Nhà nổi và 17 lồng cá trên đập nước Hồ Ly của ông Nguyễn Văn Khoa. Ảnh Ngô Hùng
Với kinh nghiệm nuôi cá lồng do mình tích lũy, cộng với sự "ưu ái" của thiên nhiên, nguồn nước sạch Hồ Ly, mỗi năm, 17 lồng cá này đem về cho gia đình ông Khoa doanh thu từ 3 - 4 tỷ đồng.
Đứng từ trên đập, hướng mắt nhìn một vòng quanh Hồ Ly, PV Báo điện tử DANVIET.VN có thể cảm nhận được sự thanh bình, nhẹ nhàng thư thái bởi núi non bao quanh, với màu xanh của cây lá. Đặc biệt, ngay dưới chân đập, dưới lòng Hồ Ly có một chiếc nhà nổi nhỏ xinh, bao quanh là những bè cá. Trong những bè cá ấy là vô vàn những loài cá lăng, cá mè hoa, cá chép, cá rô phi... thi nhau bơi lượn. Con nào con ấy đều to "ngoại cỡ" mà không phải lúc nào ta cũng được trông thấy.
Chủ nhân của nhà nổi với 17 chiếc lồng cá với đủ loại cá "khủng" ấy chính là ông Nguyễn Văn Khoa, trú tại xã Cát Trù, huyện Cẩm Khê, tỉnh Phú Thọ.
Ấn tượng ban đầu của chúng tôi về ông, đó là người có ánh mắt sắc, cương nghị, cùng giọng nói sang sảng với âm lượng cao, khỏe khoắn như dân miệt biển.
"Nhờ "vía cao", tôi mới trụ được ở đây, chứ thật ra, nói về tâm linh thì Hồ Ly có nhiều chuyện ly kỳ lắm. Nói đùa vậy thôi, đến với nghề nuôi cá lồng này, với tôi đó là một cái duyên", ông Khoa cười hiền, xua đi cái cảm giác rờn rợn khó gần khi lúc đầu chúng tôi mới tiếp xúc.
Ông Khoa kể, 20 năm làm nghề mổ lợn, bò và 10 năm làm nghề máy xúc cho thu nhập cao, nhưng ông Nguyễn Văn Khoa bỗng quyết định chuyển sang nuôi cá lồng dù chưa hề có chút kiến thức, kinh nghiệm gì. Ảnh Ngô Hùng
Theo ông Khoa, ông sinh ra trong gia đình thuộc diện khá giả quanh vùng Cát Trù, lớn lên, ông làm nghề mổ lợn, mổ bò. Thu nhập từ nghề này rất khá, đến tuổi, ông lấy vợ, dựng nhà, mua xe, cứ nhẹ như không. Tuy nhiên, sau một thời gian lấy vợ, thấy nghề này vất vả, lại sợ "mang nghiệp sát sinh" nên ông đành bỏ nghề, mua máy xúc đi làm ăn xa.
Chia sẻ với PV Báo điện tử DANVIET.VN, ông Khoa tâm sự: "Sau thời gian tính toán, tôi quyết định bỏ nghề mổ lợn, bò rồi đầu tư mua máy xúc, lên quê vợ ở Yên Lập làm. Do nhiều việc, ngoài chiếc máy xúc tôi lái, tôi còn mua thêm 2 chiếc nữa, thuê người làm nên thu nhập rất cao. Làm máy xúc được 10 năm, việc đang thuận lợi, thu nhập cao. Nhưng không hiểu sao, khi đến với Hồ Ly, tôi cảm thấy có một cái duyên kỳ lạ, như thôi thúc tôi phải gắn bó dài lâu với nơi này. Chính vì cái cảm giác đó, tôi đã quyết định bán 3 chiếc máy xúc, cùng với ít tiền tích cóp, tôi đầu tư làm nhà nổi và 17 chiếc lồng để thả cá".
Cũng theo ông Khoa, việc quyết định bán máy xúc, làm lồng thả cá của ông có nhiều người ngăn cản, bởi ông chưa từng nuôi cá và chưa hề có chút kinh nghiệm nuôi cá, nhất là nuôi cá lồng. Tuy nhiên, biết tính khí của ông, đã quyết là làm, nên mọi người cũng không nói thêm câu gì nữa.
Chuyển sang nuôi cá, nhiều người góp ý, nhưng với tính khí của mình, đã quyết là phải làm, đã làm thì phải khác biệt và làm đến cùng, sau 5 năm, ông Khoa đã chứng minh được quyết định của mình là đúng đắn khi doanh thu nuôi cá lồng mỗi năm đạt từ 3-4 tỷ đồng. Ảnh Ngô Hùng
"Tôi đã quyết làm cái gì là phải làm bằng được, mà đã làm là quyết phải "làm khác người" và thành công. Chính vì thế, trong quá trình làm lồng, tôi đi tìm hiểu nhiều nơi, nhờ cả "chuyên gia" tư vấn, nghiên cứu tài liệu, sách báo về nuôi cá lồng. Tuy nhiên, ngay lứa đầu tôi vẫn "dính chưởng", lỗ nặng", ông Khoa kể lại.
Theo ông Khoa, lứa đầu thả cá lỗ là do, trong quá trình nuôi ông đã vận dụng sai cách. Chẳng là, do được "chuyên gia" tư vấn, cùng với đi nhiều nơi học hỏi, ông không ngờ rằng nuôi cá lồng trên sông, khác hoàn toàn với nuôi cá lồng trong lòng hồ.
Do cá to, chất lượng cao, thịt thơm nên cá nhà ông thường được đặt hàng trước, bán buôn cho các thương lái và nhà hàng lớn. Chỉ những người bạn thân thiết, người dân gần Hồ Ly hay khách quý, ông Khoa mới câu cho 1 - 2 con để biếu hoặc thịt đãi khách. Ảnh Ngô Hùng
"Lứa cá đầu tiên bị chết nhiều, lỗ nặng, tôi đã dày công nghiên cứu và nhận ra rằng, cũng với lồng 6m X 6m, sâu 3,5m, nhưng với cá sông, họ có thể thả được 4.000 con vì nước thường xuyên chảy, ôxy nhiều. Còn với đặc điểm lòng hồ, nước tĩnh hơn nên lượng ôxy ít, trong khi đó mật độ cá dày, nên thường những con cá to đều bị chết. Chính vì thế, tôi đã quyết định chỉ thả mật độ thưa, chỉ 1.700 con cá/lồng. Nhờ đó, cá phát triển tốt, đem lại lợi nhuận cao", ông Khoa tiết lộ với PV Báo điện tử DANVIET.VN.
Ngoài việc thả cá với mật độ thưa hơn so với nuôi cá lồng ở sông, ông Khoa còn đúc rút được kinh nghiệm quý báu khi thả xen kẽ nhiều loại cá trong một lồng.
Ông Khoa chia sẻ với PV Báo điện tử DANVIET.VN: "1 lồng tôi thả 1.700 con cá thì thường sẽ là khoảng 1.300 con cá lăng, 150 - 200 con cá rô phi, 150 - 200 con cá chép và khoảng 100 con cá mè hoa. Không hiểu chúng tạo lên hệ sinh thái thế nào, nhưng thức ăn hết ít hơn, trong khi đó cá sinh trưởng nhanh gấp rưỡi, gấp đôi khi thả riêng lẻ. Đặc biệt, cá tại đây sinh trưởng một cách đột biến khi cá rô phi 5 - 6kg thì đếm không xuể, bởi có con to nhất được ghi nhận ở đây nặng đến 9,4kg, cá lăng, cá mè, cá chép cũng to hơn hẳn những nơi khác nuôi...".
Con cá lăng nặng 5,1kg được ông câu lên từ lồng, nhưng với ông Khoa, đây chỉ là con loại "cháu chắt" vì trong lồng có nhiều con cá "khủng" hơn nhiều. Ảnh Ngô Hùng
Đặc biệt, theo tiết lộ của ông Khoa với PV Báo điện tử DANVIET.VN, ngay cạnh nơi ông nuôi cá, bao quanh là 46ha quế của người dân. Trong quá trình mưa, vận chuyển lá quế, cành quế rơi xuống hồ. Chính tinh dầu quế thải ra đã giúp việc khử trùng nước tốt, tạo môi trường nước sạch hơn. Có lẽ chính vì thế, thịt cá ở đây thơm hơn hẳn những loại cá quanh vùng, ngay cả khi cá sống.
Ông Khoa muốn chứng minh điều mình nói bằng việc bắt thử vài con cá trong lồng đưa cho PV Báo điện tử DANVIET.VN xem và ngửi thử. Quả thật, khi đưa mấy con cá lăng, cá chép, cá mè, cá rô phi lên ngửi, chúng tôi thấy cá ít mùi tanh hơn nhiều so với những loài cá thường thấy.
Với việc nuôi cá ,lồng mật độ thưa, cùng với việc nuôi xen kẽ giúp cá tăng trưởng tốt, tốn ít thức ăn hơn, mỗi năm, 17 lồng cá của ông cho ra thị trường trên 40 tấn cá. Với giá thị trường như hiện nay, ông Khoa thu về từ 3 - 4 tỷ đồng, trừ mọi chi phí, mỗi năm ông cũng bỏ túi được 500 - 700 triệu đồng.