Hơn một năm trước, ngày 27/5, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã yêu cầu Bộ Giáo dục và Đào tạo làm rõ nghi vấn đạo văn của Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Đức Tồn, bảo đảm nghiêm minh, khách quan, báo cáo Thủ tướng Chính phủ.
Sau đó, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã quyết định thành lập Tổ thanh tra để quyết liệt làm rõ nghi án đạo văn của GS.TS Nguyễn Đức Tồn, báo cáo lên Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam.
Tổ thanh tra đã tìm gặp rất nhiều nhân chứng từng tham gia giải quyết vụ việc vào những năm 2002, 2006, đây là thời điểm hồ sơ xin phong Giáo sư của ông Nguyễn Đức Tồn bị bác. Tuy nhiên, đến nay Bộ GDĐT vẫn chưa công bố kết quả thanh tra.
Vụ việc về nghi vấn đạo văn của GS Nguyễn Đức Tồn đến nay vẫn chưa có kết luận từ Bộ GDĐT. Ảnh IT.
Ngày 8/8/2019, PV Dân Việt đã liên lạc với một thành viên của Tổ Thanh tra, Bộ GDĐT. Vị này cho biết không phải người phát ngôn nên không cung cấp thông tin.
Trong khi đó, TS Nguyễn Thúy Khanh – nguyên Trưởng Phòng Từ điển học, Viện Ngôn ngữ là một trong những người cho rằng đã bị ông Nguyễn Đức Tồn đạo văn đặt vấn đề “không hiểu vì lý do gì” vụ việc đến nay vẫn chưa có kết luận.
Dưới đây là thông tin, TS Nguyễn Thúy Khanh mới chuyển đến Báo Điện tử Dân Việt:
Ai là người đạo văn?
Từ năm 2001 – 2007, Viện Ngôn ngữ học đã “xới tung” lên vài ba lần, mỗi khi có cuộc xét phong học hàm. Cao trào nhất là có sự tham gia, can thiệp của lãnh đạo viện KHXH VN (nay là viện Hàn lâm Khoa học Xã hội) nhưng không có biên bản mà chỉ có ghi âm (theo lời của ông Đỗ Hoài Nam – Viện trưởng viện Hàn lâm Khoa học Xã hội lúc đó).
Hệ quả của cách làm không đến chốn này là sau 15 năm sự việc lại bung ra. Tôi lại bị lôi kéo vào câu chuyện này.
Tháng 5/2018, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam đã có chỉ đạo, sau đó Thanh tra của Bộ Giáo dục Đào tạo vào cuộc. Tôi thực sự đặt niềm tin vào cách làm việc rất tích cực, bài bản và chuyên nghiệp của Thanh tra Bộ. Vậy nhưng, gần một năm nay Bộ GDĐT vẫn chưa có kết luận công bố.
Gần đây, sau một thời gian dài im lặng tôi bắt đầy thấy có những Giấy chứng nhận liên quan đến vấn đề bản quyền và tôi cũng được gợi ý về điều đó.
Tôi không phải là người hẹp hòi, không phải không muốn giúp đỡ người khác. Nhưng vấn đề ở đây hoàn toàn khác, tôi chỉ là một người bị vạ lây và bị đẩy vào tình thế buộc phải đối đầu. Hơn nữa, sau bao lần bị vu cáo xuyên tạc, tôi không thể cho một cách dễ dàng như vậy. Câu chuyện ở đây là ai là người đạo văn chứ không phải vấn đề “bản quyền”.
Khi sự việc xảy ra tôi rất cần một kết luận mang tính khách quan của những cơ quan có trách nhiệm.
Sự trì hoãn đưa ra kết luận sau nhiều lần xem xét làm tôi thấy khó hiểu về cách làm việc của Tổ Thanh tra Bộ Giáo dục Đào tạo và các vị lãnh đạo.
Thực hiện luận án trước
Về việc chuyên đề cấp viện ông Nguyễn Đức Tồn đăng ký năm 1996, tôi đã viết trong bản gửi Thanh tra bộ ĐH khi được yêu cầu hợp tác: Ngày 30/10/1994 tôi mới có quyết định chính thức làm nghiên cứu sinh của bộ ĐH, nhưng lúc đó tôi đã hoàn thành 2/3 luận án.
Cụ thể, tôi đã có 3 bài báo thuộc nội dung của luận án (Chương I và Chương II) đăng ở số 1 và số 2 của Tạp chí Ngôn ngữ và Tạp chí Văn hóa Dân gian năm 1994. Năm 1995, tôi đăng tiếp một bài nữa. Thực tế tôi đã xong luận án từ cuối năm 1995. Tôi bảo vệ năm 1996 do chờ thủ tục.
Việc ông Nguyễn Đức Tồn đăng ký công trình cấp viện năm 1996 trong đó có nội dung giống luận án của tôi mà không hợp tác, đứng tên cùng, thực sự tôi không biết. Tôi chủ tập trung hoàn thành đề tài mà tôi yêu thích thôi, không để ý đến những toan tính khác.
Tôi rất muốn khép lại câu chuyện này với một kết luận rõ ràng, đúng tính chất của sự việc và sẽ không có chuyện kiện cáo ai cả.
Tôi cũng kiến nghị Bộ GDĐT có thêm quy chế mới trong việc xét duyệt thông qua các đầu sách và luận án bằng những biện pháp cụ thể để chấm dứt vấn nạn đạo văn đang hoành hành. Vấn nạn này sẽ làm suy yếu về đạo đức và suy yếu nền khoa học của nước nhà. |