Lớp cây trồng năm 2008 của Công ty TNHH MTV Cao su Chư Prông bây giờ đã lên cao quá 3m, tăm tắp....
“Vạn sự khởi đầu nan” mùa cao su tiên phong năm ấy, công ty còn phải vượt qua cả núi thủ tục. Gọn ghẽ, không một điều tiếng từ đền bù đất cho dân, tuyển dụng lao động đến các yêu cầu phát triển dân sinh…
Hàng tuần liền Tổng Giám đốc Phan Sĩ Bình ở luôn tại hiện trường để chỉ đạo công việc, quyết tại chỗ những yêu cầu, vướng mắc. Nhân ấy và bây giờ là quả ấy. Trên 2.000ha cao su đã mọc lên trên triền đất dữ của 3 xã Ia Boòng, Ia Mơr, Ia Puch. 240 con người đã giã từ quá khứ đói nghèo để bước vào cuộc sống mới với tất cả niềm tin và hy vọng đang chờ phía trước…
Nhân hòa thắng đất dữ
Mùa trồng mới cao su năm 2011 ngỡ sẽ thuận lợi sau những “khởi đầu nan” ấy thì lại nổi lên khó khăn mới: Khu vực biên giới Chư Prông hiện có đến 9 công ty được giao đất trồng cao su. Lực lượng lao động cần đến hàng ngàn người.
Riêng Công ty TNHH MTV Cao su Chư Prông, với gần 1.000ha trồng mới, lao động cần tuyển là 300. Một cuộc cạnh tranh để thu hút lao động diễn ra ngấm ngầm và phần thắng sẽ đến với ai có chính sách ưu việt nhất. Tuy chưa đủ nhu cầu song với 152 lao động tuyển được đợt này cũng đủ nói lên sự thiện cảm của họ đối với công ty. Xã Ia Mơr chỉ có hơn 1.000 nhân khẩu thì đã có gần 200 lao động xin vào công ty…
Hỏi chuyện ông Phạm Ngọc Kiểm - Trưởng phòng Hành chính – Tổ chức mới hay: Chẳng phải ngẫu nhiên để có được sự thiện cảm ấy. Lao động nào được tuyển, tức khắc sẽ được hưởng ngay chế độ bảo hộ lao động giá trị gần 1 triệu đồng. Ngoài ra họ còn được một bữa ăn trưa tại hiện trường. Ai có nhu cầu xây dựng nhà cửa, công ty sẽ hỗ trợ…
Từ làng đến địa điểm sản xuất của Nông trường mới An Biên phải trên 15km. Thế nhưng làng đã có đến 50 người xin tuyển vào công nhân. Làng Klũ còn xa hơn cả chục cây số. Rơ Mah Thanh ở làng này nhà đông anh em, cha già yếu, học được đến lớp 10 thì phải nghỉ. Nhưng là một thanh niên giàu ý chí, Thanh đã năng nổ hoạt động trong phong trào Đoàn và đã được kết nạp vào Đảng. Hỏi sao lại xin đi làm công nhân, Thanh trả lời rất tự tin: “Đi công nhân, cuộc sống khá hơn, điều kiện để mình phấn đấu rộng mở hơn”…
Chân trời cao su mới
Tôi cầm trong tay đề án đầu tư của công ty với cái tên “Trồng cao su trên đất rừng được phép chuyển đổi tại các xã Ia Boòng, Ia Puch, Ia Mơ”. Theo đó, với diện tích có khả năng trồng cao su được giao, mỗi năm Công ty sẽ thu về hơn 100.000 tấn mủ quy khô, nộp ngân sách Nhà nước gần 600 tỷ đồng. 1.200 lao động tại chỗ (trong đó hơn 70% là đồng bào dân tộc thiểu số) sẽ được tạo công ăn việc làm, thu nhập ổn định… Như thế có nghĩa là một chân trời cao su mới, một quần tụ dân sinh mới sẽ ra đời…
Chưa đến ngày định hình nhưng nét phác cơ bản đã lên khung: Hai nông trường mới đã được thành lập với quy mô mỗi nông trường 1.500ha cao su. Cơ sở hạ tầng đã được công ty đầu tư xây dựng gồm: 35km đường lô và liên lô; hệ thống điện sinh hoạt trị giá hơn 800 triệu đồng; 5 khu nhà tập thể cho công nhân. Ngoài ra, thực hiện nghĩa vụ của một đơn vị kinh tế đứng chân trên địa bàn, từ năm 2008 đến này, công ty đã hỗ trợ tài chính và vật chất trị giá hơn 3 tỷ đồng cho các địa phương…
Hết mùa trồng mới, chiều biên giới lắng lại một cái gì thật tĩnh lặng. Rời vùng đất dữ đang hóa lành trong mỗi giọt xanh cứ từng ngày nhẫn nại lan trên từng khoảnh đất, lòng tôi chợt thấy bâng khuâng…
Ngọc Tấn