Dân Việt

Thương con tự kỷ, cha lập công ty hỗ trợ người tự kỷ tìm việc

Trà Li (ET/The New York Times) 09/08/2019 07:00 GMT+7
Từ tình yêu thương của một người cha, luôn muốn người con tự kỷ của mình có thể hòa nhập với cộng đồng, ông Thorkil Sonne (Đan Mạch) đã thành lập một công ty hỗ trợ người tự kỷ tìm kiếm việc làm.

Con trai ông Thorkil Sonne được chẩn đoán mắc chứng tự kỷ khi mới hơn 2 tuổi. Ông Sonne biết chắc rằng lúc trưởng thành, con trai ông có thể phải vật lộn trong thị trường việc làm truyền thống.

img

Ông Thorkil Sonne và cậu con trai tên Lars tại nhà riêng ở Ringsted, Đan Mạch.

Như bao bậc phụ huynh có con mắc tự kỷ khác, vợ chồng ông Sonne bắt đầu học hỏi để giúp con hòa nhập với cộng đồng. Nhưng càng lớn, cậu con trai Lars của ông lại thể hiện hiện mình là một cậu bé vui vẻ, tò mò và không ngừng khiến cha mẹ ngạc nhiên với khả năng ghi nhớ kỳ quặc và đáng kinh ngạc. Chẳng hạn, Lars có khả năng nhớ toàn bộ lịch trình xe lửa của tất cả các tuyến đường chính ở Đan Mạch.

Nhận thấy khả năng đặc biệt của con trai, cũng như nhằm giúp những người tự kỷ khác, ông Sonne quyết tâm thành lập một công ty chuyên giúp đỡ những người tự kỷ tìm việc làm. Năm 2004, ông đánh liều thế chấp cả ngôi nhà của mình để thành lập Công ty Specialisterne

Ban đầu, ông Sonne tham gia Hiệp hội Tự kỷ Đan Mạch. Sau vài năm, ông trở thành chủ tịch của hội này.

Công ty của ông Sonne đặt mục tiêu tạo ra môi trường làm việc toàn diện, nơi những người tự kỷ không phải lo lắng về các quy tắc xã hội, hay sợ bị phân biệt đối xử.

img

Một buổi học nhóm tại Phòng ghép Lego trong trường Specialisterne, Đan Mạch.

Công ty Specialisterne cũng sử dụng nhân sự là người tự kỷ trong các vai trò như phát triển phần mềm và nhập dữ liệu.

Theo ông Sonne, những người mắc chứng tự kỷ thường có trí nhớ tốt, chú ý đến từng chi tiết, kiên trì và họ thường là những người hiền lành, trung thành.

Với sự hiểu biết của mình về chứng tự kỷ, ông Sonne khẳng định người mắc chứng tự kỷ hoàn toàn có thể trở thành một mảnh ghép tại nơi làm việc. Đồng thời, họ cũng tạo ra một môi trường làm việc tốt hơn, gần gũi hơn.

img

Nhóm Specialisterne đến từ trường trung học dành cho thanh thiếu niên tự kỷ ở Đan Mạch đã giành chiến thắng trong cuộc thi Robot vũ trụ IRIS của Cơ quan vũ trụ châu Âu (ESA).

Công ty Specialisterne đã nhận được một số giải thưởng kể từ khi thành lập và trở thành một trường hợp nghiên cứu đặc trưng tại Trường Kinh doanh Harvard.

Ông Sonne tin rằng, mô hình làm việc của công ty mình có thể áp dụng cho nhiều công ty trên toàn thế giới. Gần đây, họ đã hợp tác với cả những tập đoàn khổng lồ như Tập đoàn công nghệ IBM.

Những người mắc chứng tự kỷ có thể khác nhau về mức độ nghiêm trọng của triệu chứng. Nhưng nhìn chung, họ thường gặp rắc rối với các kỹ năng xã hội, giao tiếp và cần các hành động nhất quán, lặp đi lặp lại.

Điều đáng ngạc nhiên là tự kỷ được coi chỉ là một bệnh tâm thần từ sau năm 1987. Tuy nhiên, nó vẫn còn bị kỳ thị. Theo Báo cáo Chỉ số tự kỷ quốc gia (ấn phẩm của Viện tự kỷ A.J Drexel, Mỹ), 86% người mắc chứng tự kỷ đang thất nghiệp và hầu hết họ không học đại học. Nguyên nhân bởi họ dường như phải vật lộn với làm việc theo nhóm, tiếp nhận thông tin phản hồi và quản lý thời gian.