Tổng thống Mỹ Trump và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un.
Kể từ đầu năm ngoái đến nay, mối quan hệ giữa Mỹ và Triều Tiên thuộc diện những cặp quan hệ song phương trên thế giới diễn biến bất ngờ nhất và đặc biệt nhất. Hai nước này thù địch nhau dai dẳng suốt nhiều thập kỷ với không ít lần xô đẩy nhau đến bên bờ vực của đụng độ quân sự trực tiếp và thậm chí còn cả chiến tranh với nhau nhưng rồi bất ngờ và nhanh chóng gây dựng được tiến trình đàm phán hoà bình và hoà giải trực tiếp với nhau. Tổng thống Mỹ Donald Trump và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un thậm chó còn đã 3 lần gặp nhau.
Vướng mắc giữa hai nước là tình trạng chiến tranh tuy đã chấm dứt trên thưc tế từ năm 1953 nhưng vẫn tồn tại trên danh nghĩa, tức là hai bên vẫn chưa có được với nhau hiệp ước hoà bình và bán đảo Triều Tiên vẫn bị chia cắt. Vướng mắc giữa hai nước là không có sự nhìn nhận và đánh giá như nhau về chương trình tên lửa và hạt nhân của Triều Tiên cũng như về mối quan hệ đồng minh quân sự chiến lược đã trở thành truyền thống giữa Mỹ và Hàn Quốc cũng như về những hoạt động quân sự chung giữa hai nước này và sự hiện diện của 28500 binh lính Mỹ cùng khối lượng lớn vũ khí, thiết bị chiến tranh hiện đại trên lãnh thổ Hàn Quốc. Bên này coi cái của bên kia là mối đe doạ an ninh, coi hoạt động và hành động của bên kia là khiêu khích và chuẩn bị chiến tranh tấn công, đe doạ sự tồn tại của chế độ, chẳng khác gì kẻ thù không đội trời chung với nhau.
Cho nên không có gì là khó hiểu khi mục đích của Mỹ là Triều Tiên chấm dứt chương trình hạt nhân và tên lửa, không sở hữu vũ khí hạt nhân và tên lửa có khả năng mang đầu đạn hạt nhân. Còn Triều Tiên muốn Mỹ chấm dứt mọi hoạt động quân sự chung với Hàn Quốc và dỡ bỏ hoàn toàn những biện pháp cấm vận và trừng phạt Triều Tiên. Hai bên ý thức được rằng phải đáp ứng những yêu cầu này của nhau thì mới đạt được thoả thuận hoà bình. Vấn đề chỉ là hai bên chưa tin nhau - bất chấp đã có 3 cuộc gặp và nhiều lần trao đổi thư riêng giữa ông Trump và ông Kim Jong-un - nên không bên nào sẵn sàng đi bước trước trong nhượng bộ nhau. Vấn đề chỉ là Mỹ và Triều Tiên cho tới nay vẫn thiếu vắng sự nhất trí cần thiết về lộ trình thoả hiệp với nhau cả trên phương diện thời gian lẫn mức độ.
Giữa Mỹ và Triều Tiên giờ không còn là cuộc chơi về chiến lược nữa bởi hai lý do. Thứ nhất, bên này không còn lạ lẫm gì về chiến lược chung của bên kia. Thứ hai, mọi chiến lược được cả hai vận dụng cho tới nay đều không giúp cả hai đạt được mục tiêu đề ra. Cả hai đều đã lộ diện hết mọi con chủ bài. Họ đấu nhau bây giờ chỉ là khi nào chơi con chủ bài nào ở mức độ nào. Cuộc đấu giữa họ bây giờ chỉ là cuộc đấu sách lược.
Nhìn nhận như thế sẽ lý giải được những diễn biến gần đây nhất trong cặp quan hệ song phương này. Sẽ thấy được vì sao Mỹ và Hàn Quốc vẫn tiếp tục tập trận chung và Triều Tiên lại phóng tên lửa, sẽ hiểu vì sao Triều Tiên lại phóng tên lửa, thậm chí 5 lần liên tiếp trong khoảng thời gian ngắn như vừa rồi mà phía Mỹ lại phản ứng như không có chuyện đặc biệt gì đã xảy ra và sẽ có được lời giải thích vì sao ông Kim Jong-un vừa tỏ ta làm găng với Mỹ và Hàn Quốc lại vừa chủ động viết thư gửi ông Trum. Cũng còn sẽ lý giải được vì sao ông Trump luôn tỏ ra phấn khích về những bức thư của ông Kim Jong-un và công khai tiết lộ nhiều nội dung quan trọng trong đó.
Sách lược của họ là nứu kéo nhau vào tiến trình hoà bình và hoà giải, là chọn thời điểm để tỏ thái độ hờn dỗi nhau và rồi giải thích và thề thốt với nhau. Sách lược của họ là kết hợp vừa răn đe nhau vừa tranh thủ nhau, vừa làm như sẵn sàng buông bỏ lại vừa nỗ lực duy trì tiến trình hoà bình và hoà giải. Sách lược của họ là đáp trả nhau ở bên này của giới hạn chứ không vượt quá giới hạn.
Cái tích cực ở cuộc đấu sách lược này là mọi động thái và bước đi của các bên liên quan không làm cho tình hình chính trị an ninh chung ở khu vực và mối quan hệ giữa họ với nhau không trở lại mức độ đối địch và căng thẳng như thủa trước. Cái không được tích cực ở đây là cứ tiếp tục như thế thì các bên liên quan chỉ dền dứ nhau chứ không tiến triển được, vẫn dậm chân tại chỗ chứ không bước đi tiếp được, cứ lặp đi lặp lại mô thức hành xử chứ không gây dựng được bước chuyển mang tính đột phá và cơ bản. Mà nếu cứ tiếp tục như hiện tại thì không phải Triều Tiên mà Mỹ mới là bên được lợi nhiều hơn.