Dân Việt

Chế biến nông sản vì sao ì ạch?

Khánh Nguyên 21/08/2019 06:05 GMT+7
Dù có vị trí rất quan trọng để nâng cao giá trị gia tăng cho ngành nông nghiệp nhưng đến nay ngành chế biến nông sản vẫn còn khá ì ạch, có tới 70% sản phẩm nông sản vẫn phải xuất khẩu thô. Nút thắt nào khiến lĩnh vực này chưa thể phát triển dù tiềm năng và dư địa phát triển là khá lớn?

Hiếm sản phẩm giá trị gia tăng

Là một doanh nghiệp (DN) có nhiều năm hoạt động trong lĩnh vực chế biến, xuất khẩu nông sản nhưng cho đến thời điểm này Công ty CP Kim Chính (TP. Hải Dương, tỉnh Hải Dương) vẫn chưa thể chủ động được nguồn nguyên liệu do thiếu kho lạnh dự trữ và phụ thuộc quá nhiều vào mùa vụ.

img

Chế biến xoài ở Nhà máy chế biến rau củ quả và trái cây Tanifood tại huyện Gò Dầu (tỉnh Tây Ninh). Ảnh: I.T

Rất nhiều chính sách ưu đãi dành cho các DN tham gia vào quá trình chế biến nông sản đã có nhưng thiếu thực tiễn hoặc DN khó tiếp cận. Ông Phạm Ngọc Thức cho biết, DN của ông chưa tiếp cận được nguồn vốn vay ưu đãi nào liên quan đến công tác chế biến, trong khi việc tiếp cận đất đai để mở rộng nhà máy cũng không hề dễ dàng.

“Đơn cử như mặt hàng cà rốt, do thiếu các kho bảo quản lạnh nên chúng tôi chỉ có thể xuất hàng cho đối tác Hàn Quốc, Malaysia trong vụ thu hoạch cà rốt, còn hiện tại dù nhu cầu của khách hàng vẫn còn thì chúng tôi cũng lực bất tòng tâm. Vì vậy, đối với những vùng sản xuất hàng hóa quy mô lớn nhưng có tính chất mùa vụ như vùng trồng cà rốt ở Hải Dương, rất cần có những kho lạnh bảo quản để kéo dài mùa vụ cũng như giảm áp lực tiêu thụ khi sản lượng tăng cao một cách đột biến” – ông Phạm Ngọc Thức – Giám đốc kinh doanh Công ty CP Kim Chính nói.

Đây cũng là vấn đề của nhiều DN hoạt động trong lĩnh vực sản xuất, kinh doanh, xuất khẩu nông sản hiện nay. Do quy mô sản xuất còn nhỏ lẻ, tỷ lệ  chế biến chưa cao đã khiến áp lực tiêu thụ nông sản càng trở nên nặng nề khi vào mùa vụ.

Đơn cử như tại Đồng Nai, toàn tỉnh có khoảng 300 DN chế biến nông sản, trong đó có khoảng 130 DN nằm trong các khu công nghiệp và cụm công nghiệp nhưng chủ yếu là DN có vốn đầu tư nước ngoài hoạt động ở các lĩnh vực như: Thức ăn gia súc, bột ngọt, bột nêm, cà phê, mía đường, sữa, hạt điều, bánh kẹo... Ngoài ra, có khoảng 3.000 cơ sở kinh doanh, sản xuất liên quan đến chế biến nông sản, thực phẩm nhưng ở quy mô hộ gia đình, sơ chế là chính nên giá trị chưa cao.

Trên quy mô toàn quốc, hiện, cả nước đã hình thành và phát triển hệ thống công nghiệp chế biến, bảo quản nông sản có công suất thiết kế lên đến 100 triệu tấn nguyên liệu/năm. Có trên 7.500 DN chế biến quy mô công nghiệp gắn với xuất khẩu, trong đó có hơn 2.600 cơ sở chế biến nông sản, hơn 760 cơ sở chế biến thủy sản...

Tuy nhiên, phải nhìn nhận một cách thẳng thắn là trình độ công nghệ chế biến nông sản của nước ta chưa cao, tỷ lệ sản phẩm có giá trị gia tăng cao còn thấp, chủng loại chưa phong phú. Các sản phẩm có giá trị gia tăng thấp vẫn chiếm tỷ lệ lớn (khoảng 80% sản lượng).

Ví dụ như ngành lúa gạo, cả nước hiện mới có 580 cơ sở xay xát quy mô công nghiệp với công suất 10 triệu tấn sản phẩm/năm. Trong khi đó, ngành rau quả với sản lượng sản xuất trên 25 triệu tấn/năm nhưng hiện mới có 150 cơ sở chế biến quy mô công nghiệp tập trung với tổng công suất thiết kế 1 triệu tấn sản phẩm/năm. Tương tự, sản lượng sản xuất ngành thủy sản đạt 7 triệu tấn nhưng sản phẩm chế biến chỉ đạt 4,5 triệu tấn.

Tháo gỡ nút thắt

Theo ông Nguyễn Quốc Toản – Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ NNPTNT), khâu chế biến là vô cùng quan trọng trong quá trình nâng cao giá trị gia tăng cho ngành nông nghiệp, nhất là trong bối cảnh hội nhập kinh tế ngày càng sâu rộng, các hàng rào kỹ thuật ngày càng nhiều thì chỉ có đẩy mạnh khâu chế biến thì mới hóa giải được những khó khăn này.

“Trong 2 năm trở lại đây đã ghi nhận một làn sóng DN lớn đầu tư sâu vào công tác chế biến nông sản với tổng đầu tư khoảng 22.000 tỷ đồng với 20 dự án, từ đó giúp giảm tỷ lệ xuất khẩu thô từ 90% trước đây xuống còn 70%. Tuy nhiên, những nút thắt về đất đai, tín dụng đang là những rào cản khiến DN chưa mạnh dạn triển khai các dự án về chế biến. Thực tế, 20 dự án trên chủ yếu là của những DN lớn, giàu nguồn lực, còn những DN nhỏ và vừa tham gia vào quá trình này chưa nhiều” – ông Toản nói.

Từ thực tiễn sản xuất của đơn vị, ông Phạm Ngọc Thức cho rằng, đối với những vùng sản xuất mang tính mùa vụ như cà rốt ở Hải Dương, rất cần có các kho lạnh để kéo dài thời gian bảo quản sản phẩm, điều này vừa giúp giảm áp lực tiêu thụ vừa giúp DN có nguồn nguyên liệu để chế biến quanh năm. “Như thời điểm này, chúng tôi không có sản phẩm rau màu gì để chế biến vì không phải mùa vụ” – ông Thức cho biết.

Theo ông Nguyễn Quốc Toản, đối với những vùng sản xuất có tính chất mùa vụ cần thiết phải xây dựng các kho bảo quản nhằm kéo dài chu kỳ, nâng cao giá trị gia tăng cho sản phẩm. Bên cạnh đó, các địa phương cần có chính sách khuyến khích DN đầu tư công nghệ để chế biến sâu, tập trung vào các sản phẩm chủ lực để nâng cao giá trị gia tăng thay vì chủ yếu là xuất sản phẩm tươi như hiện nay.