Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo trong cuộc họp với bộ trưởng Ngoại giao các nước mà sông Mekong chảy qua như Việt Nam, Thái Lan, Campuchia và Lào hôm 1/8
Theo AP, Ngoại trưởng Mỹ đưa ra phát biểu hôm 1/8 tại Bangkok, Thái Lan, trong cuộc gặp với bộ trưởng Ngoại giao các nước mà sông Mekong chảy qua như Việt Nam, Thái Lan, Campuchia và Lào. Ngoại trưởng 10 nước thành viên của Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) đang có cuộc họp thường niên tại thủ đô của Thái Lan.
"Chúng tôi nhận thấy một loạt con đập được Trung Quốc xây dựng ở thượng nguồn sông Mekong để kiểm soát dòng chảy. Mực nước sông Mekong hiện ở mức thấp nhất trong một thập kỷ qua - liên quan tới việc Bắc Kinh chặn nguồn nước ở thượng nguồn. Không dừng ở đó, Trung Quốc còn lên kế hoạch để nổ mìn và nạo vét lòng sông. Thậm chí, Trung Quốc còn tổ chức tuần tra trên đoạn sông ngoài lãnh thổ nước này", ông Pompeo phát biểu.
Ngoại trưởng Mỹ cũng cảnh báo việc Bắc Kinh đang "đẩy nhanh việc xây dựng các quy tắc mới để quản lý sông Mekong, làm lu mờ vai trò của Ủy ban sông Mekong.
AP cho biết Trung Quốc đã xây 10 con đập dọc theo thượng nguồn sông Mekong. Bắc Kinh còn cố nạo vét và dọn đường để các tàu hàng lớn có thể điều hướng khi lưu thông trên sông.
Đập Miaowei trên thượng nguồn sông Mekong đang trong quá trình xây dựng năm 2012
Những người chỉ trích từ lâu đã cảnh báo những hành động này của Trung Quốc có thể gây ảnh hưởng tới môi trường và kinh tế của các quốc gia ở khu vực hạ lưu.
Theo Reuters, trên thực tế, mực nước sông Mekong ở Thái Lan đã rơi xuống mức thấp chưa từng có và cá ở đây nếu có cũng rất bé.
Các nhà khoa học và người dân sống dọc sông Mekong đang lo ngại đợt hạn hán nghiêm trọng nhất trong nhiều năm qua càng trở nên trầm trọng do các con đập ở đầu nguồn của Trung Quốc.
Một vấn đề khác là số lượng các dự án thủy điện ngày càng tăng đang làm thay đổi dòng chảy và tăng lo ngại về thiệt hại sinh thái.
"Người dân địa phương Thái Lan và các nước ở hạ lưu sông Mekong hiểu rõ tác động của các con đập mà Trung Quốc xây dựng ở đầu nguồn. Chúng dấy lên lo ngại về những ảnh hưởng tiêu cực trong thời gian dài. Mực nước sông Mekong thấp kỷ lục ở Thái Lan là hậu quả thảm khốc của việc phá hủy hệ thống sông", Pianporn Deetes, phát ngôn viên của tổ chức các con sông thế giới ở Thái Lan, cho biết.
Sông Mekong là con sông quan trọng ở khu vực Đông Nam Á, nơi hơn 60 triệu người sinh sống nhờ nguồn thực phẩm, nước uống và giao thông từ sông Mekong.
Con sông dài hơn 3.000 km, xếp thứ 12 trong số các sông dài nhất thế giới, chạy từ vùng cao nguyên Tây Tạng xuống lục địa Đông Nam Á trước khi đổ ra khu vực Biển Đông thuộc Việt Nam.
Đập Tam Hiệp, công trình thủy điện lớn nhất và gây tranh cãi nhất, được cho là có dấu hiệu biến dạng, trong khi quan...