Dân Việt

Bàn cách gỡ khó cho thủy sản Việt Nam vào Trung Quốc

Nguyên An 01/08/2019 16:44 GMT+7
Phía Trung Quốc đặt ra một số quy định khắt khe hơn khiến việc xuất khẩu vào thị trường này gặp khó, đòi hỏi những giải pháp để giải quyết hàng tồn trước mắt cũng như biện pháp căn cơ lâu dài.

“Tắc”

Tháng 9/2018, Hải quan Trung Quốc yêu cầu hàng hóa Việt Nam chưa được kiểm dịch không được mang vào giao dịch tại cặp chợ biên giới.

Tất cả thủy hải sản (trừ thủy hải sản ướp đá) được nuôi trồng hoặc đánh bắt nhập khẩu vào Trung Quốc cần phải do doanh nghiệp sản xuất tại Việt Nam đã được đăng ký thực hiện, khi khai báo nhập khẩu hàng hóa phải xuất trình chứng thư về thủy sản do nhà nước Việt Nam cấp.

img

Hàng thủy sản Việt Nam đợi xuất vào Trung Quốc.

Ngoài ra, quy định tem nhãn, ký hiệu trên hàng hóa thủy hải sản nhập khẩu vào Trung Quốc qua cặp chợ biên giới (trừ thủy hải sản đông lạnh) phải được in cố định trên bao bì, thông tin được ghi trên ký hiệu phải bao gồm tên khoa học, quy cách, ngày sản xuất, số lô, điều kiện bảo quản, phương thức sản xuất (đánh bắt/nuôi trồng), khu vực sản xuất, tên doanh nghiệp gia công, sản xuất, số hiệu và nơi xuất khẩu đến là nước CHND Trung Hoa.

Chưa hết, chữ ghi trên ký hiệu dán trên các sản phẩm của cùng một lô hàng phải thống nhất về kích cỡ, màu sắc. Ký hiệu và nhãn của hàng hóa phải được in trước khi hàng hóa được xuất xưởng, không cho phép thêm vào bằng cách tạm thời in ấn, dập, đóng bao.

Những quy định, yêu cầu mới này đã gây “tắc” cho hàng thủy hải sản Việt Nam xuất vào Trung Quốc.

Phải tháo gỡ

Báo cáo từ Sở NNPTNT tỉnh Quảng Ninh cho thấy, trong 6 tháng đầu năm, trị giá xuất khẩu hàng hóa thủy sản qua cửa khẩu, lối mở tỉnh Quảng Ninh chỉ đạt 79,6 triệu USD. Như vậy là giảm tới 32,1% so với cùng kỳ năm 2018. Theo đó, tôm Khánh Hòa gần 130 tấn; mực, cá từ Vũng Tàu khoảng 34 tấn; cá chỉ vàng Tiền Giang 60 tấn; tép Phan Thiết chỉ khoảng 14 tấn.

img

Ngày 29/7, Sở NNPTNT tỉnh Quảng Ninh phối hợp với UBND TP.Móng Cái tổ chức Hội nghị phổ biến các quy định, yêu cầu của thị trường và kết nối tiêu thụ sản phẩm thủy sản vào thị trường Trung Quốc để gỡ khó cho các doanh nghiệp (trong ảnh: các đại biểu dự hội nghị).

Tại một số kho lạnh của các đơn vị trên địa bàn Móng Cái, do không xuất được hàng nên nhiều container chở thủy sản đông lạnh phải lưu kho với chi phí cả triệu đồng/ngày rất tốn kém. Số doanh nghiệp chưa nắm bắt, cập nhật hết những quy định mới này từ Trung Quốc không phải ít.

img

Ông Nguyễn Hồ Nguyên - Tổng Giám đốc Công ty Thủy sản Lenger Việt Nam nói về những khó khăn của nhiều doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản vào Trung Quốc.

Để tháo gỡ, tỉnh Quảng Ninh đã chỉ đạo Sở NNPTNT, Công Thương, UBND Thành phố Móng Cái có văn bản đề nghị bộ, ngành liên quan tham gia đàm phán với phía Trung Quốc nhằm giãn thời gian thực hiện yêu cầu bảo quản hàng hóa đối với các mặt hàng thủy sản bằng phương pháp bảo quản như cấp đông, ướp đá, tháo gỡ vướng mắc về chứng thư kiểm dịch đối với các lô hàng chưa có chứng thư.

Ngoài ra cũng sẽ tập trung tuyên truyền cho người nuôi trồng, doanh nghiệp chế biến thủy sản nắm được chính sách nhập khẩu của Trung Quốc để có chiến lược kinh doanh phù hợp.

Đặc biệt, tiếp tục tuân thủ nghiêm quy định, tiêu chuẩn, kỹ thuật nuôi trồng, chế biến, xuất khẩu hàng thủy sản, kiểm soát chặt dư lượng kháng sinh, chất bảo quản để đáp ứng yêu cầu nhập khẩu của thị trường trong đó có thị trường Trung Quốc.