Theo Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường, mưa lũ do ảnh hưởng của hoàn lưu cơn bão số 3 đang để lại hậu quả nặng nề ở nhiều địa phương, trong đó Thanh Hóa, Sơn La,... là những nơi bị thiệt hại nhiều nhất.
"Thanh Hóa là địa phương chịu thiệt hại nặng nề nhất trong đợt mưa lũ này. Huyện Quan Sơn có tới 17 bản bị cô lập; toàn bộ tuyến đường lên Mường Lát có tới 9 điểm bị sạt lở, chia cắt cần sớm khắc phục để đảm bảo công tác cứu hộ. Ngay lúc này, tỉnh Thanh Hóa cần tập trung tìm kiếm người mất tích, nỗ lực tiếp cận, hỗ trợ người dân 17 bản còn bị cô lập, không để người dân nào bị thiếu nước uống, lương thực" - Bộ trưởng Cường nói.
Ông Nguyễn Đình Xứng, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa tặng quà hỗ trợ cho gia đình anh Lò Văn Tới tại bản Bo, xã Na Mèo, huyện Quan Sơn.
Tại cuộc họp, lãnh đạo Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai, Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa chỉ đạo huyện Quan Sơn tiếp tục triển khai các phương án di dân phòng chống lũ ống, lũ quét.
Các lực lượng vũ trang phối hợp cùng huyện Quan Sơn xuống các xã nắm tình hình, chỉ đạo công tác di dân trong vùng có nguy cơ bị lũ ống, lũ quét. Nắm thông tin cụ thể từng người đang còn mất tích để có thông tin chính xác.
Các lực lượng quân đội, biên phòng và huyện Quan Hóa tổ chức lực lượng tìm kiếm hai bên bờ sông Luồng qua địa bàn.
Công an tỉnh bố trí tối đa phương tiện hỗ trợ lực lượng cán bộ, kỹ sư, công nhân đơn vị viễn thông qua sông khắc phục thông tin liên lạc.
Huyện Quan Sơn tổng hợp nhu cầu lương thực, thực phẩm bảo đảm cho các lực lượng tiếp cận các bản bị cô lập. Trước mắt chuyển lương thực cho các hộ bản Sa Ná, xã Na Mèo bị lũ cuốn trôi. Sở Giao thông vận tải bố trí phương tiện khắc phục các điểm sạt lở trên tuyến Quốc lộ 217 để bảo đảm giao thông thông suốt.
Nhiều ngôi nhà ở huyện Quan Sơn bị lũ cuốn trôi. Ảnh: I.T
Liên quan đến công tác ứng phó mưa lũ sau bão số 3, Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai đề nghị các Bộ ngành, địa phương tiếp tục triển khai nghiêm túc nội dung Công điện số 937/CĐ-TTg ngày 3/8/2019 của Thủ tướng Chính phủ.
Theo đó, tỉnh Thanh Hóa, tiếp tục huy động lực lượng, phương tiện tại chỗ, tập trung nỗ lực cao nhất tìm kiếm những người còn mất tích; cung cấp lương thực, nước uống đến các khu vực bị cô lập, chia cắt.
Các địa phương, tăng cường lực lượng trực ban phòng chống bão, lũ; chủ động, sẵn sàng tổ chức các đoàn công tác xuống địa bàn để chỉ đạo ứng phó với mưa, lũ.
Kiểm tra, sẵn sàng phương án đảm bảo an toàn đê điều, hồ đập; nhất là các công trình đang thi công; triển khai phương án chống ngập úng tại đô thị.
Rà soát khu vực có nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất. Sẵn sàng phương án ứng phó mưa lớn, lũ quét, sạt lở đất.
Tổ chức cắm biển cảnh báo; tuần tra, canh gác tại các ngầm tràn, các tuyến đường dễ xảy ra ngập, chia cắt; sẵn sàng lực lượng, phương tiện khắc phục sự cố các tuyến đường giao thông bị sạt lở.
Bộ Thông tin và Truyền thông chỉ đạo các nhà mạng khôi phục thông tin đến các khu vực đang bị chia cắt tại tỉnh Thanh Hóa.