Tràn lan, bừa bãi
Tại cánh đồng lúa, hoa màu của xã Đông Sơn, TP.Tam Điệp (Ninh Bình) người dân thường xuyên phun thuốc diệt cỏ, thậm chí người trồng cỏ làm thức ăn cho gia súc cũng phun để diệt cỏ dại trong vườn của mình.
Điều đáng nói hơn là người sử dụng, phun thuốc trừ cỏ, thuốc trừ sâu ở đây hầu như không sử dụng thiết bị, bảo hộ an toàn trước, trong và sau khi phun thuốc.
Người dân sử dụng thuốc trừ cỏ tràn lan. Ảnh: I.T
"Thực hiện chỉ đạo của Bộ NNPTNT về việc loại bỏ nhiều hoạt chất BVTV độc hại ra khỏi danh mục được phép sử dụng tại Việt Nam, đáng lưu ý có 2 hoạt chất thuốc trừ cỏ là 2.4 D và Paraquat, Chi cục đã có thông báo rộng rãi đến UBND các huyện, thành phố, các tổ chức, cá nhân kinh doanh thuốc BVTV, các HTX biết và thực hiện”. Bà Đinh Thị Thao |
Tại vùng sản xuất dứa lớn nhất, nhì cả nước ở Đồng Giao thuộc TP.Tam Điệp cũng đang trong tình trạng tương tự. Với người trồng dứa, chuyện sử dụng thuốc trừ cỏ chẳng có gì lạ bởi năm nào cũng như năm nào, cứ thu hết 2 vụ quả là họ phun một lượt thuốc cỏ cháy để tất cả những gì còn sót lại trên ruộng từ cây dứa đến cỏ dại đều chết hết.
Sau đó, khi mọi thứ khô hết, họ bắt đầu đốt, dọn ruộng, trồng vụ mới. Đó là việc dọn ruộng, trong quá trình chăm sóc họ còn sử dụng nhiều hơn. Trồng xong 1-2 tháng là người dân bắt đầu phun thuốc trừ cỏ. Đặc biệt, vào các đợt mưa nhiều, cỏ lên nhanh thì phun liên tục.
Quyết liệt hơn
Theo Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật (Sở NNPTNT Ninh Bình), từ năm 2005-2010, lượng thuốc trừ cỏ trên địa bàn tỉnh sử dụng không nhiều, chủ yếu là thuốc trừ cỏ không chọn lọc. Tuy nhiên từ năm 2014 đến nay, lượng thuốc trừ cỏ sử dụng tăng nhanh. Nguyên nhân là do thiếu hụt nguồn lao động trong nông nghiệp nên phải sử dụng thuốc trừ cỏ để trừ cỏ nhanh, giảm ngày công.
Kết hợp với các ưu điểm như chi phí thấp và tiện lợi mà trừ cỏ bằng thuốc ngày càng được ưu tiên lựa chọn. Ngoài ra, những thay đổi trong phương thức canh tác lúa, chuyển dần từ cấy sang gieo thẳng cũng khiến lượng thuốc trừ cỏ sử dụng ngày một tăng.
Bà Đinh Thị Thao - Phó Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Ninh Bình cho biết, vụ mùa thường xuất hiện các đợt mưa lớn khiến nhiều diện tích lúa phải gieo đi gieo lại nhiều lần, đi cùng với đó là số lần sử dụng thuốc trừ cỏ tăng lên.
"Đặc biệt một bộ phận nông dân còn sử dụng thuốc trừ cỏ chưa theo nhãn thuốc, chưa đúng kỹ thuật, còn tăng nồng độ, liều lượng, phun chưa đúng thời điểm dẫn đến phải phun thuốc trừ cỏ nhiều lần, gây ảnh hưởng đến sức khỏe người phun thuốc, sức khỏe cộng đồng và ô nhiễm môi trường" -bà Thao nói.
Theo bà Thao, Chi cục sẽ tiếp tục tuyên truyền tập huấn, nâng cao nhận thức cho người kinh doanh, người sử dụng hiểu rõ về ưu điểm, nhược điểm của thuốc trừ cỏ, về kỹ thuật sử dụng thuốc trừ cỏ an toàn.
Ngoài ra, Chi cục cũng yêu cầu các địa phương không tiếp tục mở rộng diện tích gieo sạ, đồng thời rà soát lại các diện tích lúa gieo sạ đã có, chỉ những vùng điều tiết được nước mới cho gieo sạ tránh việc phải gieo đi gieo lại nhiều lần, làm tăng số lượt phun thuốc trừ cỏ.