Dân Việt

Hướng tới CPTPP, chế tài xử phạt đối với xâm phạm sở hữu trí tuệ ngày càng cao

P.V 05/08/2019 11:47 GMT+7
Nếu doanh nghiệp và nhà khoa học không hiểu rõ CPTPP thì sẽ gặp bất lợi. Thậm chí, nếu không cập nhật thông tin, vô tình xâm phạm thì sẽ phải chịu chế tài cao theo quy định của CPTPP.

Đó là chia sẻ của ông Lê Ngọc Lâm, Phó Cục trưởng Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ KH&CN) tại họp báo thường kỳ Quý II/2019 do Bộ Khoa học và Công nghệ tổ chức.

img

Toàn cảnh buổi Họp báo.

Doanh nghiệp cần hiểu rõ những quy định về sở hữu trí tuệ

Trả lời câu hỏi của phóng viên liên quan đến Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật sở hữu trí tuệ (SHTT) mới được Quốc Hội thông qua, trong đó thực hiện một phần các cam kết của Việt Nam trong CPTPP có tác động như thế nào tới doanh nghiệp, ông Lê Ngọc Lâm - Phó Cục trưởng Cục Sở hữu trí tuệ cho biết, hiệp định CPTPP là một trong những FTA thế hệ mới quy định về quyền SHTT rất cao.

Các quy định của CPTPP hay các FTA khác cũng như Luật SHTT mục tiêu chính là bảo vệ kết quả sáng tạo, bảo vệ các tổ chức nghiên cứu, doanh nghiệp có thành quả sáng tạo, chứ các quy định này không nhằm gây khó cho doanh nghiệp.

Tuy nhiên, nếu doanh nghiệp và nhà khoa học không hiểu rõ CPTPP thì sẽ gặp bất lợi. Thậm chí, nếu không cập nhật thông tin, vô tình xâm phạm thì sẽ phải chịu chế tài cao theo quy định của CPTPP.

Giải thích thêm về vấn đề này, thứ trưởng Bộ KH&CN Bùi Thế Duy cho hay, trong thời kỳ hội nhập hiện nay thì nhãn hiệu, tên tuổi và bằng phát minh sáng chế, bí quyết kỹ thuật… là những “tài sản” vô hình nhưng rất giá trị. Chính vì vậy, khi chúng ta tham gia CPTPP, các chế tài với xâm phạm SHTT càng cao hơn, thậm chí một số hiệp định còn tăng mức hình sự hóa.

img

Thứ trưởng Bộ KH&CN Bùi Thế Duy.

“Có 2 nhóm đó là cố ý xâm phạm SHTT và nhóm vô tình xâm phạm. Đặc biệt, khi tham gia các hiệp đinh FTA mới thì có thể sẽ “vô tình” vướng phải những vụ kiện tụng liên quan đến xâm phạm SHTT.  Do đó, doanh nghiệp cũng như người dân, nhà khoa học cần phải tìm hiểu để tránh việc vô tình vi phạm về SHTT và phải chịu chế tài xử phạt cao”, ông Duy nhấn mạnh.

Thứ trưởng nói thêm, CPTPP có chế tài mạnh và chặt chẽ hơn trong thực thi quyền SHTT. Ví dụ như thực thi ngay lập tức ở biên giới hoặc trong các hoạt động xuất nhập khẩu đối với hàng hóa giả mạo nhãn hiệu hoặc sao chép lậu quyền tác giả, cho phép các cơ quan thực thi được thực hiện chế tài xử phạt ngay lập tức mà không cần phải có yêu cầu của chủ SHTT như quy định hiện nay.

CPTPP cũng yêu cầu hình sự hóa hàng loạt hành vi xâm phạm quyền theo hướng hạ thấp yếu tố cấu thành tội phạm, ví dụ như hành vi xâm phạm bí mật thương mại trên mạng máy tính, hoặc sử dụng tem nhãn và bao gói giả mạo nhãn hiệu … cũng đã có thể bị xử lý hình sự.

Cùng với đó, những hoạt động xâm phạm quyền SHTT của người khác để thu lợi, không cần biết là ở mức nào, cố ý hay vô ý, cũng sẽ bị khép vào hành vi ở quy mô thương mại, sẽ bị xử lý hình sự. Đây là điều mà doanh nghiệp và ngay cả người buôn bán nhỏ cần phải lưu ý. Điều này cũng đặt ra yêu cầu hiểu biết và thực thi sở hữu trí tuệ cao hơn cho tất cả các thành viên tham gia thị trường. 

Nhiều quy định mới về nhập khẩu máy móc, thiết bị, dây chuyền công nghệ đã qua sử dụng

img

Ông Lê Ngọc Lâm, Phó Cục trưởng Cục Sở hữu trí tuệ chia sẻ về vấn đề SHTT đối với doanh nghiệp.

Chia sẻ về những điểm mới trong Quyết định số 18/2019/QĐ-TTg ngày 19/4/2019 của Thủ tướng Chính phủ quy định việc nhập khẩu máy móc, thiết bị, dây chuyền công nghệ đã qua sử dụng (Quyết định 18), ông Nguyễn Nam Hải - Vụ trưởng Vụ Đánh giá, Thẩm định và Giám định công nghệ cho biết việc xây dựng, ban hành Quyết định 18 thay thế Thông tư số 23/2015/TT-BKHCN trước đây là nhằm tiếp tục quản lý chặt chẽ, ngăn chặn nhập khẩu máy móc, thiết bị, dây chuyền công nghệ đã qua sử dụng có công nghệ lạc hậu, không đảm bảo an toàn, có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường và tiêu hao nhiều năng lượng nhập khẩu vào Việt Nam. Đồng thời, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp trong việc nhập khẩu máy móc, thiết bị để duy trì sản xuất, mở rộng hoạt động đầu tư tại Việt Nam.

Mục tiêu này càng đặc biệt quan trọng trong bối cảnh xu thế chuyển dịch đầu tư đang diễn ra, với sự ổn định về chính trị và môi trường đầu tư kinh doanh không ngừng được cải thiện với cam kết mạnh mẽ của Chính phủ, Việt Nam đang trở thành một trong các điểm đến hấp dẫn đối với nhà đầu tư nước ngoài.

Về cơ bản, theo Quyết định 18, không cho phép nhập khẩu máy móc, thiết bị, dây chuyền công nghệ đã qua sử dụng mà các nước xuất khẩu đã công bố loại bỏ do lạc hậu, chất lượng kém, gây ô nhiễm môi trường, không đáp ứng các yêu cầu về an toàn, tiết kiệm năng lượng và bảo vệ môi trường.

Đối với máy móc, thiết bị đã qua sử dụng, tiêu chí nhập khẩu được căn cứ vào tuổi thiết bị là không vượt quá 10 năm và máy móc, thiết bị phải được sản xuất phù hợp với QCVN, TCVN hay tiêu chuẩn quốc gia của nước G7, Hàn Quốc về an toàn, tiết kiệm năng lượng và bảo vệ môi trường.

Dựa trên phân tích đặc thù bản chất hoạt động của máy móc, thiết bị và thực tiễn sử dụng, tham khảo ý kiến của các chuyên gia, hiệp hội doanh nghiệp và có sự thống nhất của các Bộ quản lý chuyên ngành, chỉ có 16 loại máy móc, thiết bị cụ thể thuộc lĩnh vực cơ khí, sản xuất, chế biến gỗ, máy và thiết bị cơ khí trong sản xuất giấy và bột giấy trong tổng số 135 loại máy móc, thiết bị thuộc 02 chương 84 và 85 của Danh mục hàng hoá xuất khẩu, nhập khẩu Việt Nam, thuộc đối tượng điều chỉnh của dự thảo Quyết định là được áp dụng tiêu chí tuổi thiết bị trong khoảng từ 15 đến 20 năm.

Trong một số trường hợp đặc thù cần nhập máy móc, thiết bị đơn lẻ đã qua sử dụng có tuổi thiết bị vượt quá mức quy định để duy trì hoạt động sản xuất, Quyết định cũng quy định hồ sơ, trình tự giải quyết tại Bộ KH&CN và các Bộ, ngành liên quan một cách cụ thể và chặt chẽ.

Trong trường hợp này, năng lực còn lại thực tế của máy móc, thiết bị phải còn trên 85% công suất/hiệu suất và tiêu hao năng lượng không vượt quá 15% so với thiết kế và máy móc, thiết bị phải đáp ứng nhiều tiêu chí cụ thể khác. Việc đánh giá theo các tiêu chí này do Tổ chức Giám định có năng lực thực hiện.

Đối với dây chuyền công nghệ đã qua sử dụng, để đạt yêu cầu nhập khẩu, dây chuyền công nghệ đã qua sử dụng phải đáp ứng được đồng thời 05 tiêu chí, bao gồm: được sản xuất phù hợp với QCVN, TCVN hay tiêu chuẩn quốc gia của nước G7, Hàn Quốc về an toàn, tiết kiệm năng lượng và bảo vệ môi trường; công suất hoặc hiệu suất còn lại so với thiết kế (không thấp hơn 85%); mức tiêu hao nguyên, vật liệu, năng lượng so với thiết kế (không quá 15%); công nghệ không thuộc công nghệ cấm chuyển giao, hạn chế chuyển giao (theo quy định của Luật Chuyển giao công nghệ); là công nghệ đang sử dụng phổ biến trong ít nhất 03 cơ sở thuộc các nước thuộc khối OECD.

img

Ông Nguyễn Nam Hải – Vụ trưởng Vụ Đánh giá, Thẩm định và Giám định công nghệ chia sẻ một số quy định mới về về nhập khẩu máy móc, thiết bị, dây chuyền công nghệ đã qua sử dụng.

Việc đánh giá năng lực thực tế còn lại của dây chuyền công nghệ đã qua sử dụng do Tổ chức Giám định có năng lực tiến hành đánh giá ngay tại nguồn nước xuất khẩu, trong tình trạng dây chuyền còn đang hoạt động và chưa được tháo dỡ.

Một điểm mới nữa trong Quyết định 18 là hiện nay chỉ cho phép nhập khẩu máy móc, thiết bị, dây chuyền công nghệ đã qua sử dụng để phục vụ trực tiếp cho hoạt động sản xuất tại Việt Nam. Nhìn chung, các biện pháp quản lý mới này vừa bảo đảm bảo quản lý chặt chẽ vừa tháo gỡ được các vướng mắc trong giai đoạn trước đây của các doanh nghiệp trong hoạt động này.

Cùng với các biện pháp cải cách hành chính theo tiêu chí rõ ràng, minh bạch trong quy trình thủ tục nhập khẩu, trong hoạt động giám định máy móc, thiết bị, dây chuyền công nghệ đã qua sử dụng, Quyết định 18 đã được cộng đồng doanh nghiệp đánh giá và phản hồi tích cực. Kể từ thời điểm Quyết định số 18 có hiệu lực kể từ ngày 15/6/2019 cho tới nay, Bộ KH&CN cũng đã chủ động phối hợp với Tổng cục Hải quan để tăng cường hướng dẫn và giải đáp các vướng mắc giúp cho doanh nghiêp tuân thủ đúng quy định trong hoạt động nhập khẩu máy móc, thiết bị, dây chuyền công nghệ.