Dân Việt

Bị bỏ rơi ở chùa lúc 1 ngày tuổi, cô gái nhỏ bền bỉ như kỳ tích giữa đời

Diệu Bình - Ngọc Trang 20/08/2019 20:00 GMT+7
Bị bố mẹ bỏ rơi ở chùa từ lúc một ngày tuổi, mặc dù mắc trọng bệnh nhưng cô bé Tâm Anh vẫn bền bỉ sống như một kỳ tích giữa cuộc đời.

Buổi sáng tháng 8, nắng vàng dịu, chúng tôi đến thăm Trung tâm Nuôi dưỡng người già và trẻ tàn tật Hà Nội ở xã Thụy An (Ba Vì, Hà Nội).

Ngoài khu vực điều hành, Trung tâm chia thành hai khu. Khu cho trẻ và khu cho người già. Khu cho người già không chỉ dành cho các cụ lớn tuổi mà dành cho cả đối tượng thanh niên từ 15 tuổi trở lên. 

img

Nhìn thấy người lạ đi ngang qua, lũ trẻ nhao nhao, cất giọng ngọng ngịu chào hỏi. Tất cả các trẻ ở đây có chung đặc điểm là đối tượng khuyết tật, bị bỏ rơi từ lúc lọt lòng.

Bỗng tiếng hát trong trẻo, hồn nhiên vang lên khiến chúng tôi chú ý, một nhân viên điều dưỡng cho hay, đó là giọng của cô bé Kiều Tâm Anh - 8 tuổi.

Tâm Anh là 1 trong số 24 trẻ khuyết tật ở chùa Bồ Đề được chuyển lên Trung tâm nuôi dưỡng từ năm 2015.

Dựa theo hồ sơ và những thông tin nắm bắt được, bà Nguyễn Thị Trạm (SN 1968) - người đang trực tiếp chăm sóc Tâm Anh cho hay, cuối năm 2010, cô bé bị bố mẹ bỏ ở cổng chùa Bồ Đề khi mới 1 ngày tuổi.

Tháng ngày tiếp theo, cháu sống lay lắt, chống chọi với số phận để giành giật sự sống. Toàn thân cháu tróc lở không rõ nguyên nhân, tay chân lúc nào cũng tứa máu, bốc mùi hôi, ruồi nhặng bâu quanh người.

Nhờ mạnh thường quân giúp đỡ khi đến chùa làm từ thiện, Tâm Anh được đưa đến bệnh viện thăm khám, kiểm tra. Thời gian cô bé vào viện còn nhiều hơn ở nhà, đến mức bác sĩ nhìn mặt là nhớ.

img

Tâm Anh trong vòng tay yêu thương của bà Trạm - nhân viên bộ phận nhà trẻ.

Tại đây, các bác sĩ chẩn đoán con mắc căn bệnh EB (ly thượng bì bóng nước bẩm sinh) - căn bệnh rối loạn da di truyền, khiến làn da người bệnh trở nên mỏng mảnh, dễ bị tổn thương. Lúc nào, trên da cũng xuất hiện các nốt phồng rộp nước. Khi vỡ, sẽ gây đau đớn, nguy cơ nhiễm trùng cao.

Chị Trần Phương Lan (hay còn gọi là Lan EB) - một trong những mạnh thường quân đưa bé Tâm Anh đi khám ở bệnh viện vào năm 2010 chia sẻ:

‘Nhìn con bé yếu ớt, gầy guộc, chúng tôi không nghĩ cháu có thể sống được. Từng hơi thở của con mỏng manh, như chờ ngày đi. Những vết thương hở, nứt toác, đỏ ửng.

Hàng ngày, tôi và mọi người sang chùa, tắm rửa, thay băng cho con. Đây cũng là trường hợp đầu tiên tôi biết đến căn bệnh này.

Bông băng, thuốc men cho trẻ EB hoàn toàn nhập ngoại và có giá rất đắt đỏ. Tuy nhiên, tôi vẫn cố gắng điều trị cho con khi có thể. Đôi bàn tay con, tôi bó bông băng, tách kẽ kịp thời nên không bị dính nhưng đáng tiếc đôi bàn chân con đã bị dính ngón, biến dạng’.

Sau một biến cố ở chùa Bồ Đề, Tâm Anh cùng các bạn chuyển về Ba Vì. Những đứa trẻ vốn đã thiệt thòi, thiếu thốn tình thương của cha mẹ từ bé, bắt đầu cuộc sống bên những người mẹ mới.

Bà Trạm kể thêm, ‘Tôi nhớ ngày đầu đi đón Tâm Anh. Cháu bé tí, người chảy mủ vàng, lẫn máu. Tôi mặc bộ quần áo màu trắng mà nước rỉ ra, ướt đẫm, đi đến đâu, ruồi nhặng bâu đến đấy. Bộ quần áo sau đó phải vứt đi. Nếu ai sợ, sẽ không đủ can đảm ẵm cháu vào lòng.

Cháu ăn uống kém, đêm ngủ giật mình thon thót, phải bế ngửa. Các mẹ nhà nuôi trẻ thay phiên nhau vỗ về suốt ngày đêm. Tôi hết ca trực, về nhà vẫn nơm nớp lo con bé trên Trung tâm liệu có ăn ngủ được hay không?

Da Tâm Anh mỏng, mụn mọc khắp nơi, mọc vào cả trong họng. Hôm nào mụn vỡ, con bé bỏ ăn uống, khóc ngằn ngặt. Sữa phải đút từng thìa. Đến giờ, thi thoảng mụn mọc bên trong, con lại lên cơn sốt hầm hập’.

img

Mỗi lần nhắc đến mẹ Lan EB, đôi mắt Tâm Anh ánh lên niềm vui.

Bà Trạm xúc động chia sẻ thêm, trước Tâm Anh hay được gọi là Bông nhưng từ khi lên đây, bé được gọi là Tâm Anh theo đúng tên khai sinh. Các mẹ ở nhà trẻ thay phiên nhau nấu nước lá tắm, bôi thuốc cho cháu.

Gần 5 năm, Tâm Anh thay đổi từng ngày, chẳng khác nào kỳ tích. Da dẻ tiến triển tốt đẹp hơn, các vết rộp da ít xuất hiện hơn. Mới đây, đoàn từ thiện trước chăm sóc Tâm Anh lên thăm Trung tâm, nhìn cô bé mà không nhận ra.

‘Năm vừa rồi cháu học lớp 1. Nhận thức của cháu chậm hơn các bạn. Đến giờ, cháu chỉ nhớ hết mặt chữ, chưa ghép được vần. Trung tâm cắt cử 1 mẹ kèm cháu học nhưng cháu nhớ nhớ, quên quên.

Tuy vậy, cháu hát hay, thuộc nhiều bài hát, múa giỏi. Bất cứ buổi giao lưu văn nghệ nào, ông Hồng (giám đốc Trung tâm) cũng ưu ái gọi lên biểu diễn.

Chúng tôi lấy việc chăm sóc Tâm Anh làm niềm vui, ở đây không ai chê trách hay xa lánh cháu. Cháu là đứa nhỏ nhất chùa Bồ Đề khi đưa đến, nuôi dưỡng cháu cũng vất vả nhất. Ngày hôm nay cháu được như thế này, thực sự là quả ngọt lớn lao.

Chứng kiến tháng ngày cháu vật lộn với cơn đau mỗi lần nhiễm trùng mới thấy sức sống bền bỉ của cháu’, bà Trạm lén lau giọt nước mắt, nói tiếp.

Người phụ nữ này cho hay, Tâm Anh và các cháu không gọi bà là mẹ mà coi bà như bà ngoại của mình.

Ở nhà, bà Trạm cũng có cháu nội, ngoại đầy đủ. Thế nhưng, bà thừa nhận, tình thương cho những đứa trẻ này còn nhiều hơn cả cháu ruột của mình. Cũng sinh ra đời, cùng hít thở bầu không khí nhưng số phận của các cháu thực sự bất hạnh.

Cả buổi, Tâm Anh khá bẽn lẽn, ngại ngùng nhưng khi nhắc đến mẹ Lan EB (người đưa con vào bệnh viện xét nghiệm, tìm ra căn bệnh) và bà Trạm, đôi mắt Tâm Anh sáng lên, lấp lánh niềm vui. Với con, bà Trạm, các mẹ ở Trung tâm hay mẹ Lan EB chính là điểm tựa, là hạnh phúc.

*Tiêu đề bài viết do Dân Việt đặt lại