2,3 triệu LĐNT được dạy nghề
Sau 10 năm triển khai dạy nghề theo Đề án 1956, ngành nông nghiệp đã triển khai tổ chức đào tạo được trên 2,3 triệu LĐNT. Riêng giai đoạn 2016-2020, Đề án đặt mục tiêu đào tạo nghề cho 1,6 triệu LĐNT và hoàn thành tới 82% mục tiêu đào tạo.
Lao động nông thôn đang bị già hóa (ảnh chụp Lâm Đồng). Ảnh: Nguyệt Tạ
"Thực hiện đổi mới dạy nghề, dạy nghề linh hoạt, khuyến khích thanh niên, nông dân trẻ ở nông thôn, những người mới lập nghiệp thành lập trang trại, doanh nghiệp mới tham gia các khóa đào tạo và có cơ chế chính sách hỗ trợ khởi nghiệp”. Ông Trần Thanh Nam |
Trong hội thảo nâng cao chất lượng, hiệu quả đào tạo nghề nông nghiệp cho LĐNT do Bộ NNPTNT tổ chức, ông Lê Đức Thịnh - Cục Trưởng Cục Kinh tế hợp tác và phát triển nông thôn cho biết, qua 10 năm (từ năm 2009 - 2019) triển khai dạy nghề cho LĐNT (Đề án 1956), tỷ lệ lao động sau học nghề có việc làm mới hoặc tiếp tục làm nghề cũ nâng cao thu nhập đạt trên 90%. Nông dân sau khi học nghề nông nghiệp đã áp dụng được kỹ năng mới vào sản xuất. Nhiều lao động sau học nghề đã mạnh dạn chuyển đổi cây trồng, vật nuôi có giá trị kinh tế cao, đem lại thu nhập gấp 3 - 4 lần trước đây.
Bên cạnh những thành tựu, lãnh đạo Bộ NNPTNT cũng chỉ rõ hạn chế việc dạy nghề. Ví dụ, dạy nghề chưa đáp ứng được nhu cầu tái cơ cấu nông nghiệp, nhiều nơi hoạt động dạy nghề chưa tính tới sự thay đổi và thích ứng với biến đổi khí hậu, thiên tai dịch bệnh. Đặc biệt, hiện nay, công tác đào tạo nghề chưa đáp ứng được chuẩn đào tạo theo tiêu chuẩn quốc tế trong nước. Lao động nông nghiệp chưa xây dựng được kỹ năng ngành thiết yếu, chưa có tính liên kết giữa các khâu đào tạo, tạo việc làm... do đó, chưa nâng cao chuỗi giá trị sản xuất nông nghiệp. Đặc biệt, khó khăn lớn nhất là hiện nay, một bộ phận lớn lao động trẻ đã không còn hứng thú với làm nông nghiệp. Vì vậy, họ chấp nhận đi làm công nhân ở khu công nghiệp, dù công việc không ổn định, thu nhập cũng không cao.
Đào tạo theo chuỗi
Để khắc phục những khó khăn, đẩy mạnh công tác dạy nghề cho LĐNT, Bộ NNPTNT chú trọng tới việc sắp xếp cơ cấu đào tạo nghề cho lao động làm nông nghiệp và dạy nghề nông nghiệp để lao động trẻ khởi nghiệp ở nông thôn.
Ông Trần Thanh Nam - Thứ trưởng Bộ NNPTNT cho biết, Bộ đã định hướng với các địa phương phối hợp với các trường đào tạo thực hiện dạy nghề theo tỷ lệ 50-30-20. Tức là 50% đào tạo cho lao động làm trong vùng nguyên liệu của các doanh nghiệp, 20% đào tạo cho lao động trong các hợp tác xã và trang trại, 30% đào tạo cho an sinh xã hội nông thôn.
TS Đào Thế Anh - Hội Khoa học phát triển nông thôn (PHANO) cho rằng, hiện nay, chúng ta mới chỉ chú trọng dạy nghề cho LĐNT để họ làm nông nghiệp thuần túy chứ chưa có sự liên kết, đổi mới trong dạy nghề.
“Lao động cần được đào tạo kỹ năng làm nông nghiệp công nghệ cao tại Việt Nam và thế giới. Đào tạo quản lý, quản trị chuỗi giá trị nông sản, xây dựng, tiếp cận thị trường; đào tạo quản lý thương hiệu cộng đồng, cách làm thương hiệu, truy xuất nguồn gốc...” - ông Thế Anh nói.
PGS-TS Phạm Văn Cường - Phó giám đốc Học viện Nông nghiệp Việt Nam cũng cho rằng: “Thực tế hiện nay, nhiều lao động trẻ nông thôn không thích làm nông nghiệp, nên không có nhu cầu học nghề. Họ thà đi làm công nhân dù biết công việc đó vất vả, không ổn định và thu nhập thấp, chứ nhất định không làm nông nghiệp. Trên những cánh đồng chỉ còn lao động già, người già đi học nghề. Vấn đề là phải truyền thông để thay đổi nhận thức của lao động trẻ, để họ yêu nông nghiệp, sau đó là có cơ chế hỗ trợ tích cực việc đào tạo nghề gắn với khởi nghiệp nông nghiệp cho nhóm lao động này” - ông Cường phân tích.
Thứ trưởng Nam cho biết thêm, thời gian tới, việc dạy nghề nông nghiệp sẽ chuyển hướng sang chuyên môn hóa, chuyên nghiệp hóa. Bên cạnh đó, đào tạo về kỹ năng sử dụng máy móc cơ giới hóa đồng ruộng, chế biến nông sản, công nghệ 4.0, nghề quản lý trang trại, doanh nghiệp, hợp tác xã, kế toán trong lĩnh vực nông nghiệp.
“Đặc biệt, thực hiện đổi mới dạy nghề, dạy nghề linh hoạt, khuyến khích thanh niên, nông dân trẻ ở nông thôn, những người mới lập nghiệp thành lập trang trại, doanh nghiệp mới tham gia các khóa đào tạo và có cơ chế chính sách hỗ trợ khởi nghiệp” - ông Nam nói.