Một bộ phân giới trẻ Trung Quốc vui vẻ với cuộc sống độc thân
Lizzy Ran, sống tại tỉnh Hồ Bắc, Trung Quốc, cảm thấy hạnh phúc với cuộc sống hiện tại. Nữ bác sĩ 29 tuổi có một công việc thu nhập tốt và dành thời gian rảnh rỗi để gặp mặt bạn bè hoặc lướt mạng ở nhà. Dẫu vậy, mẹ Lizzy vẫn rất lo cho cô.
"Mẹ tôi khá lo lắng vì tôi vẫn độc thân dù đã 29 tuổi. Bà cho rằng một người phụ nữ trong đời nhất định phải làm 2 việc là lấy chồng và sinh con. Nhưng tôi không nghĩ vậy. Tôi cho rằng hôn nhân là do cái duyên của mỗi người và sẽ không vội vã về vấn đề này.
Nếu may mắn, tôi sẽ tìm được người chồng như ý. Còn trong trường hợp không tìm được ai cũng chẳng thành vấn đề. Tôi chấp nhận điều đó. Tôi sẽ không bao giờ ép mình phải sốt sắng tìm một người đàn ông và cưới anh ta", Ran chia sẻ trên tờ SCMP.
Một "xã hội độc thân" đang dần hình thành ở Trung Quốc
Quan điểm của Ran điển hình cho suy nghĩ của những bạn trẻ Trung Quốc sinh sau năm 1990 về vấn đề hôn nhân. Thế hệ này được cho là tạo ra một "xã hội độc thân". Các nhà nghiên cứu cho rằng "xã hội độc thân" mới nổi này không chỉ ảnh hưởng tới cá nhân mà còn tới cả đất nước Trung Quốc.
Quan điểm mới thể hiện rõ nhất trên truyền thông xã hội Trung Quốc. Hashtag "người sinh sau năm 1990 không muốn hôn nhân" tràn ngập mạng xã hội Weibo, thu hút hàng nghìn lượt bình luận trong mùa hè này.
"Hôn nhân là một gánh nặng và tôi không muốn kết hôn dù việc này có thể khiến nhiều người nghĩ tôi là một kẻ vô trách nhiệm", một người viết.
Một người khác bình luận: "Tôi đã tranh luận gay gắt với mẹ về chuyện hôn nhân. Bà mắng tôi là kẻ không chín chắn và kém sâu sắc với cuộc sống khi không muốn kết hôn. Tôi nói thẳng với mẹ rằng giữa tôi và bà có một khoảng cách lớn".
Quan điểm mới về hôn nhân còn thể hiện bằng tỷ lệ kết hôn ngày càng giảm
Quan điểm mới về hôn nhân còn được phản ánh bằng tỷ lệ kết hôn và số lượng người kết hôn ngày càng giảm.
Theo cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc, tỷ lệ kết hôn ở quốc gia đông dân nhất thế giới giảm từ 9,9/1.000 người năm 2013 xuống 7,2/1.000 người năm 2018. Cụ thể, khoảng 13,47 triệu cặp đôi đăng ký kết hôn năm 2013, trong khi con số này năm 2018 giảm đáng kể chỉ còn 10,11 triệu.
Wang Jufen, một nhà nghiên cứu chuyên về sự phát triển của phụ nữ tại đại học Fudan, Thượng Hải, cho biết tỷ lệ kết hôn giảm cho thấy phụ nữ Trung Quốc được giáo dục tốt hơn và nhờ đó độc lập hơn về tài chính.
"Trong nhiều trường đại học, chúng ta thấy số nữ sinh đang nhiều hơn nam. Ngày càng nhiều các nữ ứng viên cho cấp học thạc sĩ hoặc tiến sĩ. Vì vậy, phụ nữ phần nào không còn lệ thuộc kinh tế vào nam giới như thế hệ trước", bà Jufen cho biết.
Nhưng bà Jufen lại chỉ ra rằng một phần nào đó của việc lệ thuộc vẫn hiển hiện trong lớp trẻ, lý giải vì sao nhiều nữ nhân viên văn phòng, công chức tại các thành phố lớn chưa lập gia đình. Nguyên nhân là do họ dành nhiều thời gian tìm một người bạn đời được giáo dục tốt hoặc giàu có để nương tựa thay vì một người bạn trai chưa xác định rõ tương lai.
An sinh xã hội cũng ảnh hưởng đến nhu cầu kết hôn, có con của người trẻ
Một mạng lưới an sinh xã hội mở rộng cũng làm giảm nhu cầu kết hôn của người trẻ Trung Quốc.
Gui Shixun, giám đốc viện nghiên cứu dân số thuộc đại học Đông Trung Quốc, cho rằng nhiều cặp đôi ngày xưa tiến tới hôn nhân, sinh con đẻ cái để sau này có người chăm sóc khi về già và cũng là làm tròn bổn phận duy trì nòi giống cho gia đình.
Nhưng giờ đây, bảo hiểm y tế cùng bảo hiểm xã hội được triển khai rộng khắp tới người dân ở các đô thị và nông thôn Trung Quốc nên việc kết hôn, có con để về già có người chăm sóc cũng không quá quan trọng như trước, ông Shixun cho hay.
"Khi kinh tế và xã hội phát triển nhanh chóng, quan điểm của người trẻ về việc lựa chọn bạn đời và kết hôn cũng thay đổi. Trước đây, mọi người cho rằng nếu bạn không có con cái tức là bạn bất hiếu với cha mẹ. Nhưng ngày nay, điều đó được chấp nhận", ông Shixun chia sẻ.
Một khảo sát của đoàn thanh niên cộng sản Trung Quốc năm 2018 cho thấy 70% người trẻ sẵn sàng chờ cho đến khi tìm được bạn đời ưng ý.
Số lượng các vụ ly dị ở Trung Quốc ngày càng tăng (ảnh minh họa)
Bên cạnh đó, số liệu thống kê quy mô quốc gia cho thấy ngày càng nhiều cặp vợ chồng "cơm chẳng lành, canh chẳng ngọt" ở Trung Quốc chuẩn bị ly dị. Số vụ ly dị ở Trung Quốc tăng từ 1,33 triệu vụ năm 2003 lên 4,37 triệu vụ năm 2017, theo bộ Nội vụ Trung Quốc.
Khảo sát năm 2016 của viện nghiên cứu Khoa học Xã hội, thuộc đại học Bắc Kinh nhận thấy 13,5% những người sinh sau năm 1980 sẽ ly dị sau 15 năm kết hôn. Tỷ lệ này gấp 3 lần so với tỷ lệ của thế hệ cha mẹ họ, Thepaper viện dẫn.
Theo Gui Shixun, tỷ lệ kết hôn thấp kéo theo tỷ lệ sinh thấp, đẩy Trung Quốc đến một xã hội già hóa và gây thêm áp lực cho lực lượng lao động.
Trung Quốc phải từ bỏ chính sách một con vào năm 2016 và đang xem xét giảm tuổi kết hôn cho nam và nữ để tăng tỷ lệ sinh.
Tuy nhiên, Mu Guangzong, một nhà nhân khẩu học thuộc đại học Bắc Kinh, cho rằng một thế hệ mới rất hạnh phúc với việc sống độc thân.
"Trí thông minh nhân tạo, kinh tế - văn hóa thịnh vượng và các dịch vụ xã hội thuận tiện hỗ trợ tối đa cho cuộc sống của những người độc thân. Hôn nhân không phải điều quá khẩn thiết với thế hệ trẻ này", Guangzong nói.
Dẫu vậy, nhà nhân khẩu học thuộc đại học Bắc Kinh vẫn nhắc tới mặt trái của việc sống độc thân, nổi bật nhất là việc thiếu sự gắn kết.
"Thật khó để tin một xã hội chỉ dựa vào những cá nhân riêng rẽ có thể ấm cúng và bền vững", Guangzong bày tỏ.
Nền kinh tế Trung Quốc đang phát triển mạnh mẽ và tầng lớp người giàu ở quốc gia này cũng có những vấn đề riêng rất...