Dân Việt

Rủi ro nợ vay với MWG của ông Nguyễn Đức Tài từ việc mở 1,5 cửa hàng/ngày

Hoàng Nhật 16/08/2019 15:04 GMT+7
Việc tăng nhanh số lượng cửa hàng khiến Thế Giới Di Động (MWG) của ông Nguyên Đức Tài phải đẩy mạnh việc vay nợ, đặc biệt là vay ngắn hạn để bổ sung nguồn vốn kinh doanh. Doanh nghiệp đã phải huy động 22.842 tỷ đồng tiền vay trong 6 tháng qua, còn tổng nợ phải trả của Thế Giới Di Động (MWG) tăng gần 3.200 tỷ đồng so với cùng kỳ.

img

Ông Nguyễn Đức Tài, Chủ tịch Công ty CP Đầu tư Thế giới Di động (MWG).

Công ty CP Đầu tư Thế giới Di động (MWG) dưới sự điều hành của ông Nguyễn Đức Tài và các cộng sự đã kết thúc 6 tháng đầu năm 2019 với con số doanh thu tăng trưởng 16% trong khi LNST tăng tới 38% so với cùng kỳ năm ngoái.

Theo Công ty Chứng khoán Bản Việt (VCSC), việc Thế Giới Di Động (MWG) có được kết quả tích cực nói trên chủ yếu là nhờ chuỗi Điện Máy Xanh đạt tăng trưởng doanh thu 22%. Ngoài ra, biên lợi nhuận ròng của DN cũng tăng lên 4,1% trong 6 tháng đầu năm 2019 nhờ mở rộng quy mô và đòn bẩy hoạt động.

Kết quả, LNST quý II/2019 của Thế Giới Di Động (MWG) tăng 48% so với cùng kỳ, cao hơn mức 29% trong quý I/2019.

img

Điện Máy Xanh đóng góp lớn vào mức tăng trưởng doanh thu của Thế Giới Di Động.

Nhìn một cách tổng quan, trong bối cảnh ngành bán lẻ điện thoại di động đang có xu hướng bão hòa khi tỷ lệ thâm nhập đạt gần mức tối đa như thừa nhận của ông Nguyễn Đức Tài tại ĐHĐCĐ thường niên năm 2019 của doanh nghiệp cách đây chưa lâu. Cùng với đó là dự báo tăng trưởng SSSG có nguy cơ đi ngang hoặc sụt giảm trong tương lai thì việc Thế Giới Di Động (MWG) triển khai mô hình shop-in-shop với sản phẩm đồng hồ tại 34 cửa hàng ở cả hai chuỗi điện thoại và điện máy đã giúp doanh thu tại các cửa hàng này tăng trung bình 10%, nhờ biên lãi gộp nhóm hàng này cao (xấp xỉ 40%) và không phát sinh thêm chi phí hoạt động ngoại trừ chi phí đầu tư ban đầu.

Thêm vào đó, sự tăng trưởng của Thế Giới Di Động (MWG) còn có sự đóng góp từ tăng trưởng doanh thu của chuỗi Thế Giới Di Động và Điện Máy Xanh. Còn chuỗi Bách Hóa Xanh tiếp tục cải thiện mức doanh số/cửa hàng trong khi tốc độ mở rộng chuỗi đang tăng nhanh.

Trong đó, điện Máy Xanh dẫn đầu tăng trưởng nhờ việc chuyển đổi các cửa hàng qua layout mới, giúp hỗ trợ tăng trưởng doanh thu cửa hàng hiện hữu. Điện Máy Xanh đạt tăng trưởng doanh thu mạnh 22% so với cùng kỳ năm ngoái, nhờ doanh thu các cửa hàng hiện hữu tăng trưởng khả quan, mở thêm 88 cửa hàng mới trong 6 tháng đầu năm, bao gồm các cửa hàng chuyển đổi từ cửa hàng điện thoại di động doanh số cao, và tối ưu hóa layout 210 cửa hàng Điện Máy Xanh mini được chuyển sang layout mới trong quý II/2019.

Theo tính toán, 6 tháng đầu năm 2019, Thế Giới Di Động đã tăng thêm 262 cửa hàng chỉ trong, trung bình MWG có 1,5 cửa hàng mới mỗi ngày.

img

Tăng trưởng số lượng cửa hàng Bách Hoá Xanh, Điện Máy Xanh đều đạt kết quả khá ấn tượng.

Những thông tin nêu trên là một phần cơ sở để Công ty Chứng khoán Bản Việt (VCSC) dự báo lợi nhuận sau thuế các năm 2019, 2020, 2021 của Thế Giới Di Động (MWG) sẽ tăng lần lượt 5%, 12%, và 15%, xuất phát từ việc tăng giả định doanh số/cửa hàng của chuỗi Bách Hoá Xanh - siêu thị mini và cập nhật mô hình định giá.

Còn Công ty Chứng khoán VNDirect cho rằng, doanh thu của chuỗi Bách Hoá Xanh có thể tăng 29,5%,với doanh thu trung bình mỗi cửa hàng tăng 13% nhờ mở mới 100 cửa hàng điện máy đến cuối năm 2019.

Đặc biệt, Thế Giới Di Động đang kỳ vọng phục hồi lại mảng điện thoại di động với mô hình mới Dienthoaisieure.com, cửa hàng cung cấp những mẫu điện thoại với mức giá thấp dưới 8 triệu đồng.

Doanh nghiệp cũng sẽ cắt giảm chi phí hoạt động bằng cách lựa chọn vị trí giá rẻ, diện tích nhỏ và bỏ qua một số dịch vụ như bãi đậu xe và Internet. Tuy nhiên, do mới chỉ là thí nghiệm quy mô nhỏ, hiệu quả của chuỗi này chưa được tính đến trong việc định giá cổ phiếu năm nay.

Tuy nhiên, nhìn vào báo cáo tài chính quý II/2019 của Thế Giới Di Động (MWG), việc tăng nhanh số lượng cửa hàng cũng khiến doanh nghiệp phải đẩy mạnh việc vay nợ, đặc biệt là vay ngắn hạn để bổ sung nguồn vốn kinh doanh.

Tổng nợ phải trả đến cuối tháng 6 của của Thế Giới Di Động (MWG)đã tăng gần 3.200 tỷ đồng, trong đó, chủ yếu ở vay ngắn hạn. Báo cáo lưu chuyển tiền tệ cũng thể hiện việc Thế Giới Di Động (MWG) đã huy động tới 22.842 tỷ đồng tiền vay trong 6 tháng qua, nhiều hơn 5.600 tỷ đồng so với cùng kỳ năm trước.

Phần lớn số thu từ đi vay này là vay ngắn hạn để xoay vòng vốn, với khoản tiền trả nợ gốc trong kỳ cũng tăng gần 3.700 tỷ đồng, đạt 19.678 tỷ đồng.

Việc mở thêm nhiều cửa hàng sẽ khiến Thế Giới Di Động (MWG) phải đầu tư nhiều hơn vào giá trị tài sản cố định và hàng tồn kho tại mỗi cửa hàng, cùng với đó, là hoạt động gia tăng vốn vay để mở rộng hoạt động kinh doanh.

Trong trường hợp hoạt động và tiến trình kinh doanh không diễn ra như kỳ vọng, hệ quả từ chi phí đầu tư mở mới, nợ vay sẽ là gánh nặng với của Thế Giới Di Động (MWG) của ông Nguyễn Đức Tài.