Tiểu khu 19/5 (Cò Nòi) nằm dọc Quốc lộ 6, do nơi đây là vùng trũng thấp, thiếu rãnh thoát nước. Hàng năm vào mùa mưa, gặp những trận mưa lớn kéo dài khiến nước lũ từ trên các đỉnh đồi, khe suối đổ dồn về gây ngập úng. Do ảnh hưởng cơn bão số 3 vừa qua, gần chục hecta khu vực sản xuất và vườn cây ăn quả của người dân biến thành biển nước. Thậm trí nước lũ dâng cao còn ngập cả vào nhà ở, làm cho đời sống của nhiều hộ gia đình bị xáo trộn.
Nhiều diện tích đất sản xuất của người dân tiểu khu 19/5 bị ngập mênh mông nước.
Theo ghi nhận thực tế của phóng viên tại khu vực bị ngập: Mưa lớn do ảnh ảnh của cơn bão số 3 vừa qua, đến nay đã qua gần một tuần nhưng nhiều diện tích cây ăn quả, nhãn xoài, bưởi và ngô, bí… của nhiều hộ dân ở tiểu khu 19/5 (Cò Nòi) vẫn đang ngập trong nước. Trong đó, một số loại cây đang trong thời kỳ thu hoạch như nhãn, ngô, người dân đành bỏ mặc do mực nước ngập quá sâu không thể thu hoạch được.
Nước ngập kéo dài nên nhiều diện tích cây trồng có nguy cơ bị chết úng.
Ông Nguyễn Quang Nhân, tiểu khu 19/5, cho biết: Khoảng 4 – 5 năm trở lại đây, cứ vào mùa mưa là khu vực này lại bị ngập. Nước lũ đổ về không chỉ làm ngập đất sản xuất mà còn tràn vào bên trong nhà ở của nhiều hộ. Nước lũ từ các khu dân cư phía đầu nguồn chảy về kéo theo chai, lọ thuốc trừ sâu cùng rác, thậm chí có cả xác động vật chết…sặc mùi hôi thối rất khó chịu, mất vệ sinh. Vào mùa mưa cuộc sống của chúng tôi ở đây rất vất vả.
Ông Nguyên Quang Nhân, không khỏi xót lòng khi chứng kiến gần 1 ha cây ăn quả và ngô của gia đình đang bị ngập sâu trong nước cả tuần qua.
Chỉ tay về phía khu vườn mênh mông nước, ông Nhân cho hay: Hiện gia đình tôi đang có 1 ha cây ăn quả, nhãn và ngô đang bị ngập sâu trong nước, chỗ sâu nhất khoảng 10 mét. Mặc dù biết trước nước lũ sẽ làm ngập khu vườn, nên cả nhà tranh thủ thu hoạch chạy được một ít ngô, còn lại bị ngập hết vì không kịp.
Vườn nhãn trồng được 2 năm tuổi chỉ còn thấy ngọn nhấp nhô trên mặt nước. Trong đó, có một số cây nhãn trồng lâu năm đang chuẩn bị thu hoạch cũng đang bị ngập không thu hái được, một phần bị úng thối trong nước. Nguy cơ một số diện tích bị thất thu nếu tình trạng ngập úng tiếp tục kéo dài.
Theo phản ánh của các hộ dân, trước kia khu vực này không xảy ra tình trạng ngập úng như thế này.
Cũng theo người dân nơi đây: Bắt đầu từ năm 2008 trở về đây, do một số công trình xây xựng đã ngăn dòng chảy tự nhiên và các hang đá thoát nước bị lấp, không có rãnh thoát nước nên nước lũ đổ về cứ dồn ứ lại tại khu vực này, ảnh hưởng lớn đến sản xuất và đời sống sinh hoạt của nhiều hộ dân.
Nhiều diện tích ngô ngập trong nước đang bị thối hỏng.
Bà Trần Thị Thể, lên khai hoang và ở tại tiểu khu 19/5, từ năm 1973. Theo bà, trước đây không có tình trạng ngậm úng như thế này, khoảng 7 năm trở lại đây năm nào cũng bị ngập úng, ngập nặng nhất là 2 năm trở lại đây, hễ trời mưa to là nước ngập mênh mông.
Vừa rồi nhà tôi bị ngập, nước tràn cả vào trong nhà, ướt hết đồ đạc, một số đồ dùng sinh hoạt bị hư hỏng. “Vì không biết tính thế nào nên chúng tôi đành học cách sống chung với nước ngập, lần nào nước lũ dâng cao quá thì khuôn đồ đạc sang gửi nhà hàng xóm hoặc ở nhờ nhà hàng xóm, đến khi nước rút mới trở về. Năm ngoái nhà tôi bị ngập 4 – 5 lần, bị chết mấy con lợn.
Nhãn đang đến kỳ thu hoạch đang bị ngập sâu trong nước.
Hay như trường hợp của gia đình bà Đặng Thị Loan, vì nhà ở khu vực thấp hơn nên năm nào nước cũng ngập lên tận nhà khoảng 1 mét. Nước thấm vào tường nhà làm nứt vách.
“Nước kéo theo bùn đất rác rưởi chảy vào nhà, rất mất vệ sinh. Khi nước rút xuất hiện rất nhiều ruồi nhặng, mùi khó chịu. Sống ở đây rất vất vả, không biết bao giờ đời sống của bà con mới ổn định. Tại các cuộc họp tiểu khu bà con đã kiến nghị, mong muốn được giúp đỡ nhưng đến nay vẫn chưa thấy gì”, bà Loan chia sẻ.
Nhà bà Đặng Thị Loan bị nước lũ ngập cả vào trong nhà làm nứt vách.
Ông Dương Minh Quê, Tiểu khu trưởng tiểu khu 19/5, cho biết: Khu vực này cứ lần nào mưa kéo dài là bị ngập, diện tích thường xuyên bị ngập khoảng 7 – 8 ha, số hộ bị ảnh hưởng khoảng 10 hộ. Thời điểm ngập nhiều nhất là năm ngoái và năm kia. Nước rất mất vệ sinh, vì một số hộ phía đầu nguồn chăn nuôi lợn, làm bã mía, thậm chí vứt cả xác động vật ra suối… nên khi mưa to, nước lũ đẩy toàn bộ rác rưởi và các phế thải dồn về khu vực tiểu khu 19/5.