Dân Việt

Chiến tranh thương mại Mỹ - Trung: Nông sản Việt dễ bị mượn tên?

Hoàng Nhật (thực hiện) 11/08/2019 07:15 GMT+7
Trao đổi với Dân Việt, chuyên gia kinh tế Vũ Vinh Phú lo ngại, những diễn biến căng thẳng của chiến tranh thương mại Mỹ - Trung có thể dẫn tới hàng thủy sản Trung Quốc sẽ được ghi sai nhãn thành xuất xứ Việt Nam để xuất khẩu sang Mỹ, ảnh hưởng đến uy tín sản phẩm của Việt Nam, thậm chí có thể dẫn đến những động thái từ phía Mỹ nhằm gây bất lợi cho Việt Nam.

Cơ hội và rủi ro

Thưa ông, ông nhìn nhận như thế nào về những diễn biến căng thẳng gần đây của cuộc chiến tranh thương mại Mỹ - Trung?

- Ngày 1/8/2019, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã quyết định áp thuế mới đối với hàng hóa Trung quốc nhập khẩu vào Mỹ trị giá 200 tỷ đô la với thuế suất 10% từ ngày 1/9/2019. Đây là động thái đầu tiên của Mỹ đối với Trung Quốc sau khi vòng đàm phán cấp cao giữa 2 nước kết thúc không thành công.

img

Các mặt hàng nông sản Việt Nam đang được bày bán trong siêu thị tại Hà Nội.  Ảnh: D.V

Mỹ cho biết: “Trung Quốc nhượng bộ quá ít, họ đăng ký mua nông sản Mỹ với số lượng lớn song họ không làm như vậy”. Đây là bước leo thang mới nhất của cuộc chiến tranh thương mại giữa 2 nước trong hơn 1 năm qua. Đáp lại hành động của Mỹ, Trung Quốc cũng tuyên bố sẽ không lùi bước và có những biện pháp đáp trả kịp thời.

Từ động thái trên, chắc chắn là hàng hóa dư thừa của Trung Quốc không xuất được sang Mỹ sẽ tìm cách tiêu thụ ở các nước khác trên thế giới, và đặc biệt là thị trường Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam.

Trong cuộc chiến tranh thương mại này, Việt Nam sẽ được hưởng một số lợi ích như tăng trưởng xuất khẩu sang Mỹ để thay thế một số mặt hàng mà Trung Quốc bị áp thuế cao như mặt hàng điện tử, đồ gỗ, may mặc, đồ da giầy…

Trong 5 tháng đầu năm 2019, Mỹ đã giảm nhập khẩu hàng của Trung Quốc với tỷ trọng 12,3% nhưng tăng nhập khẩu của Việt Nam với tỷ trọng 36%. Trong 6 tháng đầu năm 2019, vốn đầu tư từ nước ngoài của các DN FDI vào Việt Nam đã giải ngân được 9,1 tỷ USD, tăng 8% so với cùng kỳ năm trước, vốn đăng ký đạt 18,5 tỷ USD, bằng 90,8% so với cùng kỳ năm trước, trong đó vốn cam kết đầu tư từ Trung Quốc, Hongkong chiếm một tỷ trọng lớn là 41%, đó là những lợi ích về xuất khẩu và đầu tư mà cuộc chiến tranh thương mại mang lại.

Bài toán về thị trường nội địa cần được Bộ Công Thương và các ngành liên quan cùng các địa phương phải đặt ra một cách đúng mức để giải quyết nhằm phát triển thị trường nội địa một cách nhanh và vững chắc, không để hệ thống phân phối và hàng hóa ngoại nhập lấn át đa số trên sân nhà”.

Ông Vũ Vinh Phú

Ông có lo ngại tình trạng DN Trung Quốc sẽ “mượn” Việt Nam để lấy xuất xứ hàng hoá nhằm xuất khẩu sang thị trường Mỹ?

- Đây là vấn đề cần đặc biệt lưu ý, có khả năng Trung Quốc sẽ thông qua Việt Nam để trung chuyển hàng hóa của họ, dưới mác “made in Việt Nam” nhằm tránh thuế.

Cần lưu ý thêm, khi hàng Trung Quốc vào Việt Nam với hình thức tạm nhập tái xuất, chúng ta phải đối mặt với một rủi ro là sự tiếp tay của một bộ phận các DN nội địa, tạo điều kiện hợp thức hóa cho hàng hóa Trung Quốc nhập vào Việt Nam rồi xuất khẩu sang Mỹ.

Chiến tranh thương mại Mỹ-Trung tạo cơ hội cho DN Việt Nam tăng xuất khẩu một số sản phẩm nông sản, thủy sản sang 2 thị trường lớn này để bù đắp thiếu hụt tại thị trường, đặc biệt là với những mặt hàng tôm, cá tra.

Nhưng tồn tại một rủi ro cũng đáng quan tâm, vì đã có những nhận định cho rằng hàng thủy sản Trung Quốc sẽ được ghi sai nhãn thành xuất xứ Việt Nam để xuất khẩu sang Mỹ, ảnh hưởng đến uy tín sản phẩm của Việt Nam, thậm chí có thể dẫn đến những động thái từ phía Mỹ nhằm gây bất lợi cho Việt Nam.

Đối với những sản phẩm thủy sản mà Trung Quốc và Việt Nam đều xuất khẩu sang Mỹ như tôm, cá ngừ, mực, bạch tuộc hay cá biển, Mỹ có thể kiểm tra chặt chẽ hơn về xuất xứ từ Việt Nam, vì họ có thể nghi ngờ DN Trung Quốc sẽ “mượn” Việt Nam để lấy xuất xứ và xuất đi Mỹ.

Bên cạnh đó, Việt Nam có thể trở thành điểm trung chuyển cho giao dịch thủy sản của hai thị trường này, điều này rất ảnh hưởng đến uy tín và quan hệ thương mại giữa Việt Nam với Mỹ và Trung Quốc.  

Chủ động hợp tác, cạnh tranh “sân nhà”

Theo ông, liệu có tồn tại rủi ro với thị trường nội địa Việt Nam trong cuộc chiến tranh thương mại Mỹ-Trung?

- Trong hơn nửa đầu năm 2019, xuất khẩu của Trung Quốc vào Mỹ giảm 8,5% và xuất khẩu sang các nước ngoài Mỹ chỉ tăng có 2,1%, câu hỏi đặt ra là ai sẽ mua hàng hóa dư thừa của Trung Quốc? Một khi xuất khẩu sang Mỹ và các nước bị chậm lại, chắc chắn Trung Quốc sẽ tìm đường giải quyết số hàng tồn kho một cách nhanh hơn sang các nước khác khác hoặc sang ASEAN và Việt Nam.

Ngoài ra, Bắc Kinh còn thúc đẩy việc hoàn thành ký kết khu vực thương mại tự do Đông Á (RCEP) vào cuối năm 2019 bao gồm các nước ASEAN, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Ấn Độ, Úc và New Zealand. Những động thái trên của Trung Quốc nhằm đa dạng xuất khẩu hàng hóa dư thừa do hậu quả của chiến tranh thương mại.

Thị trường bán lẻ Việt Nam rất tiềm năng về tiêu thụ hàng hóa tiêu dùng ở khu vực Đông Nam Á, hệ thống phân phối hiện đại đang phát triển, nhiều nhà đầu tư trong và ngoài nước đang tích cực lấn sân vào lĩnh vực thương mại bán lẻ. Vì vậy, nguồn cung hàng hóa từ sản xuất trong nước và nhập khẩu là vô cùng quan trọng để mang lại hiệu quả  cho các nhà đầu tư.

Chúng ta đã hội nhập và chấp nhận mở cửa để hàng hóa và hệ thống phân phối các nước vào thị trường nội địa, điều quan trọng là công tác quản lý hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc và các nước và hàng hóa sản xuất trong nước nhằm đảm bảo chất lượng hàng hóa và quyền lợi người tiêu dùng Việt Nam, thu nộp ngân sách cho Nhà nước. Song song với đó, chúng ta phải nâng cao năng lực cạnh tranh của hàng hóa Việt Nam và hệ thống phân phối Việt, chủ động hợp tác và cạnh tranh ngay tại sân nhà.

Xin cảm ơn ông!