Dân Việt

Ai là thủ phạm vứt xác heo chết bừa bãi ra môi trường ở Đồng Nai?

Nguyễn Vy 14/08/2019 13:57 GMT+7
Theo Phòng NNPTNT huyện Thống Nhất, tỉnh Đồng Nai, thương lái và trại chăn nuôi gia công cho công ty chăn nuôi lớn là 2 đối tượng chính đã lén lút vứt xác heo chết ra môi trường thời gian gần đây.

img

Tình trạng vứt xác heo chết ra môi trường xuất hiện liên tục ở Đồng Nai từ cuối tháng 7 tới nay

Tình trạng vứt xác heo chết ra môi trường xuất hiện liên tục ở Đồng Nai từ cuối tháng 7 tới nay. Một số người kém ý thức không chỉ vứt xác heo chết xuống sông suối mà còn lén bỏ vào các lô cao su. Nhiều con heo chết do kích thước quá lớn, không bỏ được vào bao thì bị vứt luôn ra đất.

Ông Ngô Thanh Tùng - Trưởng phòng NNPTNT huyện Thống Nhất cho biết, thời gian qua, địa phương gặp rất nhiều khó khăn trong việc ngăn chặn, xử lý tình trạng này. Những người vứt lén lút thường chọn thời điểm ban đêm, trời mưa để vứt xác heo nên rất khó khăn trong kiểm tra, xử lý.

img

Không chỉ vứt xác heo chết xuống sông suối mà còn lén bỏ vào các lô cao su

Ngành chức năng huyện Thống Nhất đã khoanh vùng các đối tượng nhiều khả nghi chính là trại nuôi gia công cho các công ty chăn nuôi lớn và các thương lái có heo bị chết trong quá trình thu mua, vận chuyển heo.

Kiểm tra thực tế, ông Tùng cho biết, các xác heo chết đều thấy có dấu bấm lỗ tai. Đây là dấu hiệu đầu tiên của heo chăn nuôi gia công cho công ty chăn nuôi. Cùng với thương lái, đối tượng này không nằm trong diện hỗ trợ của Nhà nước nên khi xảy ra dịch tả heo châu Phi thường lén lút vứt xác heo không xử lý để giảm chi phí.

“Khi bị dịch tả heo châu Phi, con heo là cơ sở để nhà nước tính toán mức hỗ trợ nên không ai vứt xác heo đi cả. Chưa kể nhà nước cũng đã hỗ trợ luôn chi phí tiêu hủy đối với các hộ chăn nuôi có heo chết vì dịch bệnh”, ông Tùng giải thích.

img

Cơ quan chức năng phát hiện và xử lý chôn lấp.

Tuy nhiên, ông Tùng cũng cho biết trên địa bàn có đến hàng trăm trang trại nên việc kiểm soát gặp khá nhiều khó khăn. Ngoài việc bố trí lực lượng thường xuyên kiểm tra và kịp thời xử lý khi phát hiện, huyện vẫn chưa có giải pháp nào hữu hiệu để ngăn chặn triệt để tình trạng này.

Được biết, khung xử phạt đối với hành vi vứt xác động vật ra môi trường theo Nghị định 90 của Chính phủ về xử phạt hành chính trong công tác thú y chỉ dừng ở mức 5 - 7 triệu đồng. Nhiều người cho rằng mức phạt này chưa đủ sức răn đe.

img

Chôn lấp vẫn là biện pháp tối ưu hiện nay

Hôm qua, ngày 13/8, Trưởng phòng NNPTNT huyện Thống Nhất cho biết, cơ quan chức năng của địa phương đã tiến hành xử phạt hành chính đối với 2 trường hợp có hành vi vứt xác heo chết chưa qua xử lý ra môi trường.

Cả 2 trường hợp bị xử phạt là 2 thương lái có hành vi vứt xác heo chết trong quá trình thu mua, vận chuyển. Cơ quan chức năng của huyện Thống Nhất đã xử phạt với số tiền 5 triệu đồng với mỗi trường hợp nói trên.

Theo ông Nguyễn Văn Quang – Chi Cục trưởng Chi cục Chăn nuôi thú y Đồng Nai, xác heo vứt ra môi trường phần lớn là chết vì nguyên nhân truyền nhiễm. Trong điều kiện dịch bệnh đang bùng phát mạnh, thời tiết giữa mùa mưa, việc vứt xác heo chết vô ý thức như thế là rất nguy hiểm.

img

Hành vi thiếu ý thức của một bộ phận người chăn nuôi không chỉ gây ô nhiễm môi trường mà còn tiềm ẩn nguy cơ lây lan dịch bệnh.

Xác heo chết không chỉ gây ô nhiễm môi trường mà còn tiềm ẩn nguy cơ lây lan dịch bệnh. Đặc biệt, do vi rút dịch tả heo châu Phi sống rất lâu ngoài môi trường nên việc vứt xác heo chết bừa bãi càng làm tăng nguy cơ loại vi rút này trú ẩn trong môi trường và bùng phát về sau.

Ông Quang cho biết bên cạnh biện pháp tăng cường kiểm tra, xử phạt, ngành chức năng vẫn phải tiếp tục vận động nâng cao ý thức người chăn nuôi để chấm dứt tình trạng này.