Theo người dân địa phương, mưa lớn kèm theo gió to bắt đầu từ đầu giờ chiều 3/8. Theo đó, sóng lớn đánh trực tiếp vào chân đê, gây sạt lở nghiêm trọng. Đặc biệt, từ khoảng 15h ngày 3/8, mực nước dâng cao, tràn qua mặt đê phòng hộ vào vùng ngọt, nơi bà con đang canh tác lúa.
Ông Lê Phong - Chủ tịch UBND huyện Trần Văn Thời cho biết: Sóng lớn vẫn còn đánh mạnh vào đê. Hiện một phần thân đê đã bị sạt lở nghiêm trọng, với chiều dài khoảng 300m, nguy cơ vỡ đê là rất cao. Nước mặn tràn qua mặt đê, vào vùng ngọt nhưng đánh giá bước đầu là chưa thể gây thiệt hại cho sản xuất bên trong.
Sóng lớn kỷ lục làm sạt lở thân đê phòng hộ ven biển Tây, có nguy cơ vỡ đê. (Ảnh minh họa)
Trong khi đó, theo ông Tô Quốc Nam - Phó Giám đốc Sở NNPTNT Cà Mau, thủy triều dâng cao đột biến. Từ trước tới nay, tại địa phương chưa từng ghi nhận thủy triều dâng cao, kèm theo sóng lớn như vậy.
“Lực lượng cứu hộ, cứu nạn vẫn đang tiếp tục được huy động đến hiện trường. Giải pháp trước mắt là đưa đất vào bao, gia cố mặt đê để ngăn nước mặn tràn vào vùng ngọt, ảnh hưởng lúa của người dân bên trong. Hiện các lực lượng đang vô đất, đá vào bao, từ đây đến sáng khi nước rút nhiều hơn sẽ tấn các bao này xuống khu vực bị sạt lở” - ông Nam thông tin.
Được biết, tuyến đê phòng hộ ven biển Tây của tỉnh Cà Mau có vai trò ngăn mặn, bảo vệ sản xuất hệ sinh thái ngọt cho trực tiếp 2 huyện U Minh và Trần Văn Thời.
Theo Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai, gió mùa TâyNam kết hợp triều cường làm nước biển tràn qua toàn tuyến đê biểnTây, hơn 300m thân đê đã bị sóng đánh trôi.
Nhận định của Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn, động đất của Indonesia vẫn còn dư chấn khiến nước biển dâng cao. Hiện, các ngành chức năng tỉnh Cà Mau đang dốc sức xử lý để đảm bảo an toàn cho người dân và tài sản.
Tuyến đê phòng hộ biển Tây có vai trò ngăn mặn và bảo vệ hệ sinh thái ngọt trực tiếp cho 2 huyện U Minh và Trần Văn Thời. Vậy nên, nếu đê vỡ thì cuộc sống của hàng chục ngàn hộ dân sẽ bị ảnh hưởng và hàng chục ngàn héc-ta lúa đang trong giai đoạn làm đòng sẽ bị thiệt hại nặng.
Mấy ngày qua, triều cường dâng cao bất thường cũng đã làm ngập rất nhiều nhà dân. UBND huyện Trần Văn Thời cho biết, trên địa bàn huyện có 11 căn nhà bị sập, tốc mái 125 căn, thiệt hại tài sản hiện vẫn đang thống kê.
Tương tự, tại huyện U Minh (Cà Mau) cũng có 22 căn nhà bị sập hoàn toàn, tốc mái 53 căn nhà, ước thiệt hại khoảng 749 triệu đồng.