Hoàng Anh Gia Lai (HAGL) của bầu Đức vẫn “loay hoay” từ bất động sản, trồng cao su, nuôi bò, đến vườn cây ăn trái. (Ảnh minh hoạ)
Bầu Đức “loay hoay” thay đổi “mũi nhọn”.
Báo cáo tài chính hợp nhất quý II/2019 của Công ty CP Hoàng Anh Gia Lai đã phác hoạ phần nào hoạt động của doanh nghiệp này dưới sự điều hành của ông Đoàn Nguyên Đức (bầu Đức – PV) và các cộng sự.
Theo đó, quý II/2019, HAGL đạt hơn 513 tỷ đồng, giảm gần 73% so với cùng kỳ năm 2018. Tỷ lệ giá vốn trong cơ cấu doanh thu cũng tăng đáng kể, khiến lợi nhuận gộp của HAGL giảm gần 84%, chỉ ghi nhận ở mức hơn 155 tỷ đồng.
Chi phí tài chính trong kỳ ở mức gần 393 tỷ đồng, giảm gần 26% so với quý II/2018 do chi phí lãi vay giảm 17% và doanh nghiệp của bầu Đức không ghi nhận khoản lỗ lớn do chênh lệch tỷ giá hối đoái như cùng kỳ năm trước.
Chi phí bán hàng ghi nhận ở mức gần 103 tỷ đồng, trong khi chi phí quản lý doanh nghiệp giảm 44%, xuống186 tỷ đồng.
Kết quả, HAGL của bầu Đức báo lỗ ròng 712,9 tỷ đồng, một sự thay đổi rất lớn khi so sánh với khoản lãi 43 tỷ đồng vào cùng kỳ năm 2018.
Luỹ kế 6 đầu năm 2019, HAGL ghi nhận doanh thu 923 tỷ đồng, giảm hơn 68% so với cùng kỳ. Còn lãi gộp của doanh nghiệp đạt 240 tỷ đồng, giảm 83% so với cùng kỳ. Qua đó, HAGL của bầu Đức mới chỉ thực hiện 18% và 11% kế hoạch đặt ra cho năm 2019. HAGL cũng lỗ ròng gần 691 tỷ đồng sau nửa đầu năm.
Mía đường từng là trụ cột của doanh nghiệp bầu Đức, nay đã nhường vai trò cho cây ăn trái. (Ảnh minh hoạ)
Quan sát báo cáo giải trình và sự thay đổi về cơ cấu sản phẩm kinh doanh của HAGL, có thể nhận ra các mảng hoạt động chính của doanh nghiệp như trái cây, ớt đều ghi nhận doanh thu giảm mạnh, trong khi công ty cũng rút hoàn toàn khỏi bất động sản và nuôi bò. Mủ cao su là mảng kinh doanh duy nhất có sự tăng trưởng so với cùng kỳ nhưng hoạt động dưới giá vốn.
Một yếu tố khác khiến các nhà đầu tư và cổ đông băn khoăn khi nhắc tới câu chuyện kinh doanh của bầu Đức, đó là sự thay đổi mảng kinh doanh chính diễn ra khá thường xuyên, sau một khoảng thời gian không dài. Hoàng Anh Gia Lai (HAGL) của bầu Đức thực tế vẫn “loay hoay” từ bất động sản, trồng cao su, nuôi bò, đến vườn cây ăn trái.
Cụ thể, sau giai đoạn 2015-2016 phải dựa vào đàn bò với vai trò "phao cứu sinh", năm 2017, HAGL lại chuyển sang tập trung trồng cây ăn trái, tỷ trọng mảng bán bò giảm mạnh chỉ còn chiếm 15,7%, biên lợi nhuận gộp giảm còn 4,7%.
Năm 2018, HAGL tiếp tục đẩy mạnh phát triển trồng cây ăn trái, đặt kế hoạch thu về 3.982 tỷ đồng chiếm 64% doanh thu, lợi nhuận gộp đạt 1.852 tỷ đồng tương đương với biên lợi nhuận đạt 46,5%. Khởi đầu với chanh dây, ớt nhưng rồi doanh nghiệp lại tập trung nguồn lực vào chuối, cùng 3 loại cây dài hạn khác là thanh long, mít và bưởi da xanh.
Khi nào HAGL “dứt nợ” với BIDV?
Tổng lượng nợ vay cả ngắn hạn lẫn dài hạn của HAGL đã giảm khoảng 19% so với đầu năm 2019, tương ứng số tiền 4.130 tỷ đồng, còn hơn 17.620 tỷ đồng. Trong đó, phần lớn lượng nợ vay giảm là các trái phiếu thường trong nước (dài hạn), trường hợp này do trong kì HAGL của bầu Đưc mua lại trước hạn toàn bộ trái phiếu từ VPBank.
Tính tới thời điểm 30/6/2019, lượng nợ vay dài hạn là trái phiếu thường trong nước ghi nhận giá trị gần 7.227 tỷ đồng, giảm hơn 28% so với đầu năm 2019. Còn hiện tại, sau khi mua lại toàn bộ trái phiếu từ VPBank, HAGL còn nợ 5 trái chủ. Trong đó, BIDV vẫn là trái chủ lớn nhất của HAGL với giá trị trái phiếu 5.876 tỷ đồng. Đây là số trái phiếu được phát hành vào để bổ sung vốn cho các dự án đầu tư và tái cấu trúc nợ vay.
Chủ nợ lớn thứ hai là HDBank với giá trị trái phiếu 930 tỷ đồng. Trái phiếu này được HAGL của bầu Đức phát hành ngày 29/3/2016 và đáo hạn ngày 31/3/2023, mục đích để bổ sung vốn cho các dự án và tái cấu trúc nợ vay.
Bên cạnh đó, Công ty CP Việt Golden Farm đang sở hữu 300 tỷ đồng trái phiếu được HAGL phát hành ngày 25/4/2012 để bổ sung vốn cho dự án và tái cấu trúc nợ vay, thời gian đáo hạn ngày 18/6/2023.
Ngoài ra, HAGL của bầu Đức còn phát hành 180 tỷ đồng trái phiếu cho VietCapitalBank. Số trái phiếu này được phát hành ngày 30/3/2016 với thời hạn 4 năm, mục đích bổ sung vốn cho dự án trồng mới và chăm sóc 10.000 ha cao su tại Campuchia, dự án Thủy điện Nậm Kông 2 tại Lào và tái cấu trúc nợ vay.
Một điểm đáng lưu ý trên BCTC của Hoàng Anh Gia Lai khoản mục gần 4.340 tỷ đồng tiền khách hàng ứng trước mua cổ phần công ty con, mà nhiều khả năng có liên quan đến các bên là Công ty CP Ô tô Trường Hải (THACO) và Công ty con Công ty CP Nông nghiệp Quốc tế Hoàng Anh Gia Lai (HAGL Agrico).