Tại buổi họp báo thường kỳ quý II của Bộ VHTTDL diễn ra sáng 1/8, phóng viên báo Dân Việt đã đặt câu hỏi xung quanh những sai phạm tại vùng lõi di sản thiên nhiên thế giới vịnh Hạ Long và trách nhiệm của Bộ VHTTDL, nhất là việc Ban quản lý vịnh Hạ Long làm chủ đầu tư hai công trình xây dựng tại di sản thế giới, nhưng trong quá trình xây dựng lại chưa có văn bản đánh giá tác động môi trường.
Ông Phạm Đình Phong – Phó Cục trưởng, Cục di sản, Bộ VHTTDL cho biết: “Chúng ta có riêng Nghị định quy định về quản lý di sản thiên nhiên thế giới, đây là cố gắng của Chính phủ trong việc đưa di sản thế giới vào điều kiện bảo vệ tốt nhất. Tuy nhiên như chúng ta đã biết, Việt Nam có rất nhiều di tích, hiện tại hơn 4.000 di tích đã được kiểm kê, ngoài ra di sản thế giới rất rộng lớn.
Mặc dù chúng ta đã tích cực kiểm tra, siết chặt quản lý nhưng các vi phạm vẫn xảy ra. Với trường hợp vi phạm tại di sản thiên nhiên thế giới vịnh Hạ Long, Cục di sản đã tiến hành các biện pháp kiểm tra đồng thời đánh giá đầy đủ mức độ vi phạm của các đơn vị có liên quan, các cá nhân, tổ chức có vi phạm trong việc thực hiện tu bổ di tích, đặc biệt tu bổ di sản thiên nhiên thế giới, chúng ta sẽ có hình thức xử lý nghiêm minh theo đúng quy định của pháp luật về luật di sản văn hoá”.
Trước câu hỏi của báo Dân Việt: Cục di sản đã có trao đổi gì với UNESCO Việt Nam về những dự án xây dựng tại vùng lõi di sản thế giới vịnh Hạ Long, ông Phạm Đình Phong xin được khất câu trả lời và sẽ trả lời riêng báo Dân Việt trong thời gian tới.
Báo Dân Việt tiếp tục đặt câu hỏi: Cục có biết việc xây dựng hòn Soi Cỏ, hòn Cây Chanh cũng như nhiều công trình khác, và liệu những công trình này đã được cấp phép, phê duyệt? Ông Phạm Đình Phong cho biết, tất cả những dự án tu bổ di tích đều thực hiện theo đúng thẩm quyền, trình tự thủ tục, tức là phải xin phép cơ quan có thẩm quyền. Tuy nhiên trong một số trường hợp, mặc dù xin cấp phép nhưng một số đơn vị thi công đã thực hiện không đúng với quy định cấp phép. Với những trường hợp báo Dân Việt hỏi, Cục sẽ kiểm tra kỹ và thông tin tới báo trong thời gian sớm nhất.
Như vậy, những sai phạm tại vùng lõi di sản vịnh Hạ Long vẫn chưa có được câu trả lời từ cơ quan quản lý cao nhất là Bộ VHTTDL và Cục Di sản.
Trước đó, báo Dân Việt đã đăng tải loạt bài "Vùng lõi di sản Hạ Long – Những vết thương khó chữa". Trong đó, Dân Việt đã phản ánh về “công cuộc” bê tông hoá vùng lõi di sản khi PV có chuyến đi khảo sát hầu khắp vùng lõi vịnh Hạ Long, hàng loạt công trình đã và đang xây dựng trên vùng lõi di sản.
Tại động Mê Cung, nhiều ụ nổi cùng cần cẩu, các loại thiết bị, vật tư xây dựng và hàng chục công nhân đang mải miết thi công. Tại hòn Soi Cỏ, nơi được coi là “Thiên cảnh sơn” trên vịnh Hạ Long, một bến cập tàu quy mô lớn hiện ra với bờ kè bê tông ôm gần trọn một mặt hòn. Hòn Cây Chanh cũng bị “bao vây” bởi một bờ kè dài 170m bằng đá, đổ bê tông mặt dày 20cm, do Công ty cổ phần Du thuyền Đông Dương xây dựng…
Ngay sau loạt bài, báo Dân Việt đã gửi câu hỏi tới Bộ VHTTDL, Cục Di sản nhưng không nhận được câu trả lời.