Tốc độ đóng tàu chiến của Mỹ đang ở mức báo động.
Hồi tháng 5, tờ Popular Mechanic đăng tải thông tin các hạm đội của Hải quân Trung Quốc đã vượt Mỹ về số lượng đơn vị và trở thành hạm đội lớn nhất thế giới. Số tàu chiến đã lên tới 300 chiếc trong khi Mỹ hiện có 290 chiếc.
Dĩ nhiên, các tàu chiến Mỹ vẫn vượt trội về chất lượng và công nghệ hiện đại hơn hẳn. Nhưng khoảng cách đó đang dần bị thu hẹp, khi Trung Quốc đang liên tục đóng mới tàu sân bay và tàu khu trục lớn nhất thế giới.
Mới đây, chuyên gia phân tích William Hawkins, người từng là nhà nghiên cứu cho Quốc hội Mỹ, đặt ra vấn đề ngành đóng tàu quân sự Mỹ đang ngày càng tồi tệ, hoạt động quá chậm chạp dẫn đến việc số tàu chiến mới xuất hiện ngày càng ít.
“Hải quân Mỹ đặt mục tiêu sở hữu hạm đội hùng hậu lên tới 355 tàu chiến, tăng 85 tàu so với con số 290 hiện nay”, Hawkins nói.
Các xưởng đóng tàu tự tin rằng họ sẽ đạt cột mốc trên đúng thời hạn, nhưng những gì Hawkins tìm hiểu được cho thấy điều ngược lại. “Hạm đội Mỹ sẽ không kịp có 355 tàu chiến vào năm 2034. Đó là sau khi trải qua thêm 4 nhiệm kỳ tổng thống Mỹ và 7 cuộc bầu cử Quốc hội”, Hawkins nói.
Hải quân Mỹ hiện sở hữu 7 nhà máy đóng tàu. 4 công ty tư nhân sở hữu 7 nhà máy đóng tàu khác. 11 nhà máy này phải hoàn thành hạn mức 355 tàu chiến, chưa kể còn phải đóng các tàu cảnh sát biển và tàu hỗ trợ.
“Ngoài sức ép phải đóng tàu, các nhà máy này còn không đủ năng lực sửa chữa các tàu chiến bị hư hại ở vùng biển xa nước Mỹ như Biển Đông”, Hawkins viết. “Hải quân Mỹ đã đề xuất mở rộng tới 21 nhà máy đóng tàu, tập trung ở bờ biển Thái Bình Dương. Nhưng chưa có động thái nào cho thấy đề xuất này được thông qua”.
Hawkins viện dẫn ví dụ về tàu khu trục USS Fitzgerald, khi tàu này đâm vào tàu hàng ở ngoài khơi Nhật Bản hồi tháng 6.2017. Con tàu lớp Arleigh Burke bị hư hại nặng, nước tràn vào khoang.
“Con tàu được kéo về cảng biển của Nhật, rồi đưa về Mỹ sửa chữa”, Hawkins viết. Hải quân Mỹ không có nhà máy đóng tàu nào nào ở Thái Bình Dương, dẫn đến việc tàu Fitzgerald phải trải qua hành trình dài trở về nhà máy đóng tàu ở Pascagoula, bang Mississippi, Mỹ.
Tàu USS Fitzgerald bị hư hại và phải đưa về nhà máy đóng tàu ở Mỹ để sửa chữa.
Cơ sở này là nơi đóng tàu các tàu khu trục lớp Arleigh Burke, với 30 đơn hàng nữa chưa được bàn giao cho hải quân Mỹ.
Hải quân Mỹ hứa sẽ sửa tàu USS Fitzgerald trong thời gian nhanh nhất có thể. Nhưng theo những gì Hawkins tìm hiểu, tàu Fitzgerald chỉ về đến nhà máy vào tháng 1.2018 và vẫn chưa ra khơi trở lại cho đến tháng 4.2019, tức là 22 tháng sau vụ va chạm.
Tháng 8.2017, tàu khu trục USS John S. McCain cũng bị hư hại khi đâm vào hàng ở ngoài khơi Singapore”. Con tàu được sửa ngay tại Nhật, thay vì chuyển về Mỹ”.
Sau 15 tháng, con tàu mới tái xuất. Nhưng nếu có chiến tranh nổ ra ở Thái Bình Dương, Nhật Bản sẽ phải ưu tiên sửa tàu chiến của mình trước rồi mới đến tàu Mỹ.
Hawkins nói chỉ hỏng một tàu mà hải quân Mỹ phải mất gần 2 năm, thậm chí 3 năm mới sửa xong. Nếu như có nhiều tàu chiến hơn bị hư hại trong thời gian ngắn thì không biết chuyện gì có thể xảy ra. Đó là chưa kể các tàu lớn hơn như tàu tuần dương, tàu sân bay cũng khó sửa chữa hơn.
Hawkins kết luận: “Nếu như đụng độ với đối phương có tên lửa chống hạm, tên lửa đạn đạo uy lực, thiệt hại đối với các hạm đội Mỹ là rất lớn”.
Với tình hình như hiện tại, hải quân Mỹ sẽ không đủ sức sửa chữa cả một hạm đội trong thời gian ngắn để tạo ra sự khác biệt trên chiến trường, như thời Thế chiến 2.
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đặt ra mục tiêu đưa quân đội Trung Quốc trở thành lực lượng chiến đấu hàng đầu,...