy có động lực khi được một cụ già nhận xét ‘thằng này sau này không phải dạng vừa đâu’.
Ông Dương Văn Sản (bên phải) thời trai trẻ
Quyết chí giữ lại giải cho làng cũng như để thỏa mãn đam mê của bản thân, ông lặn lội xuống đất vật Quế Võ (Bắc Ninh) xin người ta dạy. ‘Ban ngày, tôi làm giúp người ta không công, đến tối nhờ người ta dạy vật’. Rồi ông lân la các sới vật để học hỏi kinh nghiệm.
Ông thừa nhận, huyện Tân Yên của ông không có truyền thống cho môn thể thao này, vì thế ông phải ‘tầm sư học đạo’ để đưa vật về với địa phương.
Cứ thế, từ một người mê vật nghiệp dư, ông bắt đầu đi thi đấu các giải dành cho dân chuyên nghiệp. Năm 1980, ông 2 lần đánh bại một vận động viên vừa đạt Huy chương Bạc toàn quốc để giành vị trí quán quân Giải Vật vô địch tỉnh Hà Bắc. Năm 1987, ông tham gia giải Hội khỏe các dân tộc ở tỉnh Hòa Bình và giành Huy chương Bạc, cũng là một trong những vận động viên già nhất giải.
Năm đó, ông còn nhận giải Lên đài đẹp nhất Việt Nam trong một giải đấu toàn quốc ở Hà Tây.
Vừa say mê tập luyện, thi đấu, ông còn khát vọng phát triển môn thể thao này cho các thế hệ sau. Năm 25 tuổi, ông kéo bạt đi khắp các trường học của 12 xã trong huyện, quy tụ học sinh để dạy vật miễn phí.
Từ năm 1980 đến nay ông vẫn làm công việc này và hoàn toàn không nhận học phí. ‘Ngày xưa, khi còn chưa có phòng tập, học phí tôi lấy mỗi học viên là 1 bao trấu để lót sàn. Còn bây giờ hoàn toàn là miễn phí’.
‘Hiện tại đang là kỳ nghỉ hè, các cháu học ở nhà tôi 6 buổi/ tuần. Tổng tất cả các lớp khoảng 70-80 cháu. Nhưng vào năm học, học viên ít đi, chắc chỉ còn 4 buổi/ tuần’.
Ông Sản gắn bó với công việc đào tạo vật cho trẻ em từ năm 1980
Trẻ em đến nhà ông Sản học phần lớn là để rèn luyện sức khỏe. Số ít trong đó được ông đào tạo để cung cấp nguồn vận động viên cho đội tuyển vật của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Bắc Giang.
Ông tự hào khoe ‘có một cô học trò của ông từng là vận động viên xuất sắc của Việt Nam và hiện là huấn luyện viên cho đội tuyển của Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội’.
Khi được hỏi, dành thời gian cho vật nhiều như thế thì thời gian đâu ông dành cho vợ con và công việc nhà nông, ông đáp: ‘Vợ tôi tạo điều kiện lắm. Nhưng mà không tạo điều kiện… tôi cũng đi’.
Chia sẻ về niềm đam mê của chồng, bà Hoàng Thị Tuyết cười nói: ‘Say mê lắm, bỏ công bỏ việc để đi. Ông ấy đưa quân đi khắp nơi để thi đấu. Chả mấy khi ở nhà. Sáng 5 giờ, ông ra khỏi nhà rồi đi đến tối. Tôi có phàn nàn, ý kiến cũng chẳng được. Có thời gian, ông nghỉ vật, đi làm kinh tế. Đó là năm 2009, nhưng sau đó ông cảm thấy khó chịu, bứt rứt khi không được theo đuổi đam mê. Thế nên chỉ mấy năm sau, ông lại bỏ công việc để tiếp tục theo vật. Chơi môn này, ông ấy có sức khỏe tốt, tinh thần thoải mái và không ốm đau gì’.
Ông thì nói thêm: ‘À, tôi cũng có cái thuận lợi để có thể rảnh rang như thế. Ngoài khoản lương thương binh, tôi còn được Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Bắc Giang hỗ trợ 1,5 triệu/ tháng cho công việc tìm kiếm, đào tạo đầu vào cho đội tuyển của tỉnh’.
Nhưng nếu ai biết ông đều hiểu rằng ông Sản ‘vật’ lăn lộn làm những việc này không phải vì mức hỗ trợ kia. Ông là kiểu người có thể sẵn sàng đổ hết sức mình chỉ vì một câu động viên nhỏ.
Mấy gian nhà ông xây làm nơi dạy vật được ông coi là báu vật
Ông kể: ‘Những năm tôi mang học trò đi thi, dù chưa đủ sức cạnh tranh với các địa phương khác nhưng có một lãnh đạo Sở đã nói: ‘Nếu tỉnh mình có 2 ông như ông Sản thì chẳng mấy chốc phong trào sẽ mạnh lên’. Tôi cứ nghĩ mãi, mình mới làm có thế mà đã được khen và thấy rất cảm động’.
Cho đến bây giờ, dù đã ngoài 60 tuổi, danh tiếng của ông Sản vẫn còn được các thế hệ trước nhớ đến. Năm kia, một học trò của ông nhắn ‘các cụ trong làng muốn mời bằng được thầy tới để vật một keo vật thờ (keo vật khai hội) thôi’. Dù nhà cách đó 20km, gia đình lại đang có việc gấp, nhưng ông vẫn cố gắng sang, vật một keo lại phải về ngay.
Có năm, một người bạn ở Thái Nguyên trách ông ‘lên đây mà không vào chơi’, hóa ra hội làng người ta bắc loa ‘quảng cáo’ ‘hiện nay đô Sản đã tới’ để thu hút người xem, nhưng kỳ thực ông không có tham gia.
Kể lại những câu chuyện vui ấy, ông không giấu được niềm tự hào bởi vẫn còn có những người yêu môn thể thao truyền thống này.
Ông nói, môn vật đang bị mai một trầm trọng. Ông ‘thèm’ được như ngày xưa, một ngày dạy 2-3 ca. ‘Tôi nghĩ vẫn còn nhiều người thích xem vật, nhưng người chơi thì ít. Vì bây giờ nhiều môn thể thao cho người ta lựa chọn. Thanh niên thì tìm đến các thú vui khác’.
‘Ngay cả bọn trẻ được bố mẹ mang đến gửi nhà tôi cho học vật cũng phần lớn là để bớt chơi game, điện thoại đi, chứ không phải vì đam mê vật thực sự. Họ bảo ‘anh quản lý nó giúp em, chứ vật được đến đâu thì vật’.
‘Tôi thấy vừa buồn cười vừa hơi buồn một chút nhưng như thế còn hơn là không có người chơi’ - ông thật thà chia sẻ.
Ông bảo, với ông, gian nhà để tập luyện là bảo vật, còn những người đưa con cháu đến nhờ ông dạy vật là khách quý. Nếu còn người cần đến ông, ông sẵn sàng dạy từ ngày này sang ngày khác mà không biết mỏi.