Khao khát đưa công nghệ đỉnh cao về Việt Nam
“Mỗi ngày ở Việt Nam có 300 người chết vì ung thư và 450 ca mắc mới. Căn bệnh như án tử treo trên đầu hàng vạn gia đình. Tôi hi vọng liệu pháp miễn dịch ung thư mình theo học có thể trở thành liệu pháp thay thế xạ trị truyền thống, mở ra rất nhiều cơ hội cho những bệnh nhân ung thư”.
Đó là chia sẻ của Tô Thị Vân (26 tuổi), một trong 18 nhân tài trẻ người Việt vừa được nhận học bổng toàn phần của Tập đoàn Vingroup. Vân sẽ theo học chương trình Tiến sĩ Sinh học tế bào và tế bào gốc tại Đại học Monash - Úc.
Vân “chinh phục” hội đồng xét tuyển học bổng với với tiêu chuẩn khắt khe, không chỉ nhờ bảng thành tích vượt trội: Sinh viên xuất sắc nhất ĐH Y Hà Nội (2015), tốt nghiệp Thạc sĩ Khoa học và Công nghệ sinh học Chonnam National University (Hàn Quốc) với số điểm 9,8/10… mà cô gái gốc Nghệ An còn thể hiện rõ mục tiêu “học để làm gì” ngay từ khi nộp đơn xét học bổng.
Bước ra từ giải Nobel Y khoa 2018, điều trị ung thư bằng cơ chế ức chế miễn dịch âm tính là bước ngoặt trong việc chữa ung thư - vốn được xem là bệnh nan y. Giới khoa học nhìn nhận, liệu pháp này khi được áp dụng rộng rãi sẽ cho kết quả cao với chi phí thấp.
“Để liệu pháp này phổ biến ở Việt Nam là thách thức lớn, đặc biệt là cơ sở vật chất và nguồn nhân lực chất lượng cao. Tôi muốn theo học tiến sĩ chuyên ngành miễn dịch ung thử để tăng cường khả năng học hỏi trong lĩnh vực này, từ đó đóng góp một phần nào giảm thiểu tỷ lệ chết do ung thư ở Việt Nam”, Vân tâm sự.
Cũng theo học chương trình Tiến sĩ từ học bổng Vingroup, Hoàng Trung Thiên dù mới 24 tuổi nhưng sở hữu hàng loạt giải thưởng lớn nhỏ trong nước và quốc tế. Hoàn thành chương trình Thạc sĩ tại Đại học Công nghệ Tokyo, Thiên sẽ theo học Tiến sĩ Y sinh tại Đại học New South Wales với suất học bổng toàn phần từ Vingroup.
Hoàng Trung Thiên (đứng giữa) tại Trung tâm Mô phỏng Bệnh viện Vinmec - Hoàn thành chương trình Thạc sĩ tại Đại học Công nghệ Tokyo, Thiên sẽ theo học Tiến sĩ Y sinh tại Đại học New South Wales, nằm trong top 50 ĐH hàng đầu thế giới với suất học bổng toàn phần từ Vingroup.
“Với chuyên ngành về trang thiết bị y tế, sau khi học xong, tôi mong muốn tham gia vào các viện nghiên cứu, các trường đại học, tạo ra các sản phẩm y tế, được thiết kế bởi chính người Việt, dành riêng cho người Việt, mang những nghiên cứu ở trong các phòng lab ra phục vụ cộng đồng”, Thiên nói.
“Bài toán” mà chàng thạc sĩ trẻ tuổi này theo đuổi cũng đang là một vấn đề tồn tại ở Việt Nam. Trong nước có 1.346 bệnh viện, nhưng gần như chưa sản xuất được trang thiết bị y tế cũng như các giải pháp chăm sóc sức khỏe công nghệ cao, mà nhập khẩu tới hơn 90%.
Trong khi đó, Ngô Huy Quyền (22 tuổi) chuẩn bị theo học Thạc sĩ ngành tự động hoá, Đại học Michigan (Mỹ) cho rằng, những sản phẩm của cậu trong tương lai là những chiếc xe tự hành, sử dụng năng lượng sạch, năng lượng tái tạo, có thể góp phần thay đổi được bộ mặt giao thông tại Việt Nam.
Đại học Michigan (Mỹ), ĐH công lập đứng thứ 4 trong BXH USNews 2019, đã có 25 giải Nobel và 6 giải Turing (giải thưởng danh giá nhất về Khoa học máy tính), là nơi Ngô Huy Quyền chọn theo học Thạc sỹ ngành Tự động hóa.
Chinh phục học bổng Vingroup: Chỉ học giỏi là chưa đủ
Vân, Thiên, Quyền cùng 15 bạn trẻ khác là những Học giả trẻ xuất sắc đầu tiên mà Vingroup tuyển lọc trong chương trình “Học bổng Khoa học Công nghệ Đào tạo Thạc sĩ - Tiến sĩ Du học tại Nước ngoài” cho các tài năng Việt Nam sau 4 tháng triển khai. Chương trình được thực hiện trong 11 năm (từ 2019 - 2030), với 1.100 học bổng du học tại các quốc gia có nền KHCN phát triển hàng đầu thế giới như Hoa Kỳ, Nga, Pháp, Úc, Israel, Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore…
18 Học giả trẻ xuất sắc đầu tiên mà Vingroup tuyển chọn trong chương trình “Học bổng Khoa học Công nghệ Đào tạo Thạc sĩ - Tiến sĩ Du học tại Nước ngoài”.
Giáo sư Đỗ Ngọc Minh (Đại học Illinois, Urbarna Champaign - UIUC, Hoa Kỳ), Thành viên Hội đồng Cố vấn Khoa học Vingroup đồng thời là Thành viên Hội đồng Xét tuyển Học bổng Vingroup cho biết, những cá nhân được chọn không chỉ có thành tích học tập vượt trội mà phải có khát khao, bản lĩnh để chinh phục tri thức KHCN để trở về đóng góp cho sự phát triển của KHCN tại Việt Nam.
“Những ứng viên có ý tưởng mới, cách đặt vấn đề đột phá, giải pháp táo bạo, có thành tích cá nhân vượt trội mới được chọn trao học bổng Vingroup. Và họ cần cam kết trở về Việt Nam đóng góp đúng với ngành được đào tạo sau khi tốt nghiệp”, Giáo sư nói.
Chung dòng chảy “chất xám Việt” về nước xây dựng quê hương
Khi “chinh phục” được Hội đồng xét duyệt, một suất học bổng thạc sĩ có thể lên tới 3,6 tỉ đồng và 1 suất học bổng tiến sĩ có thể lên tới 9,2 tỉ đồng, tuỳ vào chính sách học phí từng trường, theo từng ngành học và chi phí sinh hoạt tại từng quốc gia.
Với Phùng Trà My, cô gái 23 tuổi sắp theo học Thạc sĩ Kỹ thuật thông tin tại Đại học New York (Mỹ), những gì cô nhận được từ Vingroup không dừng lại ở hỗ trợ tài chính mà đó cơ hội được tham gia mạng lưới khoa học công nghệ, nơi những “chất xám Việt” chung mục tiêu trở về công hiến cho quê hương.
“Những vấn đề về công nghệ không chỉ được giải quyết bởi một vài cá nhân, mà cần một tập thể, một “network”. Thông qua Chương trình Học bổng, tôi có thể kết nối, gặp gỡ rất nhiều chuyên gia hàng đầu trong lĩnh vực đến từ Vingroup. Việc trao đổi, nhận được hướng dẫn của những người đi trước và đã thành công tại nước ngoài giúp tôi rất nhiều trong học tập cũng như nghiên cứu”, Trà My cho hay.
Trong Chương trình Định hướng và Lễ trao học bổng cho 18 Học giả Vingroup được tổ chức tại trụ sở Tập đoàn Vingroup, các bạn trẻ cũng đã được thế hệ đàn anh - những người đã học tập và nghiên cứu ở những quốc gia có nền khoa học đỉnh cao, rồi chung tiếng gọi trở về xây dựng nền KHCN nước nhà - chia sẻ định hướng, kinh nghiệm để hoà nhập với môi trường học thuật mới.
Tốt nghiệp Tiến sĩ tại ĐH Johns Hopkins (Mỹ) - Đào Đức Minh - Giám đốc Điều hành Viện Nghiên cứu Dữ liệu Lớn (Vingroup), chia sẻ về cách các bạn trẻ cần chủ động tìm sự giúp đỡ và tham gia các nhóm nghiên cứu. Tiến sĩ Lê Roto, Đại học Brown (Mỹ), hiện là Giám đốc Trung tâm R&D Vingroup, chia sẻ về những kỹ năng sống, cách giải quyết các thất bại trong nghiên cứu - việc rất có khả năng các bạn trẻ phải đối mặt. Hay Giáo sư Đỗ Ngọc Minh chia sẻ về việc không chỉ học kiến thức mà cần tìm ra những cách giải quyết vấn đề một cách thông minh…
Đoàn học giả trẻ chụp ảnh lưu niệm cùng Lãnh đạo Tập đoàn, các Giáo sư thuộc Hội đồng cố vấn Khoa học Vingroup và Giáo sư thuộc Dự án Đại học VinUni cùng các chuyên gia KHCN của Tập đoàn.
Sau khi nhận Học bổng, Chương trình sẽ hỗ trợ xuyên suốt trong quá trình học tập, thường xuyên cập nhật thông tin, kết nối các cơ hội việc làm, thực tập, hay các dự án nghiên cứu tại Việt Nam. Mục tiêu của Chương trình là 100% học viên sau khi tốt nghiệp về nước có thể nhanh chóng tái hòa nhập, có công việc hấp dẫn và chế độ đãi ngộ thỏa đáng để phát huy tài năng và thực sự dẫn dắt, thúc đẩy sự phát triển KHCN của Việt Nam.
“Tôi chung khát vọng với Vingroup, bởi để giải quyết những vấn đề khoa học công nghệ của Việt Nam, nếu không chính những người Việt làm thì không ai có thể giúp chúng ta được”, Tô Thị Vân nói trong Chương trình Định hướng và Lễ trao học bổng của Vingroup.
Với sự đầu tư lớn, hướng đi bài bản và khác biệt, Học bổng Vingroup mang đến cơ hội nhận học bổng toàn phần du học ở những trường ĐH tốt nhất cho các nhà khoa học trẻ tài năng của Việt Nam. “Đây chính là nguồn nhân lực chất lượng cao chủ chốt trong sự phát triển KHCN đất nước, đưa Việt Nam từ nước thụ động đến chủ động trong lĩnh vực công nghệ, nhất là lĩnh vực công nghệ tiên tiến”, Giáo sư Đỗ Ngọc Minh nhận định.
Để được chọn, các bạn trẻ đã vượt qua 250 hồ sơ đăng ký. 40 ứng viên xuất sắc nhất được chọn vào phòng phỏng vấn được thực hiện bởi các giáo sư thuộc Hội đồng cố vấn Khoa học Vingroup và các giáo sư hàng đầu tại các trường Đại học Hoa Kỳ như Đại học Cornell, Đại học Nam California, hay Đại học Illinois, Urbana Champaign…. rồi từ đó tìm ra 18 bạn xuất sắc nhất, theo học các chuyên ngành then chốt có khả năng tạo đột phá cho sự phát triển KHCN như: Toán, Tin bảo mật, trí tuệ nhân tạo, dữ liệu lớn, học máy, an toàn thông tin mạng, tự động hóa, năng lượng tái tạo, sinh học phân tử, di truyền học… |