Giữa trưa hè tháng 7 nóng như thiêu, trong ngôi nhà cấp 4 nằm sâu trong con hẻm đường Phạm Thị Liên (phường Kim Long, thành phố Huế), hai anh em song sinh Huy và Hoàng nằm thẳng đuỗn trên tấm đệm hơi giữa phòng khách, nơi mát nhất nhà. Khi bạn cùng tuổi đã vào lớp 6, chạy nhảy nô đùa, thì hai cậu bé chỉ nặng 15 kg, bằng đứa trẻ lên 3, gầy trơ xương, nằm một chỗ chờ mẹ bón.
Mang hai bình sữa vừa pha đến, người mẹ vừa bóp con gà cao su kêu chít chít để đánh thức con, vừa nhỏ giọng gọi: "Mở mắt ra ăn uống đi hai cậu, có ai chơi buổi đêm rồi ngủ ngày như hai cậu mô. Ngủ chi ghê rứa!". Nghe tiếng, Huy và Hoàng mở mắt to tròn, ậm ợ liếc nhìn nhau.
Tay trái đỡ đầu con, tay phải chị Thu từ từ bón từng muỗng. Vừa bón chị vừa dỗ: "Gắng ăn nhiều vô cho mẹ đỡ vất vả, để mẹ làm việc". Hai cậu bé liếc nhìn mẹ cười. Sữa trong chén vơi dần.
Đường ruột hai con yếu, người mẹ chỉ dám cho ăn cháo, sữa 12 năm qua. Ảnh: Võ Thạnh.
15 năm trước, chị Trương Thị Thu (hiện 52 tuổi) kết hôn với anh Nguyễn Văn Quý (55 tuổi) hành nghề phụ lái xe, khi ấy chị đã 38 tuổi và làm phụ dọn dẹp quán cơm. Đôi vợ chồng nghèo có thai ở tuổi muộn màng, nhưng con đầu lòng vừa ra đời đã mất. Ở tuổi 40, chị sinh đôi hai người con trai kháu khỉnh, cứ nghĩ ông trời bù đắp.
Thật trớ trêu, gần một năm tuổi, Huy và Hoàng không biết lật mà nằm một chỗ, đầu bị lép. Nghĩ con ăn thiếu nên xương không phát triển, anh Quý hàng đêm đi bắt cóc về nấu cháo, song không hiệu quả. Đến bệnh viện, họ rụng rời biết cả hai bị bại não bẩm sinh.
Nghĩ còn nước còn tát, họ đưa con đi chạy chữa khắp nơi nhưng không ăn thua. "Thời điểm đó, hàng ngày hai vợ chồng tôi phải nghỉ việc thuê xích lô chở hai con lên trung tâm chăm sóc trẻ khuyết tật để phục hồi chức năng, sáng đi chiều về. Một số sơ ở tu viện muốn nhận nuôi hai đứa để vợ chồng tôi đỡ khổ song chúng tôi không chịu. Con mình sinh ra thì mình nuôi, đến lúc hai đứa qua đời thì thôi!" chị Thu nói, giọng nghẹn lại.
Con không nhổ ra được, nên chị Thu phải bón cẩn thận kẻo các bé sặc, và cũng không thể đánh răng như thông thường, mà chỉ dùng khăn lau răng. Ảnh: Võ Thạnh.
Vậy là từ đó, chị ở nhà, cả ngày tất bật việc nấu cháo, pha sữa, thay bỉm, tắm giặt... cho hai con ăn. Cũng từ đó, chị chỉ luẩn quẩn trong nhà, rất ít khi đi xa.
"Trước đây, khi chưa mang bỉm cho Huy và Hoàng, khu vực phòng khách đặc mùi hôi thối. Có lúc chưa kịp lau, hai đứa lăn lóc ngay trên bãi nước tiểu của mình. Nhiều người đến thăm thấy vậy nên đã mua bỉm cho", chị Thu tâm sự.
Cuối ngày, công đoạn mệt nhất của người mẹ là bế lần lượt hai cậu bé ra sau nhà tắm. Ngồi bệt dưới sàn, chị ôm Huy nằm ngang vào lòng và khoát nước lên đầu cậu như tắm cho trẻ sơ sinh. Sau đó, chị bế con đặt trên tấm nệm nước rồi cọ rửa, xoa bóp. Tắm xong, chị mất gần hai tiếng, người đầm đìa mồ hôi, nhưng vẫn nhẫn nại cười với con.
Nghe bác sĩ bảo xoa bóp nhiều hệ cơ hai em sẽ phát triển, hàng ngày chị dành nhiều giờ xoa bóp chân, tay cho hai con.
Người mẹ cho biết Huy và Hoàng ăn ngủ rất thất thường, hai em cũng thường thức rất khuya vui đùa với nhau, bằng trò chơi duy nhất là cười, ậm ợ và đưa tay qua lại. Nhiều đêm người mẹ phải thức trắng để chăm, có lúc, chị vừa hát ru vừa ngủ gật vì mệt. "Trong hai đứa, Huy là đứa hay tủi nhất. Nhiều lúc nó tủi, mắt ứa lệ, mặt xịu lại, tui lại bóp con gà kêu là nó vui trở lại" chị Thu kể.
Bé Huy hay khóc tủi thân, người mẹ thường trêu đùa để cậu cười. Ảnh: Võ Thạnh.
Thương hoàn cảnh ngặt nghèo của hai vợ chồng, hàng xóm giúp chị Thu đi chợ mua thức ăn để chị có thời gian ở cạnh con hơn. Một số người hảo tâm cũng hỗ trợ gia đình phần nào. Niềm an ủi lớn nhất của anh chị là cô con út 8 tuổi phát triển bình thường và học giỏi.
Vì thế, dù hai con trai bại não nằm một chỗ, chị Thu vẫn lạc quan về tương lai. Chị nghĩ số phận đã sắp đặt hai đứa nhỏ như vậy rồi, chỉ còn cách cố gắng chăm sóc thật tốt.
"Nghe bác sĩ nói, trẻ bị bệnh bại não tuổi thọ không cao lắm, chỉ sống khoảng 30 năm trở lại. Trước mắt, hai vợ chồng tôi cứ chăm hai con thật tốt đã", chị nói mà nước mắt chảy, âu yếm nhìn hai con qua dòng lệ.