Dân Việt

Lợi ích nhiều mặt từ canh tác lúa thông minh

Duy Anh 01/08/2019 15:43 GMT+7
Canh tác lúa thông minh thích ứng với biến đổi khí hậu là chương trình do Công ty CP Phân bón Bình Điền và Trung tâm Khuyến nông Quốc gia phối hợp thực hiện. Qua 3 năm thực hiện, chương trình đã tập huấn cho hơn 3.000 lượt nông dân, xây dựng mô hình tại 13/13 tỉnh thành vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Nhiều nông dân đã có đủ kinh nghiệm và kiến thức để vận dụng tốt các giải pháp canh tác vào sản xuất của chính mình đồng thời chuyển giao đến đông đảo người dân khác.

Hiệu quả kinh tế đáng ghi nhận

Theo Tổng Giám đốc Công ty CP Phân bón Bình Điền Ngô Văn Đông, từ năm 2016, khi biến đổi khí hậu được nhắc đến rất nhiều do những ảnh hưởng tiêu cực đến sản xuất và sinh hoạt của người dân, Công ty CP Phân bón Bình Điền đã có sáng kiến xây dựng chương trình canh tác lúa thông minh thích ứng với biến đổi khí hậu. Qua 3 năm thực hiện, đã có hơn 3.000 nông dân trồng lúa được tập huấn, chuyển giao và thực hành ngay trồng đồng ruộng. Với sự tư vấn, đào tạo chuyên sâu của ban tư vấn gồm các giáo sư, tiến sĩ đầu ngành nông nghiệp.

img

GS-TS Mai Văn Quyền, Trưởng Ban Cố vấn chương trình cho biết, mỗi hecta, nông dân tham gia chương trình sạ 80 kg lúa giống, bón 70 đơn vị đạm, trong khi ngoài chương trình, sạ trung bình 141 kg, bón 170 đơn vị đạm. Kết quả, hiệu quả kinh tế trong canh tác lúa ở trong các mô hình thật sự rất đáng ghi nhận trong tình cảnh điều kiện sản xuất lúa ngày càng khó khăn. Năng suất bình quân tăng 500 - 700 kg/ha, tiết kiệm chi phí sản xuất 1,2 - 1,9 triệu/ha góp phần tăng lợi nhuận từ 3,5 - 5,9 triệu đồng/ha so với sản xuất truyền thống của bà con nông dân lân cận.

Nhiều chuyên gia cũng cho rằng, người trồng lúa rất khó làm giàu do ruộng không nhiều, lợi nhuận thấp. Muốn giúp nông dân có lợi nhuận cao chỉ có cách hạ giá thành sản xuất. Chương trình canh tác lúa thông minh đã đáp ứng được điều này. Sự thành công của chương trình này trước hết là đã chuyển giao được các tiến bộ khoa học kỹ thuật, kinh nghiệm canh tác hiệu quả đến đông đảo bà con nông dân trồng lúa. Bên cạnh đó, bà con nông dân còn được cán bộ kỹ thuật trung tâm khuyến nông các tỉnh cùng với cán bộ kỹ thuật của Cty CP Phân bón Bình Điền “tận tay chỉ việc”, từ đó bà con thực sự nắm bắt rất vững kiến thức về canh tác lúa để canh tác lúa đạt hiệu quả.

Chương trình đã tổng kết được các giải pháp canh tác mà chúng tôi gọi là “thông minh”, hiệu quả và phụ hợp nhất để bà con trồng lúa trong chương trình áp dụng vào sản xuất. Trong thực tế, ở hầu hết các mô hình đã áp dụng chương trình này bà con nông dân đều tiếp tục thực hiện và nhân rộng ra các diện tích canh tác lân cận. Chương trình này còn được áp dụng rộng rãi trong các mô hình cánh đồng lớn, sản xuất lúa chất lượng cao tại Long An, VietGAP, dự án VnSAT ở các tỉnh Đồng Tháp, Sóc Trăng trong các vụ tiếp theo.

Tâm huyết của doanh nghiệp

img

Phát động chương trình, không chỉ sản phẩm phân bón Đầu Trâu chất lượng cao, Công ty CP Phân bón Bình Điền còn mong muốn cung cấp cho nông dân cả gói kỹ thuật sản xuất, cập nhật tiến bộ khoa học - kỹ thuật tiên tiến nhất của thế giới. Bộ sản phẩm phân bón này thích ứng với biến đổi khí hậu giúp cây lúa giải mặn và phèn, giảm lượng phân bón nhờ những hoạt chất làm giảm thất thoát đạm, tăng hiệu quả sử dụng lân. Đây là những tiến bộ khoa học về phân bón của thế giới mà Công ty CP Phân bón Bình Điền đang độc quyền nhập khẩu, sản xuất.

Cuối tháng 3.2019 vừa qua, Công ty CP Phân bón Bình Điền đã tổ chức đưa đoàn cán bộ, nhà khoa học và nông dân sang tham quan, học tập kinh nghiệm sản xuất nông nghiệp tại Thái Lan. Thành phần của đoàn chủ yếu là nông dân sản xuất giỏi được lựa chọn từ chương trình Canh tác lúa thông minh thích ứng với biến đổi khí hậu tại các tỉnh, thành đồng bằng sông Cửu Long qua 3 năm thực hiện. Một trong những tiêu chí đề ra của chương trình là canh tác thông minh, biến nông dân thành chuyên gia, bởi theo như PGS.TS. Mai Thành Phụng, thành viên Hội đồng khoa học kỹ thuật của Bình Điền thì: “nông dân bước vào cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, qua rồi cái thời cầm tay chỉ việc, bây giờ nông dân phải thật sự trở thành chuyên gia trên đồng ruộng của mình”.

Muốn vậy đòi hỏi họ phải được tập huấn, huấn luyện kiến thức kỹ thuật và thực hành sản xuất bằng nhiều cách thức khác nhau, mà Bình Điền đã làm rất thành công để chuyển giao kiến thức kỹ thuật phổ thông cho nông dân. Chỉ có tiếp thu và vận dụng tốt kiến thức khoa học kỹ thuật thì nông dân mới có thể sản xuất có hiệu quả trong mọi điều kiện, nhất là những thách thức đang ngày càng gay gắt của biến đổi khí hậu. Đặc biệt, chương trình Canh tác lúa thông minh thích ứng với biến đổi khí hậu, tiến hành 3 năm, với 6 vụ canh tác lúa trên nhiều vùng thổ nhưỡng khác nhau tại đồng bằng sông Cửu Long đã tạo hiệu ứng lan tỏa ra nhiều vùng trồng lúa trong cả nước; sau đó là với nhiều loại cây trồng, như cà phê, hồ tiêu, cây ăn quả…

Tổng Giám đốc Công ty CP Phân bón Bình Điền Ngô Văn Đông cho biết, chương trình sẽ tiếp tục được thực hiện trên phạm vi cả nước nhằm đào tạo và xây dựng đội ngũ nông dân thân tín của công ty có trình độ, kỹ năng tốt để vừa tự nâng cao hiệu quả canh tác của mình, vừa truyền tải được kiến thức, kinh nghiệm sản xuất tốt cho cộng đồng; xây dựng mối gắn kết thân thiết hơn nữa giữa công ty với các cơ quan quản lý nhà nước, các nhà khoa học và bà con nông dân.