Dân Việt

Nghệ An: Dân miền núi í ới gọi nhau đi hái trám đen ngon nức tiếng

Mỹ Hà 06/08/2019 19:05 GMT+7
Thời điểm hiện nay, ở các xã miền núi Nam Sơn của huyện Đô Lương, xã Cát Văn, Thanh Nho, Thanh Đức, Hạnh Lâm của huyện Thanh Chương ( Nghệ An), bà con đang hối hả vào mùa thu hoạch trám đen để đem đi bán. Mỗi vụ hái trám đen, nhiều hộ nông dân xứ Nghệ có thể thu nhập tới cả chục triệu đồng mỗi cây...

img

Trám đen là loại cây ăn quả và lấy gỗ. Bên cạnh trám mọc tự nhiên thì những năm gần đây, nhiều cây trám lai ghép được người dân huyện Đô Lương, Thanh Chương nhân rộng và quả trám đang mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người dân. Hiện, 2 huyện Thanh Chương và Đô Lương đang có hàng ngàn cây trám. Một cây trám cổ thụ mỗi năm cho người dân nguồn thu từ 7 - 10 triệu đồng...

Trám đen vào mùa, bà con nông dân hối hả hái quả

Trước đây cây trám đen thường chỉ được trồng để lấy gỗ hoặc lấy quả làm thực phẩm dân dã cho bữa ăn hàng ngày ở nông thôn. Nay quả trám đen lại trở thành một thứ đặc sản hấp dẫn, có thể chế biến thành nhiều món ăn ngon nên cây trám cũng được nhân rộng diện tích, sản xuất hàng hóa để xuất bán ở nhiều nơi, đem lại thu nhập đáng kể cho người dân các xã miền núi của xứ Nghệ.

Những ngày này, đến các hộ dân ở xã Nam Sơn của huyện Đô Lương, các xã Cát Văn, Thanh Nho, Thanh Đức, Hạnh Lâm của huyện Thanh Chương ( Nghệ An), đâu đâu cũng thấy bà con nông dân vui vẻ í ới gọi nhau thu hoạch quả trám đen để bán. Có những cây trám đen 30 đến 40 năm tuổi, to một người ôm không xuể, cành lá sum suê, chi chít quả ngon đen nhánh.

img

Quả trám đen đã trở thành đặc sản nổi tiếng ở  đất Thanh Chương, Đô Lương. Cứ mỗi khi mùa trám về, người dân địa phương lại í ới gọi nhau đi hái quả trám.

Trao đổi với phóng viên báo DANVIET.VN, ông Trần Hường, trú tại xóm 8, xã Nam Sơn, huyện Đô Lương (Nghệ An) nói: “Ở vùng này nhà ít thì vài ba cây, nhà nhiều có đến hàng chục cây. Gia đình tôi có 12 cây trám, trong đó có 7 cây trám lâu năm đã cho thu hoạch hàng chục năm nay. Năm nay trám đen được mùa, lại được giá, bán đắt hơn năm ngoái nhiều. Gia đình tôi ít cây thì huy động người nhà tự trèo hái, còn những gia đình mà nhiều cây, không có thời gian thu hoạch thì có thương lái họ đến tận nơi hái và thu mua luôn”.

Trám đen là loại cây dễ trồng, thích hợp với vùng đồi núi, mỗi năm thu hoạch một mùa vào tháng 7 âm lịch. Trước đây, người dân ít để ý chăm bón, chỉ để cây phát triển tự nhiên bởi rồng từ 7 đến 8 năm mới cho thu hoạch. Nhưng nay, do giá trị kinh tế cao nên nhiều người đã quy hoạch thành vùng để trồng trám.

Đặc biệt để khắc phục nhược điểm loại cây này cao, khó thu hoạch quả, các hộ đã chuyển sang trồng loại trám ghép. Loại cây này có đặc điểm chỉ 4 năm là cho thu hoạch quả, cây thấp, tán rộng, nhiều quả, dễ thu hoạch. 

img

Trám đen là loại cây dễ trồng, thích hợp với vùng đồi núi, mỗi năm thu hoạch một mùa vào tháng 7 đến tháng 10 âm lịch. 

Ông Nguyễn Huỳnh, xóm 1, xã Cát Văn, huyện Thanh Chương (Nghệ An) cho biết: “Cây trám mọc tự nhiên thường cao vút, rất khó thu hoạch, mỗi khi vào mùa phải leo trèo lên cao chót vót rất nguy hiểm. Trèo hái trám phải có các thiết bị bảo hộ cẩn thận. Chính vì thế nên tôi trồng cây trám ghép. Loại cây này vừa thấp, tán rộng, nhiều quả, dễ thu hoạch hơn nhiều, mà chất lượng trám vẫn ngon, bùi như trám mọc tự nhiên, hiệu quả kinh tế lại cao…”.

img

Ở xã Nam Sơn, hiện tại cây trám đen được phát triển nhiều ở các xóm 1, 2, 3, 4 và xóm 8. Ngoài ra, 2 xã giáp với xã Nam Sơn là Lĩnh Sơn của huyện Anh Sơn và xã Cát Văn của huyện Thanh Chương cũng phát triển mạnh loại cây đặc sản này. Năm nay, trám đen được mùa, mỗi cây cho thu hoạch từ 40 đến 50 kg quả, đem về thu nhập 3 triệu đồng. Có những cây lâu năm thân to, tán rộng, có thể cho năng suất tới 1-3 tạ quả, nhập hơn 10 triệu đồng.

Những năm gần đây, trám đen được đưa đi tiêu thụ ở các tỉnh, thành phố trong cả nước, hạt của quả trám đen còn được thu mua để thương lái bán sang Trung Quốc. Ngoài lượng trám bán tại các chợ, ở các điểm thương lái còn thu mua tới hàng trăm tấn quả trám đen, đem về thu nhập cho người dân hàng chục tỷ đồng. 

Theo Hội Nông dân xã Nam Sơn, huyện Đô Lương( Nghệ An), cây trám đen hiện nay đang mang lại hiệu quả kinh tế cao cho bà con nông dân. Hội Nông dân đang tuyên truyền, vận động dân mở rộng diện tích trồng trám đen. Đây cũng là một trong những mục tiêu của Hội trong phong trào cải tạo vườn tạp, tham gia xây dựng nông thôn mới….

img

Với hương vị bùi thơm đặc biệt, quả trám đen Nghệ An có thể chế biến thành nhiều món ăn lạ miệng, hấp dẫn như xôi trám đen, trám nhồi thịt, canh trám nấu gà, trám muối... Hiện nay, trám đen còn được chế biến đóng lọ đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm.

Trám đen xứ Nghệ vào siêu thị

Nếu như đặc sản trám đen nổi tiếng của Đô Lương, Thanh Chương (Nghệ An) lâu nay chỉ được chế biến bằng cách om truyền thống, ăn theo mùa, không bảo quản được lâu thì nay đã được chế biến bằng công nghệ mới, đóng lọ hiện đại.

Đây là thành quả mới nhất của dự án “Ứng dụng khoa học - công nghệ xây dựng mô hình bảo quản chế biến quả trám đen Thanh Chương” do huyện Thanh Chương đề xuất, được UBND tỉnh Nghệ An đồng ý, giao cho một công ty phát triển nông nghiệp chủ trì thực hiện.

img

Quả trám sau khi om được cho vào lọ thủy tinh, rót nước muối hoặc nước mắm ở nhiệt độ cao và đóng nắp kín tuyệt đối. Lọ trám được thanh trùng, sốc nhiệt. Các quy trình kỹ thuật chế biến và bảo quản được các chuyên gia của Viện Nghiên cứu rau quả Trung ương nghiên cứu và chuyển giao.

“Trước đây, người dân thường muối trám mặn như muối dưa, cà, làm trám muối mất đi hương vị đặc trưng. Mặt khác người dân thường muối trong các lọ nhựa, sành không kín nắp, nên vi sinh vật xâm nhập, lên men, lên mốc xanh, ảnh hưởng tới cho sức khỏe người sử dụng. Chúng tôi đã áp dụng công nghệ mới, quả trám sẽ bảo quản được lâu hơn trong nhiệt độ thường. Hạn sử dụng của sản phẩm là 1 năm từ ngày sản xuất, đã trở thành hàng hóa và được người tiêu dùng ưa chuộng”, thạc sỹ Nguyễn Hữu Hiếu, Chủ nhiệm dự án cho biết. 

img

Hiện nay, áp dụng công nghệ mới, quả trám sẽ bảo quản được lâu hơn trong nhiệt độ thường, vận chuyển đi các nơi thuận tiện và dễ dàng hơn. Mang lại thu nhập cao cho bà con nông dân.

Hiện nay, sản phẩm trám đen được đóng lọ với trọng lượng 800g, 1.280g, dán nhãn và đã được Chi cục Vệ sinh an toàn thực phẩm Nghệ An xác nhận phù hợp quy định an toàn thực phẩm; được các cơ quan chức năng kiểm định, chứng nhận chất lượng, sở hữu trí tuệ và bảo hộ thương hiệu trên toàn quốc. 

Mặc dù sản phẩm mới bắt đầu phân phối ra thị trường, nhưng nhiều doanh nghiệp ở Hà Nội, TP.Hồ Chí Minh, Đà Nẵng... đã liên hệ để hợp tác phân phối độc quyền ở các địa phương này. Dự án thực hiện khép kín thành chuỗi từ tuyển chọn, nhân giống, trồng đến chế biến và bảo quản quả trám đã mở ra hướng đi mới cho cây trám trên địa bàn. Quả trám đang và sẽ có thị trường ổn định, tạo động lực cho người dân yên tâm phát triển.

img

Hiện nay, sản phẩm trám đen được đóng lọ với trọng lượng 800g, 1.280g, dán nhãn và đã được Chi cục vệ sinh an toàn thực phẩm Nghệ An xác nhận phù hợp quy định an toàn thực phẩm

Ông Hoàng Văn Huân - một người dân trồng trám ở xã Cát Văn, huyện Thanh Chương (Nghệ An) chia sẻ: “Trám từ lâu đã có giá trị kinh tế cao, nay được chế biến bảo quản, đầu ra ổn định, chúng tôi cũng yên tâm đầu tư mở rộng diện tích cây trám”.

Đây là một bước tiến mới của việc đưa quả trám đặc sản trám đen xứ Nghệ trở thành hàng hóa, tạo đầu ra ổn định, lâu dài cho người dân.

Quả trám chứa protid, chất béo, hydrat cacbon, beta- caroten, acid oleannolic, một số khoáng chất: Ca, K, P, Fe, Mg, Mn, Zn, Cu... và vitamin C. Hạt quả trám chứa các acid béo. Theo y học cổ truyền, quả trám có vị chua, ngọt, chát, tính ấm, vào kinh phế, có tác dụng thanh nhiệt, sinh tân chỉ khát, giải độc, lợi hầu họng, không độc nên được dùng trị các bệnh về hầu họng sưng đau, ho nhiều đờm, viêm ruột, lỵ, tiêu chảy, khát nước. Quả trám xanh có tác dụng giải độc.