Đó là hoàn cảnh đáng thương của 4 đứa con chị Huỳnh Thị Nga (40 tuổi, trạm trú phường Long Bình, quận 9, TP.HCM) đang phải gánh chịu. 4 đứa con chị Nga vốn đã thiếu vắng tình thương của cha, nay lại chịu thêm cảnh mẹ mất vì tai nạn giao thông.
Cặp sách mới của út Thành được chị hai Ngân mua để vào năm học mới
Gặp nạn khi chuẩn bị mua cặp sách cho con vào năm học mới
Chiều 27/7, sau khi tan ca làm công nhân, chị Huỳnh Thị Nga chạy xe máy từ công ty về nhà trên đường Nguyễn Xiển (quận 9) để chở 2 con nhỏ đi mua dụng cụ học tập chuẩn bị cho ngày tựu trường. Vừa qua khúc cua cầu vượt Trạm 2 (gần khu du lịch Suối Tiên, phường Tân Phú, quận 9), chị Nga bị ngã xe bất tỉnh khi chạy qua giờ giảm tốc do một công ty tự ý lắp đặt.
Chị Nga được người dân đưa đi cấp cứu nhưng sau đó do vết thương quá nặng đã tử vong sau đó. Chị mất để lại 4 đứa con vốn đã thiếu vắng tình cảm của cha nay lại không có mẹ.
Chúng tôi tìm đến căn nhà của chị Nga vào buổi trưa giữa tháng 7 Âm lịch –mùa Vu lan báo hiếu. Theo chỉ dẫn, tôi men theo con đường đất ngoằn ngoèo vào khu lò gạch cũ trên đường Nguyễn Xiển (phường Long Bình, quận 9). Con hẻm loang lỗ ổ gà, đọng nước sau cơn mưa. Nhà chị Nga ở cuối hẻm với xung quanh cỏ dại mọc um tùm.
Nghe có tiếng xe máy đến nhà, Trần Tuấn Thành (6 tuổi), con trai út của Nga đang ngồi trước bàn thờ của mẹ chạy ra ngoài ngơ ngác. Thành tưởng tiếng xe máy đó là chị hai Ngân trở về nhà sau ca làm buổi sáng.
Ngồi tựa lưng vào tường, nhìn di ảnh con gái, bà Huỳnh Thị Lợi (71 tuổi, mẹ ruột chị Nga) sức khỏe vốn đã yếu sau nhiều năm lao động nặng nhọc, nay lại càng yếu hơn khi chị Nga mất.
Kể từ khi con gái gặp tai nạn giao thông tử vong, cụ bà tuổi “thất thập cổ lai hy” dường như rửa mặt bằng nước mắt của mình.
Thắp nén nhang cho con gái, bà Lợi nói con chết tức tưởi. Bà kể khi nhận được tin chị Nga gặp nạn thì trời đã tối. “Nga bị tai nạn người ta đưa đi cấp cứu tận bệnh viện ở Biên Hòa, Đồng Nai. Đến tối tôi mới nhận tin nên vội vàng cùng cháu ngoại đến bệnh viện. Con gái sau đó được chuyển lên bệnh viện Chợ Rẫy, TP.HCM nhưng bác sĩ thông báo Nga bị máu tràn hết não nên không thể cứu chữa được, sáng hôm sau thì Nga mất”, bà Lợi nói trong nấc nghẹn.
Bà Lợi cho hay, khi làm lễ cầu siêu cho con gái ở vị trí tai nạn, bà nghe nhiều người dân nói con bà chết là do ngã xe khi tông phải gờ giảm tốc giữa đường do một công ty tự ý lắp đặt.
Gờ giảm tốc do một công ty lắp đặt sau đó xảy ra tai nạn (ảnh chụp thời điểm gờ giảm tốc chưa được tháo dỡ)
Một đời vất vả vì con
20 năm trước, hai mẹ con bà Lợi dắt díu nhau từ Bình Dương lên làm thuê tại lò gạch ở phường Long Bình. Lần lượt chị Nga sinh 3 đứa con gái và 1 đứa con trai nhưng những đứa trẻ sinh ra đều bị cha ruột chối bỏ, không chăm sóc. 7 năm trước, khi lò gạch đóng cửa chị Nga cũng chuyển sang nghề bán trái cây, rau quả.
Để có tiền nuôi 4 đứa con và mẹ già, hằng ngày từ lúc rạng sáng chị Nga đã chạy xe máy kéo theo rơ móc đến chợ đầu mối nông sản Thủ Đức lấy trái cây, hoa quả rồi chạy sang quận 4 bán đến tận khuya mới về. Tuy nhiên, việc buôn bán khó khăn, vốn thâm hụt nên 2 năm trước chị Nga chuyển sang xin làm công nhân cho một công ty ở Thủ Đức.
“Nó khổ dữ lắm. Khổ từ lúc còn con gái. Có 2 đời chồng cũng không thể nương tựa được, những đứa con nó sinh ra đều bị chồng chối bỏ trách nhiệm. Tôi mắt mờ, sức yếu nên cũng không thể đỡ đần gì cho con gái”, bà Lợi khóc nói.
Thấy mẹ cực khổ, một mình lo cho 6 miệng ăn trong gai đình, 2 đứa con lớn của chị Nga là Nguyễn Thị Huỳnh Ngân (21 tuổi) và Kiều (17 tuổi) xin mẹ nghỉ học để nhường cơ hội lại cho 2 em nhỏ. Ngân xin đi làm tạp vụ tại một nhà nghỉ của bà con để kiếm tiền phụ mẹ.
12 giờ trưa, Ngân về tới nhà sau khi hết ca làm buổi sáng. Ngân tranh thủ giờ nghỉ trưa để chạy về xem tình hình bà ngoại và em. Sau khi lấy cơm cho Thanh ăn xong Ngân vội dọn dẹp nhà cửa và xúc vội chén cơm ăn lót dạ để kịp giờ làm buổi chiều.
Bé Thanh sau khi ăn cơm xong thì nằm trên nền gạch trước bàn thờ của mẹ ngủ. Thấy em trai cứ lăn qua lăn lại không chịu ngủ Ngân vội bỏ dở chén cơm chạy đến vỗ về rồi khẽ hát ru. “Dí dầu cầu ván đóng đinh, cầu tre lắc lẻo, gập ghềnh khó đi. Khó đi...”. Hát tới đây, giọng Ngân nghẹn lại, nước mắt tuôn trào trên má.
10 phút sau thấy út Thành ngủ say, Ngân cúi người xuống hôn lên trán thì thấy nước mắt chảy trên má Thành. Ngân hỏi: “Sao vậy Út?. Út ngủ đi. Út ngủ đi để chị hai còn chạy đi làm nữa”. Thành trở mình quay mặt hướng khác nấc lên: “Chị hai ơi. Em nhớ mẹ”.
Út Thành và chị gái thứ ba thắp nhang cho mẹ trong mùa Vu lan
Bà Lợi cho biết kể từ khi chị Nga mất, Thành không chịu ngủ trưa. Tối cũng rất khó ngủ. Mỗi lần như vậy Ngân và bà đều đến bên dỗ dành.
“Con sẽ cố gắng làm để cho lo cho các em. Con mong mẹ phù hộ cho bà ngoại không đau ốm, cho con có đủ sức khỏe làm việc để kiếm tiền lo cho các em và bà ngoại. Mùa Vu lan năm nay không có mẹ ở bên, tụi con buồn và nhớ mẹ lắm mẹ ơi”, Ngân thắp nén nhang khấn đấng sinh thành rồi vội lấy chiếc áo khoác mặc để chạy đến chỗ làm.
Bà Lợi cho biết, lo lắng nhất của bà hiện giờ là căn nhà nơi bà cháu tá túc sẽ bị chủ khu lò gạch lấy lại bất cứ lúc nào và chỉ báo trước 2 tháng.
Theo ông Trần Sỹ Thắng - Phó Giám đốc Trung tâm hạ tầng giao thông đường bộ (Sở Giao thông vận tải TP.HCM) cho biết, gờ giảm tốc nói trên là do một xí nghiệp lắp ngay trên phần đường hỗn hợp tuyến đường xa lộ Hà Nội (quận 9) vào ngày 27/7. Xí nghiệp trên đã tự ý lắp gờ giảm tốc khi chưa được phép của các đơn vị quản lý tuyến đường. Mục đích lắp gờ là vì muốn xe cộ đi lại qua công ty họ phải giảm tốc độ. Ngay sau sự cố, gờ giảm tốc đã được tháo gỡ. |
Mất kiểm soát khi qua gờ giảm tốc, người đàn ông chạy xe máy ngã xuống đường, bất động tại chỗ.