Dân Việt

10 năm xây dựng nông thôn mới: Diện mạo An Tường khởi sắc

Hồng Tính 18/08/2019 05:40 GMT+7
Sau gần 10 năm xây dựng nông thôn mới (NTM), diện mạo của miền quê xã An Tường (Vĩnh Tường, Vĩnh Phúc) có nhiều khởi sắc.

Nằm ở ven sông Hồng, xã An Tường có trên 2.500 hộ dân, với 4 thôn dân cư. Khi bắt tay vào xây dựng NTM, An Tường mới đạt 5/19 tiêu chí NTM, đời sống người dân còn nhiều khó khăn, vất vả.

Vì vậy, ngay từ những ngày đầu thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM, An Tường đã xác định xây dựng NTM là một nhiệm vụ chính trị quan trọng cần tập trung chỉ đạo quyết liệt và cần sự vào cuộc của các cấp, các ngành, đặc biệt là sự đồng tình ủng hộ, góp ngày công, tiền mặt của toàn thể nhân dân trên địa bàn.

img

Phát triển các làng nghề truyền thống góp phần nâng cao đời sống cho người dân thôn Bích Chu, xã An Tường (Vĩnh Tường). Ảnh:  N.L

Đến nay, 100% đường xã, đường từ trung tâm xã đến đường huyện được nhựa hóa hoặc bê tông hóa; 100% đường trục thôn, liên thôn được cứng hóa; 100% đường ngõ, xóm sạch và không lầy lội vào mùa mưa; 100% đường trục chính nội đồng được cứng hóa...

Ông Đàm Xuân Huyên - Bí thư Chi bộ, Trưởng thôn Cam Giá cho biết: Với người dân nơi đây, NTM không phải những thứ xa lạ mà chính là những con đường được bê tông hóa; những cánh đồng lúa trĩu bông vì áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, đưa cây con giống mới vào sản xuất và các cơ sở sản xuất, ngành nghề tiểu thủ công nghiệp ngày càng phát triển, tạo việc làm cho hàng trăm lao động tại địa phương…

Là người trực tiếp được hưởng lợi ích từ thành quả của chương trình xây dựng NTM, anh Lê Văn Hiển chia sẻ: Trước đây, cứ vào mùa mưa là người dân lại bị ám ảnh bởi những con đường giao thông nội đồng lầy lội. Giờ đây, đi trên con đường mới, người dân ai cũng phấn khởi.

Thời gian tới, An Tường tiếp tục duy trì, phát triển các ngành nghề của địa phương; từng bước chuyển lao động nông nghiệp có khả năng chuyển đổi nghề nghiệp sang công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, dịch vụ, thương mại, phấn đấu giải quyết việc làm thường xuyên cho 99% lao động trong độ tuổi.  Phát triển các mô hình kinh tế gắn với liên kết tiêu thụ sản phẩm bền vững. Nâng cấp mạng lưới giao thông nông thôn.