Dân Việt

PV Oil: 38.589 tỷ doanh thu chỉ tạo 267 tỷ lợi nhuận, nặng gánh 943 tỷ nợ xấu

Hoàng Nhật 02/08/2019 15:24 GMT+7
Tính tới 30/6/2019, PV Oil ghi nhận khoản nợ xấu là 943 tỷ đồng với hàng chục đơn vị trong đó, giá trị thu hồi ước tính chỉ 76,5 tỷ đồng, tới từ 5 đơn vị.

img

Tỷ suất lợi nhuận sau thuế trên doanh thu của PV Oil 6 tháng đầu năm chỉ gần 0,07%. (Ảnh minh hoạ)

Thu về 100 đồng, PV Oil chỉ lãi 0,1 đồng

Báo cáo tài chính quý II/2019 của Tổng Công ty dầu Việt Nam – CTCP (PV Oil) cho biết, trong quý, PV Oil đạt doanh thu 21.643 tỷ đồng, song do giá vốn hàng bán trong kỳ tương ứng với hơn 90% doanh thu của doanh nghiệp, cộng thêm khoản chi phí bán hàng và chi phí quản lý doanh nghiệp đã khiến lợi nhuận trước thuế của PV Oil chỉ đạt 268 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế của doanh nghiệp đạt 228 tỷ đồng.

Lũy kế 6 tháng PV Oil đạt doanh thu 38.589 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế đạt 306 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế đạt gần 267 tỷ đồng.

Như vậy, với kế hoạch cả năm 2019 với doanh thu 49.000 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế đạt 440 tỷ đồng, PV Oil đã thực hiện 78,7% kế hoạch doanh thu và 69,5% kế hoạch lợi nhuận. Kế hoạch kinh doanh trên được xây dựng dựa trên giả định giá dầu Brent 2019 là 60 USD/thùng (giảm 16,7% so với giá trung bình năm 2018) và sản lượng xăng dầu tiêu thụ tăng 3% so với năm 2018.

Một điểm đáng lưu ý là từ năm 2018, PV Oil đã thực hiện sản xuất xăng E5RON 92 thay thế xăng khoáng RON 92, sản lượng bán hàng qua cửa hàng xăng dầu trong năm 2018 đã tăng trưởng 8% so với năm 2017, chiếm tỷ trọng 25,3%/tổng sản lượng tiêu thụ nội địa.

Bước sang năm 2019, sau 6 tháng đầu năm, tổng sản lượng kinh doanh xăng dầu toàn hệ thống PVOIL ước đạt 1.594 nghìn m3, hoàn thành 49,8% kế hoạch năm. Sản lượng kinh doanh xăng E5 RON 92 ước đạt 290 nghìn m3, hoàn thành 48,4% kế hoạch năm.

Tuy nhiên, tỷ suất lợi nhuận sau thuế trên doanh thu của PV Oil vẫn rất thấp, trong quý I/2019 là 0,02%, quý II/2018 tăng lên 0,1%. Luỹ kế 6 tháng đầu năm con số này là gần 0,07%.

Tuy nhiên, so với giai đoạn trước khi trở thành công ty cổ phần, PV Oil đã hoạt động hiệu quả hơn. Cụ thể, lợi nhuận sau thuế giai đoạn 1/8/2018 đến 31/12/2018 chỉ 21 tỷ đồng so với lợi nhuận sau thuế giai đoạn 1/1/2018 đến 31/7/2018 là 382 tỷ đồng.

Một điểm đáng lưu ý trên báo cáo lưu chuyển tiền tệ của PV Oil là dòng tiền kinh doanh và đầu tư vẫn ghi âm lần lượt 979 tỷ đồng và 547 tỷ đồng.

Hơn 90% nợ xấu không thể thu hồi

Về cơ cấu tài sản và nguồn vốn, tổng tài sản và nguồn vốn của PV Oil tại ngày 30/6/2019 là 24.664 tỷ đồng. Trong đó, tổng các khoản phải thu ngắn hạn giảm 416 tỷ đồng (4,7%) xuống còn 8.408 tỷ đồng và chiếm 45,7% tài sản ngắn hạn. Trong đó, các khoản phải thu ngắn hạn khác giảm 1.591 tỷ đồng, còn khoản phải thu ngắn hạn của khách hàng lại tăng 1.126 tỉ đồng (25,6%) lên 5.530 tỷ đồng.

Còn khoản phải thu dài hạn của PV Oil chỉ khoảng hơn 60 tỷ đồng, trong đó, đã trích lập dự phòng phải thu khó đòi 23 tỷ đồng.

“Con nợ” lớn nhất của PV Oil là Shell International Eastern Trading Company với số tiền phải trả PVOil là 923 tỷ đồng, tiếp theo là Hyphen Energy với 447 tỷ đồng, Unipec Asia Company Limited với 375 tỷ đồng, Totsa Total Oil Trading với 275 tỷ đồng, Tổng công ty điện lực Dầu khí Việt Nam (PVPower) với 270 tỷ đồng.

Về nợ xấu, tính tới 30/6/2019, PV Oil ghi nhận khoản nợ xấu là 943 tỷ đồng với hàng chục đơn vị trong đó, giá trị thu hồi ước tính chỉ 76,5 tỷ đồng, tới từ 5 đơn vị.

Trong đó, công ty có khoản tiền gửi kì hạn trị giá hơn 261 tỷ đồng tại OceanBank bị hạn chế chi trả theo chỉ thị của ngân hàng này về việc tạm dừng cung cấp dịch vụ thanh toán cho các tổ chức kinh tế thuộc Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) để tiến hành rà soát, thẩm định hồ sơ thanh toán của khách hàng.

Giá trị hàng tồn kho tăng từ 1.607 tỷ đồng hồi đầu năm lên 2.337 tỷ đồng vào ngày 30/6, tương ứng tỉ lệ tăng 45%, trong đó chủ yếu là tăng khoản mục hàng mua đang đi đường và các hàng hóa.