Ông Nguyễn Phương Đông, Phó Giám đốc Sở Công thương TP.HCM, cho biết TP đã ban hành và triển khai 4 chương trình bình ổn thị trường (BOTT) năm 2019 đối với hàng trăm mặt hàng cho tới Tết nguyên đán Canh Tý 2020.
TP.HCM là thị trường bán lẻ lớn nhất trong cả nước. Đây là cơ hội lớn cho các DN sản xuất kinh doanh và cung ứng trong nước đưa hàng vào kênh bán lẻ hiện đại. Tính đến nay, TP.HCM đã có 239 chợ, 205 siêu thị, 46 trung tâm thương mại và 2.360 cửa hàng tiện lợi.
Theo báo cáo của Sở Công thương về tình hình bán lẻ của TP trong 6 tháng đầu năm 2019, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ lũy kế ước đạt 574.984 tỷ đồng, tăng 12,7% so với cùng kỳ. Dự báo doanh thu dịch vụ có thể cán đích mức tăng 12% trong cả năm. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ đạt mức tăng cao.
Hàng trăm mặt hàng thiết yếu giữ và giảm giá góp phần giảm áp lực chi tiêu cho người dân.
Để đảm bảo bình ổn thị trường, kích thích tiêu dùng, góp phần giảm áp lực chi tiêu cho người tiêu dùng và giữ ổn định giá cả từ nay cho đến Tết nguyên đán 2020, TP.HCM đã ban hành và triển khai các chương trình BOTT đối với nhiều nhóm hàng hóa.
Với nhóm các mặt hàng lương thực, thực phẩm thiết yếu, TP tiếp tục đưa 10 nhóm hàng thiết yếu vào danh sách bình ổn, gồm lương thực (gạo, mì gói, bún khô,…); đường RE, RS; dầu ăn; thịt gia súc; thịt gia cầm; trứng gia cầm; thực phẩm chế biến; rau củ quả; thủy hải sản, gia vị, các tháng thường, lượng hàng BOTT chiếm từ 25% - 30% nhu cầu thị trường và các tháng tết, lượng hàng bình ổn thị trường chiếm từ 30% - 40% nhu cầu thị trường.
Với các mặt hàng phục vụ mùa khai giảng, TP.HCM bình ổn 4 nhóm hàng có nhu cầu sử dụng cao gồm tập vở; cặp, ba lô, túi xách; đồng phục học sinh; giày... Lượng hàng BOTT chiếm từ 35% - 50% nhu cầu tiêu dùng của học sinh, sinh viên trên địa bàn TP năm học 2019 - 2020.
Với các mặt hàng sữa, TP đưa 4 nhóm sản phẩm sữa vào bình ổn gồm sữa bột dành cho trẻ em; sữa bột dành cho bà mẹ mang thai; sữa bột chức năng (dành cho người cao tuổi, người bệnh, người gầy, giảm cân và bệnh tiểu đường); sữa nước dinh dưỡng bổ sung vi chất (gồm sữa nước, sữa chua uống).
Lượng sữa tham gia bình ổn thị trường là 1.455,6 tấn/năm (121,3 tấn/tháng) và 1,2 triệu lít sữa nước/năm (100.039 lít/tháng).
Hàng nghìn điểm bán lẻ cam kết BOTT từ nay cho đến Tết nguyên đán 2020.
Cuối cùng trong chương trình BOTT bao gồm các mặt hàng dược phẩm, duy trì các nhóm thuốc thiết yếu, có mức độ sử dụng phổ biến trong nhân dân. Tổng sản lượng thuốc bình ổn chiếm khoảng 50% thị phần thuốc trên địa bàn TP.HCM và được phân phối rộng khắp trên tất cả các bệnh viện trung ương trên địa bàn TP.HCM và các bệnh viện của TP.
Cùng với chương trình BOTT, gần 100 doanh nghiệp tham gia ký cam kết BOTT với hàng nghìn điểm bán lẻ, gồm chuỗi các trung tâm thương mại, siêu thị, cửa hàng tiện lợi,...
Đại diện Sài Gòn Co.op chia sẻ, đơn vị đã tham gia ký cam kết BOTT với TP từ những năm đầu tiên. Sau nhiều năm triển khai thực hiện, không thể phủ nhận hiệu quả tích cực mà chương trình mang lại.
Việc thực hiện BOTT nhằm đảm bảo cân đối cung - cầu hàng hóa, ổn định thị trường và góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, thực hiện tốt công tác an sinh xã hội; đồng thời, gắn với thực hiện Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”.