Ngày 14/8, thông tin mà Dân Việt nắm được, Nguyễn Kim Hưng (tức Hưng “kính”, trùm bảo kê chợ Long Biên, TP. Hà Nội) vừa tử vong ở Bệnh viện Đa khoa Hà Đông (Hà Đông, TP.Hà Nội).
Cụ thể, bị án Nguyễn Kim Hưng nhập viện Đa khoa Hà Đông vào 23h đêm qua (13/8).
Bị cáo Nguyễn Kim Hưng, tức Hưng "kính".
Hưng “kính” nhập viện với chẩn đoán xơ gan. Sau quá trình điều trị tích cực, Hưng “kính” không qua khỏi. “Nguyễn Kim Hưng được xác định tử vong vào 11h giờ trưa nay” – nguồn tin cho biết.
Hưng “kính” được xác định là trùm bảo kê chợ Long Biên trong thời gian dài. Trong quá trình làm việc, đối tượng này đã khiến nhiều tiểu thương bức xúc vì những hoạt động cản trở, o ép tiểu thương của mình.
Hưng ‘kính”, bị cáo đã bị xét xử trong vụ án hình sự nhưng qua đời, vậy luật quy định thế nào về trách nhiệm pháp lý đối với trường hợp này?
Luật sư Nguyễn Anh Thơm (Đoàn luật sư TP. Hà Nội) cho biết, theo quy định của pháp luật, nếu một án tuyên đã có hiệu lực pháp luật mà người thi hành qua đời thì sẽ đình chỉ việc thi hành án đối với người đó.
“Hưng “kính” đã bị tuyên 4 năm tù giam nhưng bây giờ qua đời, bị cáo này sẽ được đình chỉ việc thi hành án. Nếu trước đó, sau khi bản án sơ thẩm tuyên mà Hưng “kính” có đơn kháng cáo thì giờ cũng sẽ đình chỉ việc xét xử phúc thẩm đối với người này” – luật sư Thơm thông tin.
Ngoài ra, cũng theo sư Thơm, việc đình chỉ thi hành án chỉ áp dụng đối với Hưng “kính”, còn với những bị cáo khác trong vụ án vẫn phải chấp hành hình phạt theo bản án sơ thẩm đã tuyên.
Sau 15 ngày sau khi bản án sơ thẩm được tuyên, các bị cáo khác nếu có đơn kháng cáo, tới đây tòa sẽ tiếp tục xét xử phúc thẩm.
Trước đó, ngày 26/7, TAND TP Hà Nội đã tuyên án vụ án cưỡng đoạt tài sản xảy ra tại chợ Long Biên (Hà Nội).
Các bị cáo Nguyễn Kim Hưng (tức Hưng 'kính', tổ trưởng tổ bốc dỡ hàng hóa số 2 chợ Long Biên), Nguyễn Hữu Tiến (tức Tiến 'hói'), Lê Thanh Hải (tức Hải 'gió'), Nguyễn Mạnh Long (tức Long 'cao') và Dương Quốc Vương (tức Vương 'lợn') bị đưa ra xét xử về tội cưỡng đoạt tài sản.
Tòa xác định, dưới danh nghĩa nhân viên tổ bốc dỡ số 2, Hưng "kính" đã chỉ đạo Vương, Hải, Long chèn ép, gây khó khăn, đe dọa… hộ kinh doanh của anh Hà, chị Nga.
Nhóm của Hưng không cho xe của vợ chồng chị Nga đỗ, cho nhân viên lái xe đỗ chắn trước kiôt, kéo cá thối để cạnh kiôt của chị Nga, không cho nhân viên của vợ chồng chị Nga bốc dỡ hàng hóa nhưng anh chị vẫn phải trả tiền bốc dỡ cho nhóm này…
Hành vi của các bị cáo là đặc biệt nghiêm trọng, gây bất bình cho các hộ kinh doanh nói chung và nhân dân nói riêng. Các bị cáo nhận thức đầy đủ pháp luật nhưng vẫn cố ý phạm tội.
Tòa án tuyên phạt bị cáo Hưng 4 năm tù, phạt bổ sung 30 triệu đồng; bị cáo Tiến 36 tháng tù; các bị cáo Hải, Long và Vương cũng bị tuyên 42 tháng tù theo đúng tội danh bị truy tố.