Tối cuối năm 2017, vừa đi làm về, Nguyễn Thị Kim Phượng được cậu ruột gọi báo tin sốc. Tay cô cầm điện thoại không vững, vẻ hoài nghi chất chồng. Phượng bấm số máy mà người cậu ruột gửi đến, như trong vô thức.
Chỉ một lượt chuông, đầu dây bên kia đã nhấc máy. "Mẹ ơi, con đây", Phượng ướm giọng. "Là Phượng hay Hoa đấy!", giọng người phụ nữ bên kia khản đặc vì đã khóc quá nhiều. "Ôi mẹ ơi! Thì ra mẹ còn sống, con với em Hoa vừa mới xây mộ cho mẹ vài tháng nay thôi", Phượng nấc nghẹn. Người phụ nữ nọ là bà Nguyễn Thị Tiến, 62 tuổi, mẹ đẻ cô, đã mất tích 30 năm.
Cuộc nói chuyện đầu tiên của Phượng với mẹ đẻ bắt đầu như vậy, sau 30 năm cô nghĩ mình là trẻ mồ côi.
Nguyễn Thị Phượng sống ở trung tâm dành cho trẻ mồ côi tại Hà Nội từ năm 12 đến 18 tuổi, vì không có bố mẹ bên cạnh, hiện làm quản lý kho cho một công ty may. Ảnh: N.Phượng.
Đêm đó, hai mẹ con cô tâm sự tới gần sáng, thân thuộc như mỗi ngày vẫn thế. "Tiếng Việt của mẹ lơ lớ vì lâu không nói. Mẹ bảo viết thư nhưng không có phản hồi, đánh điện thì không có số. Tôi cười, bảo mẹ bây giờ là ‘gọi điện’ chứ không nói là 'đánh điện' như ngày xưa nữa", Phượng vui vẻ kể.
Năm 1987, khi Phượng 5 tuổi, em gái tên Hoa mới 3 tuổi, thì cha cô đi bộ đội, đóng quân ở biên giới Campuchia, không có liên lạc về. Bà Tiến, khi đó 30 tuổi, đưa các con về nhà ngoại, ở thôn Liên Bình, Hợp Hòa, Tam Đảo, Vĩnh Phú (nay là Tam Dương, Vĩnh Phúc) sống. Bà buôn bán khắp tỉnh để nuôi hai con.
Một ngày, bà Tiến theo người bạn thân lên Lạng Sơn mua hàng, gửi lại ít tiền, dặn người nhà mua quà bánh, chăm hộ con, nói "đi vài hôm sẽ về". Và rồi bà bặt tin.
Phượng và em gái được gửi cho người thân bên nội nuôi, trước khi Phượng đến trung tâm dành cho trẻ đặc biệt khó khăn sống. "Các cậu, các dì hay bảo Hoa giống mẹ, còn tôi giống bố, nhưng chị em tôi đâu có nhớ mặt mũi bố mẹ thế nào", Phượng kể.
Có người thân và bạn bè, thầy cô ở trung tâm, Phượng tạm quên những thiếu hụt tình cảm, nhưng lần nào nghe người khác gọi bố, mẹ, cô đều thấy chạnh lòng. Năm 25 tuổi, Phượng kết hôn, khóc suốt đoạn đường về nhà chồng vì tủi thân.
Khi có hai con trai, cô nghĩ đến mẹ nhiều hơn. "Tôi thường mơ thấy bà, nhưng chỉ thấy từ cổ xuống, giục tôi phải đi tìm. Tôi và em gái đều nghĩ mẹ đã chết nên về báo mộng", cô kể.
Phượng (trái) và Hoa đón mẹ (giữa) lên nhà mình ở Hà Nội chơi, đưa bà đi thăm quan thủ đô, trước khi mẹ về Trung Quốc. Ảnh: N.Phượng.
Năm 2017, hai chị em Phượng cùng gia đình bên ngoại quyết định đi tìm "hài cốt" bà Tiến. Họ đi khắp các huyện Tam Dương, Phúc Yên dò hỏi, nhưng không được. Phượng nhờ thầy bói tìm tung tích mẹ và gọi được "hồn" bà lên, nói đã chết dưới sông Cà Lồ (Vĩnh Phúc). Cả gia đình cô và em gái về quê, lội sông tìm kiếm.
Không tìm thấy thi thể mẹ, hai chị em Phượng về nhà ngoại, xin phép lập mộ gió, bàn thờ nhang khói cho bà. Tháng 9, ngôi mộ hoàn thành ở nghĩa trang thôn Liên Bình. "Hôm đó nhà chúng tôi làm hơn 20 mâm cỗ, mời các cụ trong làng đến dự, căng bạt, khóc lóc như mọi đám ma khác", cụ Đỗ Thị Phúc, 85 tuổi, mẹ bà Tiến kể.
Khoảng 2 hôm sau lễ 49 ngày, một người đàn ông lạ mặt đến nhà ông Thi, em trai bà Tiến, thông báo bà còn sống, hiện ở Trung Quốc.
"Chị tôi chết lâu rồi, gia đình mới cúng 49 ngày cho chị ấy!", ông Thi nói, tay chỉ lên bàn thờ có bát nhang chị mình. Hóa ra, vị khách tên Nguyễn Việt Dũng (32 tuổi, Hải Phòng), từng có mẹ bị lừa bán sang Trung Quốc, và vô tình gặp bà Tiến ở bên đó.
Hai ngày sau, gia đình cử một người sang đón bà Tiến về. Ở nhà, chị em Phượng cùng người thân vứt bát hương, mang búa ra nghĩa trang đập bỏ ngôi mộ mới.
Tháng 11/2017, bà Nguyễn Thị Tiến được về Việt Nam. Tối đó, nhà ông Thi sáng đèn cả đêm, những câu chuyện xen trong tiếng nấc nghẹn. Bà Tiến bị lừa bán sang Trung Quốc, đành phải sống chung với một người đàn ông ở Quảng Đông, sau khi đã khóc lóc từ chối 4 người khác. Bà có thêm 3 con với người chồng này, và làm giúp việc để có thêm thu nhập. Năm 2007, người chồng nọ qua đời.
Bà Tiến tham dự một đám cưới người thân ở quê nhà trước khi trở sang Trung Quốc cùng con trai út. Ảnh: N.Phượng.
Ký ức về các con cũng mờ nhạt theo thời gian. Mỗi lần nhìn thấy đứa trẻ nào tầm tuổi hai con gái, bà Tiến lại khóc vì nhớ: "Hoa với Phượng ở Việt Nam giờ chắc cũng lớn bằng độ này". Suốt thời gian đó, bà Tiến gửi hàng chục lá thư về quê nhà, nhưng tỉnh đã chia tách thành Vĩnh Phúc và Phú Thọ, nên người nhà không nhận được.
Sau hơn một năm về Việt Nam đoàn tụ với gia đình, bà Tiến đã quay lại Trung Quốc sinh sống với người con út, chưa có kế hoạch cụ thể tiếp theo.
Tối tối, Phượng và Hoa nếu muốn đều có thể nhấc máy trò chuyện với mẹ. Phượng hay nhắc đến "bà ngoại" với hai con trai, cụm từ mà trước đây cô tránh dùng đến. "Mẹ rời xa chị em tôi bao năm qua, cũng vì muốn lo cái ăn, cái mặc cho con, nên chẳng thể trách mẹ. Chúng tôi chỉ mong mẹ khỏe mạnh, thường xuyên trò chuyện để cùng khỏa lấp những thiếu vắng lâu nay", Phượng tâm sự.
*Tiêu đề bài viết do Dân Việt đặt lại