Dân Việt

Bắc Kạn: Bản người Dao đèo Áng Toòng kêu trời vì “đói điện”

Chiến Hoàng 15/08/2019 08:00 GMT+7
14 hộ dân trên đỉnh đèo Áng Toòng, dọc quốc lộ 3B của Bản Lù, xã Tân Sơn, huyện Chợ Mới, tỉnh Bắc Kạn đang ngày đêm mong ngóng có được lưới điện quốc gia để sử dụng thay vì phải chung nhau một công tơ điện, tự kéo mấy nghìn mét dây như hiện nay.

Bản Lù là thôn của người Dao đỏ thuộc xã Tân Sơn, huyện Chợ Mới (Bắc Kạn) với 83 hộ dân được chia làm 2 khu. Lâu nay việc sử dụng điện của người dân nơi đây hết sức khó khăn. 

img

Nằm ngay trên quốc lộ 3B, thật khó tin những ngôi nhà trên đỉnh đèo này lại chưa có lưới điện quốc gia.

Riêng khu đỉnh đèo Áng Toòng có 14 hộ hiện đang kéo nhờ tuyến điện của huyện Na Rì. Do phải dùng chung một công tơ điện nên mười mấy hộ dân nơi đây chỉ có thể sử dùng điện thắp sáng.

Anh Bàn Quý Năng, Bí thư chi bộ thôn Bản Lù cho biết, hiện nay toàn bộ dây điện của 14 hộ trên đỉnh đèo này đều đã xuống cấp, nhiều chỗ bị oxi hóa, mục nát, nối cũng không thể bọc nilon hoặc băng dính mà để trần điểm nối rất nguy hiểm, vì bọc lại sẽ han gỉ dẫn đến điện chập chờn. Chưa kể cột mắc dây hoàn toàn là cột gỗ, cột tre tạm bợ, nguy cơ chập cháy rất cao, đã nhiều lần xảy ra chập cháy khói bốc nghi ngút, việc bà con tự sửa chữa bị điện giật như cơm bữa.

“Người dân nơi đỉnh đèo này không thể dùng nhiều thiết bị điện do dây điện dùng chung một công tơ điện, lại kéo xa những mấy nghìn mét nên điện rất yếu. Chúng tôi đã nhiều lần phản ánh, tiếp xúc cử tri huyện, tỉnh đều đã đề đạt nhưng chưa thấy có kết quả”, anh Năng nói.

img

Những dây điện được chăng trên những cột là gỗ, cây tre tạm bợ, rất nguy hiểm.

img

Dây lâu ngày xuống cấp được chắp nối tạm bợ, người dân nơi đây tự sửa chữa, việc bị điện giật đã như cơm bữa.

img

Anh Bàn Quý Năng làm sào trúc cho khách, không thể dùng máy cắt mà phải cắt bằng cưa tay do đó ngày công không đạt, anh mong muốn sớm có điện ổn định để phục vụ sản xuất, nâng cao đời sống của bà con.

Còn anh Bàn Phúc Hàn cho hay, trên đỉnh đèo này khá biệt lập, mỗi lần đi chợ phải đi mấy cây số, muốn mua cái tủ lạnh để dự trữ thực phẩm cũng đành chỉ ao ước thôi, mua về điện có tải được đâu. 

“Trời nóng, muốn cắm cái quạt thì phải tắt bóng thắp sáng, tuy nhiên chỉ chừng 5-7 phút là đếm được từng cánh quạt luôn. Điện không tải nổi cả cái quạt bé tí teo ấy”, Hàn cười buồn.

Việc điện không ổn định vì chưa có đường điện chắc chắn do nhà nước đầu tư mà phải tự kéo xa vài kilomet khiến người dân nơi đây muốn sử dụng các máy móc phục vụ sản xuất cũng không thể.

img

Ông Bàn Phúc Sính tự sửa chữa điện do đường dây đã xuống cấp, thường xuyên bị đứt.

Ông Bàn Phúc Sính chia sẻ: "Tôi đang rất muốn mở một xưởng gỗ bóc và mua một máy nghiền tinh bột dong riềng bởi dong riêng ở nơi đây bà con trồng rất nhiều. Nhưng không có điện thì đành chịu. Đến ngay như muốn nấu nồi cơm điện cũng phải đun nươc sôi trước mới chín được cơm thì ươc mơ mở xưởng của gia đình tôi sao mà thực hiện được".

Ngày 7/8, trao đổi với PV Dân Việt, ông Trần Văn Cường, Phó Giám đốc Sở Công thương tỉnh Bắc Kạn cho biết, 83 hộ dân ở thôn Bản Lù xã Tân Sơn có 69 hộ đã có điện, 14 hộ chưa có, các hộ này cách trung tâm xã Tân Sơn khoảng 14km.

“Hiện đang có 2 chương trình liên quan đến điện nông thôn, chương trình năng lượng tái tạo đã được cấp 32 tỷ đồng, chúng tôi đã khảo sát, tuy nhiên trong danh mục lại không có thôn Bản Lù. Bản Lù có trong danh mục dự án cấp điện nông thôn từ lưới điện quốc gia, tỉnh Bắc Kạn giai đoạn 2015-2020, đã được Bộ Công thương phê duyệt tại Quyết định số 3131/QĐ-BCT ngày 27/7/2016, tuy nhiên hiện chưa có kinh phí để triển khai, Sở Công thương đã thường xuyên phải trả lời ý kiến của cử tri về vấn đề này”, ông Cường nói.

14 hộ dân trên đỉnh đèo Áng Toòng thuộc thôn Bản Lù, xã Tân Sơn của huyện Chợ Mới, tỉnh Bắc Kạn đang “đói điện”; bà con nơi đây đang từng ngày mong ngóng có lưới điện quốc gia phục vụ sản xuất, cũng như chuyển đổi nghề để nâng cao chất lượng cuộc sống nơi đỉnh đèo hun hút gió, bốn mùa sương giăng này.