Dân Việt

Trung Quốc phá giá đồng Nhân dân tệ: Xuất khẩu thủy sản có đáng lo?

Khánh Nguyên 12/08/2019 19:02 GMT+7
Chiến tranh thương mại Mỹ - Trung, Trung Quốc phá giá đồng Nhân dân tệ (NDT), cộng với những thay đổi trong chính sách nhập khẩu đã khiến nhiều doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản sang thị trường Trung Quốc lo lắng.

Tỷ giá NDT thấp nhất trong 10 năm qua

Lần đầu tiên, dưới sức ép gia tăng của cuộc chiến tranh thương mại Mỹ - Trung, Trung Quốc đã có động thái phá giá đồng nội tệ, khiến tỷ giá đồng NDT so với đồng đôla Mỹ (USD) đã rơi xuống mức thấp nhất trong 10 năm qua - ở mức 7NDT/USD.

Việc Trung Quốc hạ giá đồng NDT được coi là biện pháp trả đũa vì Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố áp thuế bổ sung 10% đối với 300 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc.

img

Ngư dân tỉnh Quảng Nam vừa đau đầu vì không thể xuất khẩu mực khô sang Trung Quốc do vướng quy định mới. Ảnh: Tư liệu

Nhưng, việc này lại khiến nhiều doanh nghiệp xuất khẩu nông sản của Việt Nam lo lắng. Thực tế, 6 tháng đầu năm 2019 đã ghi nhận sự sụt giảm đáng kể kim ngạch xuất khẩu nhiều mặt hàng nông sản chủ lực ở thị trường Trung Quốc.

Đơn cử như mặt hàng thủy sản, theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), kim ngạch xuất khẩu (XK) thủy sản sang Trung Quốc giảm nhẹ 2,3% đạt 572 triệu USD, trong đó, XK tôm giảm gần 5%, XK cá tra tăng gần 2%, XK cá ngừ tăng mạnh 183%. Cá tra đã vượt tôm, chiếm tỷ trọng cao nhất trong XK sang thị trường này với 44%, trong khi tôm chiếm 40%.

Theo VASEP, một trong những nguyên nhân khiến kim ngạch XK thủy sản sang Trung Quốc giảm là do đồng NDT liên tục bị phá giá và mất giá nhiều hơn so với mức mất giá của đồng VND trước đồng USD, sẽ tạo ra chênh lệch mất giá giữa đồng NDT so với VND là rất lớn. Vì thế, giá trị của VND so với NDT tăng lên. Trong trường hợp này, giá hàng hóa XK từ Việt Nam trong đó có các mặt hàng thủy sản sang Trung Quốc sẽ cao hơn, gây khó khăn cho việc XK của Việt Nam.

Trong khi đó, nước cạnh tranh XK lớn nhất của Việt Nam tại thị trường Trung Quốc (nhất là mặt hàng tôm) là Ấn Độ, đang có nguồn cung tôm giá rẻ hơn (nhờ lợi thế giá thành thấp hơn), trong khi đồng Rupee cũng bị phá giá sâu so với USD, nên chênh lệch mất giá với NDT ít hơn so với đồng VND. Do vậy, Ấn Độ sẽ đẩy mạnh XK sang Trung Quốc và Việt Nam sẽ bị áp lực cạnh tranh mạnh hơn.

Hiện Ecuador và Ấn Độ đang đứng đầu về XK tôm sang Trung Quốc, chiếm 75% khối lượng nhập khẩu tôm của nước này, trong khi Việt Nam chỉ đứng thứ 6, sau cả Thái Lan, Arhentina và Canada.

Theo dự báo của Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), xuất khẩu thủy sản trong quý III/2019 sẽ tiếp tục đối mặt với khó khăn do sự cạnh tranh gay gắt trên thị trường thế giới khiến giá thủy sản ở mức thấp. Các nước nhập khẩu ngày càng quan tâm đến chất lượng sản phẩm và đưa ra các rào cản kỹ thuật nhằm bảo vệ người tiêu dùng.

Cuối năm có phục hồi?

Không chỉ ảnh hưởng bởi sự mất giá của đồng NDT, XK thủy sản sang Trung Quốc còn bị ảnh hưởng bởi việc siết chặt thương mại mậu biên và kiểm soát chất lượng.

Theo thỏa thuận của cơ quan quản lý hai nước, thủy sản xuất nhập khẩu giữa hai nước cần phải đáp ứng 2 điều kiện: Một là sản phẩm thủy sản phải được sản xuất tại cơ sở có tên trong danh sách được phép XK do Cục Quản lý chất lượng nông, lâm, thủy sản (Nafiqad) công nhận. Điều kiện thứ hai là từng lô hàng thủy sản khi XK phải kèm theo Chứng thư an toàn thực phẩm do Nafiqad cấp.

Ngoài ra, hải quan Trung Quốc còn yêu cầu thủy, hải sản XK của Việt Nam phải nằm trong danh mục 120 loài đã được đánh giá và cho phép nhập khẩu vào Trung Quốc; phải có chứng nhận kiểm dịch; bao bì đóng gói phải có tiếng Trung và tiếng Anh…

Nhiều doanh nghiệp của Việt Nam không kịp thời đáp ứng, khiến nhiều mặt hàng lỡ nhịp. Đơn cử như mực khô, sản lượng XK sang Trung Quốc 6 tháng đầu năm 2019 giảm tới 80%. Thực tế này cho thấy, các doanh nghiệp Việt vẫn còn bị động với những thay đổi của thị trường.

Kim ngạch xuất khẩu thủy sản sang Trung Quốc giảm nhẹ 2,3%, đạt 572 triệu USD, trong đó, XK tôm giảm gần 5%, XK cá tra tăng gần 2%, XK cá ngừ tăng mạnh 183%. Dự kiến, năm 2019 kim ngạch XK sang Trung Quốc đạt 1,2 tỷ USD.

Trong cuộc họp với Cục Xuất, nhập khẩu, Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh cũng khẳng định, nếu các tỉnh và các doanh nghiệp cùng vào cuộc, tuân thủ hướng dẫn của Bộ NNPTNT thì xuất khẩu nông sản sang Trung Quốc có thể đã tốt hơn.

“Từ giữa năm 2018, Bộ Công Thương đã có công văn gửi 63 tỉnh, thành để cảnh báo về thủ tục trao đổi chính ngạch của Trung Quốc về nguồn gốc, vùng trồng, đăng ký nhà sản xuất, nhà xuất khẩu..., nhưng nhiều doanh nghiệp chủ quan, thờ ơ không triển khai theo yêu cầu xuất khẩu từ phía đối tác, nhất là thủy sản. Cho nên mới dẫn đến câu chuyện mực tồn ở Quảng Nam, cá nục tồn ở Quảng Trị” - ông Khánh dẫn chứng.

Nhu cầu tiêu thụ thủy sản của Trung Quốc được dự báo là vẫn tiếp tục tăng, đặc biệt chiến tranh Trung - Mỹ là cơ hội cho doanh nghiệp Việt tranh thủ một số thị phần tại thị trường này. Vì vậy, để tiếp tục duy trì XK sang thị trường này, VASEP khuyến cáo các doanh nghiệp cần nắm rõ quy định nhập khẩu vào thị trường Trung Quốc qua các kênh thông tin VASEP, Nafiqad và quan trọng nhất là cải thiện điều kiện cơ sở sản xuất thủy sản, nâng cao chất lượng an toàn thực phẩm.

Ưu tiên XK chính ngạch qua đường biển vì cước phí rẻ hơn trước, thuế nhập khẩu chính ngạch giảm và tránh được rủi ro về thanh toán vì không phải qua nhiều trung gian, cũng như tránh rủi ro về vệ sinh an toàn thực phẩm và chất lượng lô hàng.