Nắng gió Quảng Trị và điều kỳ diệu
Theo phân tích của PGS Trần Đăng Xuân, bên cạnh việc đạt 545 chỉ tiêu chất lượng, gạo hữu cơ Quảng Trị còn có 2 hợp chất có tác dụng chống tiểu đường, béo phì, gút, đó là Momilactone A và Momilactone B.
Tại buổi công bố hợp chất Momilactone A và Momilactone B (MA và MB) có trong gạo hữu cơ Quảng Trị canh tác theo quy trình Ong Biển ở Hà Nội, PGS Trần Đăng Xuân khẳng định: Điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng của Quảng Trị cộng với quy trình canh tác hữu cơ của Ong Biến có thể là tác nhân khiến hàm lượng hợp chất MA và MB trong gạo hữu cơ Quảng Trị cao hơn nhiều loại gạo khác.
Ông Trần Ngọc Nam chia sẻ về quá trình thực hiện mô hình liên kết sản xuất gạo hữu cơ Quảng Trị.
"Hiện nay mọi người thường hạn chế ăn cơm, bởi cơm có chứa nhiều tinh bột - nguyên nhân gây ra béo phì, tiểu đường. Tuy nhiên, với hàm lượng MA và MB cao như hiện nay thì ăn gạo hữu cơ Quảng Trị sẽ có tác dụng phòng ngừa, hỗ trợ điều trị các loại bệnh này" - ông Xuân nói.
Ông Trần Ngọc Nam, Tổng Giám đốc Công ty TNHH sản xuất và thương mại Đại Nam, cho biết, để có được sản phẩm gạo hữu cơ Quảng Trị chất lượng khác biệt như hiện nay là nhờ Công ty Đại Nam đang sở hữu sản phẩm men độc quyền cùng quy trình canh tác hữu cơ hiện đại, ưu việt giúp cây quang hợp tốt nhất, hấp thụ dinh dưỡng tối đa trong thời gian ngắn, đồng thời cân bằng và cải tạo đất trồng theo hướng bền vững.
"Theo đó, thiết bị cấy của chúng tôi giúp cây lúa tạo thành hàng bố trí so le nhau để hấp thụ ánh sáng tốt nhất, chủng men độc quyền có trong phân bón giúp cây lúa cứng, khỏe, chống chịu sâu bệnh tốt và cho năng suất cao" - ông Nam nói.
Sản xuất lúa hữu cơ, lợi nhuận của nông dân Quảng Trị tăng đáng kể.
Theo mô hình này, trong quá trình trồng và chăm sóc, nông dân ở Quảng Trị chỉ sử dụng phân bón hữu cơ vi sinh Ong Biển được sản xuất tại nhà máy ở Bà Rịa - Vũng Tàu và tưới nước, tuyệt đối không sử dụng bất cứ loại thuốc bảo vệ thực vật hay phân hóa học nào.
Hướng đến sản xuất bền vững
Cho đến thời điểm này, tỉnh Quảng Trị đã có 4 năm áp dụng mô hình canh tác lúa hữu cơ có sự liên kết của doanh nghiệp. Ông Trần Ngọc Nam cho biết, khi mới triển khai mô hình vào năm 2016, doanh nghiệp gặp rất nhiều khó khăn do nhiều người dân còn hoài nghi.
"Chúng tôi cam kết với nông dân dù năng suất cao hay thấp, mất mùa hay được giá thì cũng trả đủ cho nông dân sản lượng 5 tấn/ha, đồng thời cam kết thu mua toàn bộ sản phẩm theo giá thị trường. Xuống giống được một thời gian, lúa bị rầy, bà con hoảng kiến nghị cả lên tỉnh đòi phun thuốc trừ sâu, cán bộ kỹ thuật của công ty kiên quyết vận động bà con nói không với hóa chất, sau đó, lãnh đạo Sở NNPTNT tỉnh Quảng Trị phải xuống cam kết với bà con lần nữa, họ mới yên tâm. Năm đó, lúa được mùa, từ vụ thứ hai, bà con không ai bảo ai đều tham gia liên kết với doanh nghiệp" - ông Nam cho biết.
Tỉnh Quảng Trị chủ trương đẩy mạnh sản xuất lúa hữu cơ trong thời gian tới.
"Điều đáng mừng là, canh tác hữu cơ, sức khỏe nông dân được đảm bảo, ruộng đồng sạch sẽ, ong kéo nhau về vào mùa lúa trổ bông, dưới ruộng đã xuất hiện cá, tôm" - ông Nam nói.
Mô hình chuỗi liên kết này đến nay đã cho thấy hiệu quả rõ rệt. Năng suất lúa ổn định, nông dân trồng lúa hữu cơ không còn lo đầu ra cho sản phẩm, thu nhập ổn định ở mức 30-40 triệu đồng/ha sau khi đã trừ chi phí phân, giống. Hiện, trên địa bàn tỉnh Quảng Trị đã có 200ha tham gia mô hình liên kết này, và dự kiến sẽ mở rộng trong thời gian tới.
Tỉnh Quảng Trị cũng đang liên kết với Công ty TNHH Đại Nam xây dựng thương hiệu gạo hữu cơ Quảng Trị.
Theo ông Hà Sỹ Đồng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị, từ mô hình liên kết sản xuất lúa hữu cơ, nhận thức của người dân về sản xuất an toàn cũng dần thay đổi. Hiện, ở Quảng Trị đã hình thành các chuỗi liên kết sản xuất gạo hữu cơ Quảng Trị, chuỗi cà phê Arabica Khe Sanh, hồ tiêu Quảng Trị và rất nhiều cây ăn quả đặc sản.
Năm 2019, diện tích sản xuất theo phương thức nông nghiệp hữu cơ của tỉnh Quảng Trị đạt khoảng 1.000ha và trong tương lai không xa, toàn bộ diện tích đất nông nghiệp của tỉnh sẽ làm theo hướng nông nghiệp hữu cơ và nông nghiệp sạch.