Dân Việt

"Lá cờ đầu" trong xây dựng nông thôn mới ở Tây Nguyên

Văn Long 06/08/2019 17:45 GMT+7
UBND tỉnh Lâm Đồng đã tổ chức tổng kết 10 năm xây dựng NTM gia đoạn 2009 – 2019 và được đánh giá là lá cờ đầu trong phong trào xây dựng NTM tại khu vực Tây Nguyên.

Tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với xây dựng NTM

Vừa qua, UBND tỉnh Lâm Đồng đã tổ chức tổng kết 10 năm xây dựng NTM giai đoạn 2009 – 2019. Trong đó, tái cơ cấu ngành nông nghiệp của địa phương được đặc biệt quan tâm, hơn nữa đây cũng là thế mạnh của tỉnh nhằm nâng cao thu nhập cho người dân.

Ông Hoàng Sỹ Bích – Phó Giám đốc Sở NNPTNT tỉnh Lâm Đồng cho biết, “Đề án được xây dựng và thực hiện nhằm đẩy mạnh tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với xây dựng NTM, tiếp tục phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, tăng năng suất, sản lượng cây trồng, vật nuôi nhằm nâng cao thu nhập cho nông dân; mở rộng liên kết sản xuất, hình thành và phát triển theo chuỗi giá trị, tổ chức mạng lưới thu mua tiêu thụ nông sản hợp lý, giảm khâu trung gian, tăng thu nhập cho nông dân”.

Là địa phương có 1 huyện và 16 xã nghèo diện 30a với khoảng 14.500 hộ nghèo, chiếm 4,97% số hộ toàn tỉnh, số hộ nghèo đồng bào dân tộc thiểu số là 8.000 hộ, nhưng đến nay, qua 10 năm bắt đầu xây dựng NTM, địa phương đã có 90/116 xã đạt chuẩn NTM, các xã còn lại có 11 xã đạt từ 15 – 18 tiêu chí. Ngoài ra, thu nhập bình quân đầu người đạt khoảng 39 triệu đồng/năm tăng gần 4 lần so với năm 2010.

img

    Xây dựng NTM ở Lâm Đồng luôn dẫn đầu khu vực Tây Nguyên trong giai đoạn vừa qua. (ảnh: Văn Long)

Đến nay, toàn tỉnh đã có 2 liên hiệp HTX với 13 thành viên là các hợp tác xã nông nghiệp. Ngoài ra tỉnh còn phát triển được 234 hợp tác xã nông nghiệp (tăng 183 hợp tác xã so với năm 2010) có 949 trang trại đang hoạt động và thu hút khoảng 1.500 doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn.

Đặc biệt, toàn tỉnh đã phát triển được 125 chuỗi liên kết từ sản xuất, sơ chế, chế biến đến tiêu thụ (có hợp đồng liên kết lâu dài) với sự tham gia liên kết của 75 doanh nghiệp. Những con số trên đã góp phần giúp các địa phương sớm đạt tiêu chí về thu nhập trong xây dựng NTM.

Người dân làm chủ thể

Ông Đoàn Văn Việt - Phó Bí thư tỉnh ủy, Chủ tịch UBND, Trưởng Ban chỉ đạo xây dựng NTM tỉnh Lâm Đồng nhận định, trong quá trình xây dựng NTM vai trò chủ thể của người dân ngày càng nâng cao.

Điều này được thể hiện qua thái độ chủ động, tích cực tham gia xây dựng NTM như: Đóng góp ý kiến cho các đề án, quy hoạch xây dựng NTM, đề xuất kế hoạch thực thi, lựa chọn đầu tư các công trình cơ sở hạ tầng thiết thực, chủ động đóng góp tiền của, đất đai, công sức, xây dựng các công trình cơ sở hạ tầng, đầu tư phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập, tích cực tham gia giữ gìn bảo vệ môi trường nông thôn, duy trì và giữ gìn nếp sống văn hóa, giữ gìn an ninh trật tự trên địa bàn. 

Trong giai đoạn sắp tới, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Lâm Đồng sẽ tiếp tục xác định xây dựng NTM là quá trình thường xuyên, liên tục, có điểm khởi động nhưng không có điểm kết thúc. Tiếp tục nâng cao chất lượng Chương trình xây dựng NTM phù hợp với xu thế phát triển của đất nước và hội nhập quốc tế.

“Chính vì việc xác định người dân là chủ thể xây dựng NTM nên địa phương đã tập trung đầu tư cho phát triển sản xuất, giúp nâng cao thu nhập cho người dân. Môi trường nông thôn đã có chuyển biến đáng kể, nhiều vùng nông thôn đã xây dựng và hình thành mô hình cảnh quan xanh sạch đẹp, từ đó nâng cao chất lượng cuộc sống của chính người dân”- ông Việt nhận định.

Ông Nguyễn Cao Lục - Phó Chủ nhiệm Văn phòng CHính phủ, Ủy viên thường trực Ban chỉ đạo chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM cũng chia sẻ: Mặc dù Lâm Đồng có xuất phát điểm xây dựng NTM khá thấp, nhưng trong những năm qua Đảng bộ, chính quyền, nhân dân toàn tỉnh đã vượt qua nhiều thách thức để đạt được nhiều thành tích đáng tự hào.

Trong thời gian tới, rất mong tỉnh Lâm Đồng tiếp tục phấn đấu để giữ vững ngọn cờ đầu của khu vực trong Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM.