Chương trình nhỏ, ý nghĩa lớn
Năm nào cũng vậy, khi bước vào mùa vụ sản xuất mới, bà con nông dân các dân tộc trên địa bàn huyện Mộc Châu lại canh cánh nỗi lo không có tiền mua phân bón, thậm chí nhiều hộ phải chấp nhận mua chịu ở các đại lí bán lẻ với giá cao.
Nắm bắt được tình hình đó, Hội ND huyện Mộc Châu đã phối hợp Công ty CP Supe Phốt phát và Hóa chất Lâm Thao triển khai chương trình cung ứng phân bón theo phương thức trả chậm, góp phần giúp bà con giảm chi phí sản xuất nông nghiệp, tăng thu nhập cho hội viên nông dân.
Phân bón Công ty Supe và Hóa chất Lâm Thao được hội viên nông dân Mộc Châu rất ưa chuộng. Ảnh: Hà Hoàng
"Thời gian tới, chúng tôi dự định sẽ tiếp tục phối hợp Công ty CP Supe Phốt phát và Hóa chất Lâm Thao hỗ trợ bà con nhiều hơn nữa trong khâu sử dụng phân bón, đồng thời xây dựng và phát triển Quỹ Hỗ trợ nông dân đi vào hoạt động có hiệu quả, tạo điều kiện cho hội viên, nông dân phát triển kinh tế, từng bước nâng cao thu nhập, ổn định đời sống và vươn lên làm giàu”. Ông Lường Văn Quynh |
Trao đổi với phóng viên, ông Lường Văn Quynh - Chủ tịch Hội ND huyện Mộc Châu cho biết: Nhằm giúp các hội viên yên tâm sản xuất, phát triển kinh tế và vươn lên làm giàu ở địa phương, ngay từ đầu năm, Hội đã chủ động phối hợp Công ty Lâm Thao tổ chức hỗ trợ cho các hội viên đăng ký mua phân bón trả chậm phục cụ sản xuất năm 2019.
Đến thời điểm này, Hội đã cung ứng được hơn 200 tấn phân bón trả chậm các loại cho hội viên nông dân.
“Được công ty chở phân bón về tận nơi, đúng chủng loại với chất lượng đảm bảo, các hội viên đều phấn khởi vì không còn phải lo chạy khoản tiền phân bón khi vào vụ như trước nữa. Đặc biệt, mua theo chương trình này, bà con còn được hưởng mức giá phân bón rất cạnh tranh so với thị trường vì không phải qua nhiều đại lý trung gian” – ông Quynh nói thêm.
Trước kia, cứ đầu vụ sản xuất, bà Lường Thị Phong ở bản Nà Dọi 1 (xã Tân Lập, Mộc Châu) phải chạy vạy vay mượn khắp nơi để có tiền mua phân bón. Nhưng từ khi có Công ty CP Supe Phốt phát và Hóa chất Lâm Thao cung ứng phân bón trả chậm, bà Phong thấy thoải mái và yên tâm hơn hẳn.
“Gia đình tôi trồng chanh leo trên diện tích 3.000m2, lúc nào cũng phải tính chi phí mua phân bón đầu vụ. Có thời điểm kinh tế khó khăn quá, tôi phải đến các đại lý mua chịu, nhưng phải cam kết cuối năm bán nông sản cho họ chứ không được bán cho các thương lái khác, vì vậy mà gia đình tôi thường hay bị ép giá. Nay nhờ có chương trình mua phân bón trả chậm nên gia đình tôi chỉ cần đem phân bón về, tập trung chăm sóc cho chanh sai quả. Tiền phân bón cuối vụ mới phải trả mà giá mua vẫn không hề tăng” - bà Phong nói.
Lan tỏa…
Nhận thấy chương trình đem lại hiệu quả thiết thực, thời gian gần đây, có hàng trăm hộ nông dân ở huyện Mộc Châu đăng ký tham gia mua phân bón trả chậm qua Hội ND huyện. Theo đó, bà con sẽ được mua đúng với giá niêm yết của công ty và chỉ phải thanh toán tiền vào cuối vụ, khi nông sản đã được thu hoạch.
Ghi nhận tại các xã thực hiện mô hình cung ứng phân bón trả chậm trên địa bàn Mộc Châu, các hội viên nông dân đều bày tỏ mong muốn các cấp Hội cần tiếp tục thực hiện mô hình này lâu dài hơn nữa, qua đó góp phần giảm chi phí sản xuất nông nghiệp, tăng thu nhập cho hội viên nông dân, xóa đói giảm nghèo bền vững ở địa phương.
Ông Lê Trường Sinh ở tiểu khu 30/4 (xã Chiềng Sơn) chia sẻ: Bây giờ trồng cây ngô, hay cây ăn quả mà không bón phân thì hiệu quả, năng suất rất thấp, trong khi nhiều lúc chúng tôi rất bí vốn, không biết “xoay” đâu ra tiền mua hàng tấn phân bón lúc đầu vụ. Khi biết Hội ND xã có mô hình bán phân bón trả chậm, gia đình tôi đăng ký tham gia ngay. Nhờ vậy, vườn cây ăn quả của gia đình tôi được chăm sóc kịp thời, phát triển rất tốt, mỗi năm cho thu nhập hơn 200 triệu đồng.
Ông Lường Văn Quynh thông tin thêm: Tham gia chương trình mua phân bón trả chậm, hội viên nông dân được cung cấp nhiều loại phân bón chất lượng cho cây trồng như: Kali, NPK, urê… Các loại phân bón này sẽ được công ty đưa về tận các xã, sau đó sẽ chuyển tới hội viên nông dân theo giá niêm yết của nhà máy tại thời điểm cung ứng.
Công ty sẽ chịu trách nhiệm về số lượng, chất lượng và giá cả của các loại phân bón; Hội ND đứng ra tín chấp để hội viên nông dân mua phân bón trả chậm và có trách nhiệm thu đủ tiền để hoàn trả công ty sau khi nông dân thu hoạch sản phẩm nông nghiệp vào cuối vụ.
“Trước đây, việc mua phải phân bón giả, phân bón kém chất lượng đã gây thiệt hại không nhỏ cho người dân. Phát huy vai trò của các cấp Hội ND, chương trình cung ứng phân bón trả chậm đã góp phần hạn chế tối đa tình trạng người sản xuất mua phải phân bón không bảo đảm chất lượng. Chúng tôi cũng đã phối hợp với Công ty CP Supe Phốt phát và Hóa chất Lâm Thao tổ chức 8 hội nghị cấp xã với 400 người tham gia, nhằm tập huấn kỹ thuật bón phân và chuyển giao khoa học kỹ thuật cho các hội viên” - ông Quynh cho biết.