Dân Việt

Trồng sâm trên độ cao 1.400m ở Lâm Đồng, vừa chất vừa năng suất

Văn Long 20/08/2019 06:00 GMT+7
Mới đây, tại TP.Đà Lạt (Lâm Đồng), Hiệp hội Nhân sâm Hàn Quốc và Công ty CP Sâm Việt VGC đã tổ chức hội thảo quốc tế về “Phát triển sâm Việt Nam công nghệ cao lần thứ nhất tại Lâm Đồng”.

Tại hội thảo này, các nhà khoa học cho rằng, sâm Việt Nam nếu trồng bằng hạt trên đất bằng với mái che nhân tạo và công nghệ mới tại độ cao 1.400m ở Lâm Đồng sẽ cho năng suất cao, hàm lượng saponin vượt trội so tiêu chí dược điển Việt Nam.

Theo TS Phạm S - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng, địa phương có điều kiện tự nhiên, khí hậu và thổ nhưỡng thuận lợi để phát triển nhiều cây dược liệu quý, trong đó có sâm Việt Nam. Những năm qua, sâm Việt Nam là một trong những cây trồng được quan tâm tại địa phương và được nhiều cơ quan, đơn vị nghiên cứu nhân giống bằng in vitro, phân tích, xác định hàm lượng saponin…

Nhiều công trình nghiên cứu đã được công bố với quốc tế, khẳng định đây là cây sâm quý của Việt Nam và trên thế giới. Qua 5 năm thử nghiệm (2014 - 2019) cho thấy, việc trồng sâm Việt Nam tại Lâm Đồng là hoàn toàn khả thi. Cây sâm trồng từ hạt có tỷ lệ nảy mầm, ra hoa, năng suất cây trồng cao.

img

Việc trồng thành công sâm Ngọc Linh tại Lâm Đồng có ý nghĩa rất lớn đối với sự phát triển của sâm Việt Nam.
Ảnh:  V.L

GS - TS Nguyễn Minh Đức - Trưởng khoa Dược (Trường Đại học Tôn Đức Thắng), một trong những nhà khoa học trực tiếp trồng Sâm Ngọc Linh tại tỉnh Lâm Đồng cho biết, kết quả trồng cây sâm tại tỉnh Lâm Đồng theo công nghệ mới có ý nghĩa lớn đối với sự phát triển của sâm Việt Nam.

“Lần đầu tiên, cây sâm được trồng đại trà trên cánh đồng phẳng với mái che nhân tạo. Cũng là lần đầu tiên cây sâm được di thực thành công đến Lâm Đồng là nơi có độ cao thấp hơn, khí hậu có nhiệt độ trung bình cao hơn và cách xa vùng sâm bản địa Ngọc Linh. Việc này mở ra triển vọng ở nhiều địa phương cho đất nước ta. Từ Lâm Đồng trở lên với độ cao và nhiệt độ như vậy thì đều có thể trồng sâm” - ông Đức nhận định.

TS Phạm S cũng cho biết, từ những kết quả đạt được, sắp tới, địa phương sẽ giao cho Sở Khoa học và Công nghệ cùng các cơ quan chức năng tiếp tục nghiên cứu và chuẩn hóa quy trình canh tác theo hướng công nghệ cao. Bên cạnh đó, Sở NNPTNT cũng sẽ tiếp cận quy trình để từng bước chuyển giao phát triển sản xuất quy mô lớn trong thời gian tới tại tỉnh.

Được biết, sâm Việt Nam còn gọi là sâm Ngọc Linh, sâm K5… được phát hiện đầu tiên vào năm 1973, ở độ cao 1.800m tại vùng núi Ngọc Linh (tỉnh Kon Tum). Các công trình nghiên cứu khoa học trên nhiều lĩnh vực công bố đến nay đã chứng minh được sâm Việt Nam là loại sâm quý của Việt Nam và thế giới.