Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm nay đã có kết quả, các trường ĐH, CĐ đã lần lượt công bố điểm trúng tuyển. Vậy mà “dư chấn” của kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2018 là vụ nâng điểm khủng cho một loạt thí sinh gây bão dư luận suốt năm qua, với những sai phạm rõ như 1+ 1= 2, thì việc xử lý vẫn “lúng túng như gà mắc tóc”, đặc biệt là với các vị phụ huynh có con được nâng điểm. Điều đó không chỉ khiến dư luận thêm bức xúc, mà còn hoài nghi việc thực thi pháp luật.
Hai tỉnh Hòa Bình, Sơn La mới đây có những đề xuất và kỷ luật với một số cán bộ có con được nâng điểm trong kỳ thi tốt nghiệp THPT năm ngoái. Nhưng cho đến nay, Hà Giang - nơi xảy ra vụ án có mức nghiêm trọng nhất, vẫn chưa thấy một hình thức nào được đưa ra với các vị phụ huynh có con được nâng điểm. Nhiều người thắc mắc, phải chăng vì vướng Bí thư Tỉnh ủy Triệu Tài Vinh cũng có con được nâng điểm khiến tập thể lãnh đạo ở đây lúng túng? Dù bất kể lý do gì, động thái này của lãnh đạo Hà Giang khiến dư luận buộc phải đặt câu hỏi: Họ thách thức dư luận và pháp luật đến bao giờ?
Công bố quyết định khởi tố đối với Phó giám đốc Sở GDĐT Hà Giang Phạm Văn Khuông (đứng, mặc áo sáng màu). Ảnh: Công an Hà Giang
Các vụ án này có rất nhiều điểm chung: Các thí sinh được nâng điểm phần lớn là con các vị quan chức; các đối tượng tham gia sửa bài được phân công nhiệm vụ rõ ràng, tổ chức bài bản; các bậc phụ huynh đồng loạt chối tội... Nhưng cũng có điểm khác biệt rất lớn. Nếu như hai tỉnh Sơn La, Hòa Bình, quan chức có con được nâng điểm, chức danh cao nhất cũng chỉ là người đứng đầu một ngành, thì ở Hà Giang có con của vị đứng đầu tỉnh - Bí thư Triệu Tài Vinh. Điều này khiến dư luận cho rằng, đó là nguyên nhân vì sao Hà Giang vẫn chưa thể xử lý được các vị phụ huynh có con được nâng điểm.
Hiện ông Triệu Tài Vinh đã chuyển công tác, liệu lãnh đạo mới ở Hà Giang có thể sớm giải được bài toán được cho là tế nhị này? Câu hỏi này phải đợi thời gian trả lời. Nhưng chắc chắn một điều, dù muốn hay không, lãnh đạo địa phương không thể không xử lý trách nhiệm các vị phụ huynh có con được nâng điểm, đặc biệt với các vị có chức có quyền. Vấn đề là xử lý thế nào mà thôi, nếu không minh bạch, còn dấu hiệu bao che, không chỉ Bí thư Tỉnh ủy mới ở Hà Giang sẽ mất uy tín với dư luận, mà còn ảnh hưởng chung đến niềm tin của công chúng với công cuộc chống tham nhũng hiện nay.
Mặt khác, việc xử lý với phụ huynh, không chỉ là lúng túng, quá chậm, mà cả cách thức tiến hành, mức xử khiến dư luận không thể hình dung nổi. Việc hàng trăm bài thi được sửa, được nâng điểm tới mức thí sinh đủ ngưỡng điểm vào tốp đầu của các trường đại học cho thấy hành vi gian lận được phân công rất bài bản, nên dễ hình dung phải có sự bảo kê. Phải chăng vì vậy, trừ ông Phạm Văn Khuông (Phó giám đốc Sở GDĐT Hà Giang) “dại dột” thừa nhận có nhờ cấp dưới sửa bài, nâng điểm cho con mình và đã bị khởi tố, còn lại tất cả đều thoát tội, bởi đơn giản, họ cho rằng “không can thiệp nâng điểm thi cho con”, bất chấp cả những đối tượng “bán điểm” thừa nhận đã nhận tiền của một số người và đã nộp cho cơ quan điều tra (!?). Thậm chí, ông Triệu Tài Vinh còn đưa ra giả thiết, có kẻ “gắp điểm bỏ tay người” để hại lãnh đạo.
Và như vậy, về bản chất, cùng hành vi can thiệp để nâng điểm cho con, nhưng người thì bị khởi tố, người bị đề nghị kỷ luật khá nhẹ nhàng và thậm chí nhiều người vẫn chưa bị xem xét kỷ luật gì. Vậy, xử lý như thế liệu có công bằng và dư luận còn tin vào công lý?
Tất nhiên, các cơ quan tiến hành tố tụng phải rất thận trọng nhằm tránh oan sai. Nhưng một loạt vị trí chủ chốt trong Hội đồng thi không thể cùng nhau “dại dột” vi phạm nghiêm trọng luật pháp để... đi tù. Do đó, nếu không đủ chứng cứ để xử lý hình sự như ông Khuông về tội lợi dụng ảnh hưởng đối với người có chức vụ, quyền hạn để trục lợi, quy định tại điều 366 Bộ luật Hình sự, thì các vị phụ huynh cần phải bị xử lý nghiêm khắc hơn, chứ không thể chỉ dừng ở mức hạ bậc lương, không xét thi đua hoặc nặng nhất là cảnh cáo như đã xử lý. Do đó, với dư luận, những vị phụ huynh này nếu chưa đủ chứng cứ để xử lý hình sự thì cũng không còn đủ tư cách để tại vị.