Dân Việt

Trường quốc tế Gateway trong hệ sinh thái giáo dục "khổng lồ"

Minh Khôi (Tổng hợp) 07/08/2019 10:29 GMT+7
Tập đoàn Giáo dục Quốc tế Edufit đã sở hữu hệ thống 9 trường mầm non mang thương hiệu Sakura Montessori và Ikids Montessori cùng 3 trường phổ thông liên cấp quốc tế Gateway từ lớp 1 tới lớp 12.

Khởi đầu từ 1 trường mầm non

Khởi đầu với trường mầm non Sakura Montessori tại Cầu Giấy (Hà Nội) năm 2011, tới nay Công ty Cổ phần (CTCP) Tập đoàn Giáo dục Quốc tế Edufit đã sở hữu hệ thống 9 trường mầm non mang thương hiệu Sakura Montessori và Ikids Montessori cùng 3 trường phổ thông liên cấp quốc tế Gateway từ lớp 1 tới lớp 12.

Theo giới thiệu, hệ thống trường mầm non quốc tế Sakura Montessori đã khẳng định chất lượng và vị thế hàng đầu trong lĩnh vực giáo dục mầm non. Trên nền tảng đó, Edufit tự tin đến năm 2025, Gateway sẽ là trường song ngữ hàng đầu, đưa Edufit trở thành biểu tượng của giáo dục Việt Nam.

img

Tập đoàn Giáo dục Quốc tế Edufit hiện là một trong số các doanh nghiệp hàng đầu trong lĩnh vực giáo dục ở Việt Nam.

Trước đó 1 tháng, tập đoàn này đầu tháng 7/2018 cũng đã ký kết thoả thuận hợp tác với Công ty TNHH Phát triển THT (thuộc công ty Daewoo E&C Hàn Quốc) triển khai xây dựng trường phổ thông liên cấp quốc tế Gateway quy mô 2,08 ha tại dự án Tây Hồ Tây Starlake (Hà Nội). Dự án được kỳ vọng sẽ tạo nên một trong những trường quốc tế có quy mô lớn và hiện đại bậc nhất tại Hà Nội, dự kiến tuyển sinh trong năm học 2020-2021.

Liên quan tới dự án này, trong khuôn khổ Hội nghị xúc tiến đầu tư Việt Nam - Nhật Bản tại Tokyo ngày 1/7/2019 vừa qua, Tập đoàn Edufit đã nhận được khoản đầu tư 34 triệu USD từ công ty Toshin Development Co., Ltd (nhà phát triển bất động sản thuộc tập đoàn Takashimaya, một trong những tập đoàn kinh doanh bách hoá thương mại hàng đầu Nhật Bản).

Bộ tứ nữ cổ đông Edufit

Sở hữu tham vọng lớn như vậy, song cho tới nay gần như không có thông tin rõ ràng về nhà đầu tư đứng sau sự phát triển nhanh chóng của tập đoàn này.

Theo thông tin từ Nhadautu.vn, Edufit phát triển mạnh từ năm 2017, khi pháp nhân "lõi" - CTCP Tập đoàn Giáo dục Quốc tế Edufit cùng trên 10 đơn vị thành viên được thành lập.

CTCP Tập đoàn Giáo dục Quốc tế Edufit chính thức đi vào hoạt động ngày 12/12/2017, đặt trụ sở tại tổ 34, phường Trần Lãm, TP.Thái Bình (tỉnh Thái Bình) với số vốn ban đầu 20 tỷ đồng (nay là 150 tỷ đồng). 4 cổ đông sáng lập là bà Trần Thị Hồng Vân (35,7%), bà Trần Thị Hồng Hạnh (35,7%), bà Trần Thị Huyền (14,3%) và bà Nguyễn Thị Xuân Trang (14,3%).

Ngoại trừ bà Xuân Trang, 3 cá nhân họ Trần còn lại đóng vai trò chi phối Edufit và thay nhau góp vốn, điều hành các doanh nghiệp thành viên trong tập đoàn. Trong đó bà Trần Thị Hồng Hạnh (SN 1982) làm Tổng giám đốc, bà Trần Thị Hồng Vân (SN 1986) là Phó Tổng giám đốc tập đoàn mẹ Edufit.

Cụ thể hơn, bà Trần Thị Hồng Vân hiện là người đứng tên tại CTCP Phát triển Giáo dục EMC có vốn điều lệ 70 tỷ đồng là chủ đầu tư dự án Trường mầm non Sakura Montessori thuộc dự án HanoVid 430 Cầu Am, Hà Đông (Hà Nội); CTCP Giáo dục ESC Việt Nam; CTCP Phát triển Giáo dục ICorp (Trường mầm non Ikids Thái Bình); phụ trách Trường Sakura Montessori Hạ Long.

Ngoài lĩnh vực giáo dục, bộ tứ nữ cổ đông của Edufit còn cùng góp vốn mở một doanh nghiệp địa ốc vào tháng 8/2018 là CTCP bất động sản S-COM đóng trụ sở tại Kiến Hưng, Hà Đông (Hà Nội) có vốn điều lệ 20 tỷ đồng.

Hay như bà Trần Thị Huyền, dù chỉ nắm cổ phần thiểu số, song nữ doanh nhân sinh năm 1985 là một nhân vật quan trọng trong "hệ sinh thái Edufit", khi đảm nhiệm chức vụ điều hành tại CTCP Giáo dục Edufit (vốn 70 tỷ đồng), CTCP Giáo dục TPI Việt Nam (vốn 20 tỷ đồng), CTCP Giáo dục Sakura Việt Nam (vốn 55 tỷ đồng) hay Công ty TNHH Phát triển Giáo dục Việt Nhật - liên doanh có vốn 51 tỷ đồng giữa Edufit và Health Sciences Group Holdings của Nhật để đầu tư vào trường Sakura Montessori tại Quận 2 (TP.HCM) năm 2017.

Về chiến lược phát triển, CEO Trần Thị Hồng Hạnh trong một sự kiện gần đây chia sẻ Edufit sẽ đẩy mạnh hợp tác với các tập đoàn bất động sản cao cấp nhằm phát triển mô hình trường mầm non Sakura Montessori chuẩn quốc tế trong các khu chung cư, dự án bất động sản cao cấp của Việt Nam.

Sáng 6/8, hệ thống xe buýt của trường Gateway đón học sinh tại các điểm như đã đăng ký. Xe buýt số 19 mang biển số 29B-069.56 được điều khiển bởi lái xe Phiến và người hỗ trợ là cô Quy đến đón học sinh L. tại điểm đón (tòa nhà Trung Yên Plaza) vào khoảng 6h55.

Khi học sinh lên hết xe, cô Quy có kiểm số lượng thì có 13 học sinh trên xe. Lúc này, học sinh L. ngồi ở hàng ghế cuối cùng trên xe buýt.

Lúc xuống xe, có hai bạn học sinh nhỏ đi học ngày đầu tiên khóc rất nhiều nên cô Quy hỗ trợ đưa vào trường và lên phòng ăn, không kiểm tra và không đếm lại số lượng học sinh. Tài liệu bàn giao với nhà trường khi trả trẻ từ người hỗ trợ ghi nhận không có vấn đề gì xảy ra.

Trên lớp, cô giáo chủ nhiệm Nguyễn Thị Thủy - phụ trách lớp 1 Tokyo điểm danh học sinh thì không thấy có bé L. nhưng không có bất cứ thông báo nào.

Trong suốt thời gian xe kết thúc đưa đón học sinh đến trường và quay lại trường là 16h10, lái xe và người hỗ trợ không kiểm tra lại xe. Khi người hỗ trợ tìm các bạn học sinh để ra về vào buổi chiều thì không tìm thấy học sinh L. và có gọi điện cho phụ huynh học sinh.

Khoảng 16h15 đến 16h20, người hỗ trợ là người đầu tiên mở cửa xe thì thấy bé L. đang nằm dưới đất cạnh ghế đầu tiên, sau ghế tài xế. Lúc phát hiện ra thì có nhiều học sinh khác và mọi người đứng quanh xe.

Một người đàn ông vội đưa bé L. vào phòng y tế trường để cấp cứu. Sau khi sơ cứu tại phòng y tế nhà trường, nhận định tình trạng bé L. đã nguy kịch nhà trường đã đưa bé đến bệnh viện E để cấp cứu.

Tuy nhiên, các bác sĩ bệnh viện E xác định, cháu bé đã tử vong trước khi đến viện.

Hoà Nguyễn