Dân Việt

Làm giàu khác người: Thành tỷ phú "khu nhà giàu" nhờ chớp thời cơ

Trần Đáng 20/08/2019 19:15 GMT+7
Nhờ biết làm ăn, cần cù học hỏi, chỉ hơn chục năm quyết tâm đeo bám thanh long ruột trắng, lão nông Trương Quang An (Tư An) ở thị trấn Tầm Vu, huyện Châu Thành, tỉnh Long An, đã trở thành tỷ phú.

Trước khi về Tầm Vu gặp tỷ phú Tư An, tôi ngồi trò chuyện với Phó Chủ tịch Hội ND tỉnh Long An Trần Quốc Toản xung quanh việc tại sao quanh đi quẩn lại nông dân cấp Trung ương của tỉnh Long An vẫn là… Tư An? Ông Toản trả lời tỉnh queo: “Thì tại ổng làm ăn giỏi”.

Chớp cơ hội “vàng”…

img

Ông Tư An giới thiệu về sản phẩm thanh long ruột trắng.  Ảnh:  Trần Đáng

Thị trấn Tầm Vu những năm gần đây được ví như "khu nhà giàu" bởi nhờ trồng thanh long xuất khẩu. Thời điểm này về Tầm Vu, thanh long đang vào mùa thu hoạch, trái chín đỏ vườn, đầy ắp các kho. Tại nhà sơ chế của Hợp tác xã (HTX) Thanh long Tầm Vu do lão nông Tư An làm giám đốc, nhân công tất bật lo đóng hàng cho khách.

Lão nông Tư An thấy tôi bước vào chỉ kịp bắt tay rồi lại ôm máy điện thoại trả lời khách đặt hàng. Cái tính nói thẳng, nói to thường ngày của ông xem ra rất tác dụng trong những cuộc đặt hàng làm ăn. Loáng một cái, ông đã dàn xếp xong mấy đơn hàng thanh long cho HTX.

Năm 1995, đang nuôi lợn, trồng chanh ngon lành, ông bắt gặp một thương lái người Đài Loan đi lòng vòng trong xóm hỏi mua thanh long với giá tới 100.000 đồng/kg. Chớp lấy cơ hội, ông dẹp chuồng lợn, hạ vườn chanh lấy 5 công đất trồng thanh long.

“Lúc ấy ở Tầm Vu chỉ có vài ba nhà trồng ít trụ thanh long ruột trắng lấy trái bán chợ làng. Nhà tôi cũng có trồng. Lúc ấy cây thanh long được cho bò trên mấy cây vông gọi là được chăng hay chớ chứ có đầu tư gì đâu” -ông Tư An cho biết.

Từ nguồn giống thanh long tự nhiên này, lão nông Tư An đi thu gom rồi trồng trên 5 công đất dọn sẵn. Thay vì cho cây thanh long bò lên cây vông, ông Tư An cho thanh long leo trụ. Những vụ thanh long cho trái bội thu với giá tốt khiến lão nông Tư An chạy đôn, chạy đáo đi thuê đất mở rộng diện tích trồng thanh long. “Thấy mê quá, tôi thuê thêm 1,4ha đất trồng thanh long” - ông thổ lộ.

Giờ thì lão nông Tư An có 3ha đất trồng thanh long. Cho đến giờ, lão nông này vẫn trung thành với thanh long ruột trắng, dù những năm qua người làm thanh long ồ ạt chuyển sang trồng thanh long ruột đỏ với giá cao gấp đôi, gấp ba thanh long ruột trắng.

“Vừa rồi, tôi phá bỏ vườn thanh long ruột trắng đã lão hóa để trồng lại cũng loại thanh long này. Bà con nông dân thấy tôi làm vậy đã cười. Thật ra, thanh long ruột đỏ hiện chỉ có thị trường Trung Quốc “ăn hàng”, còn ruột trắng bán cho nhiều thị trường nước ngoài” - ông Tư An tiết lộ.

Nghe tôi hỏi, làm ăn đang phất sao không mở thêm diện tích, ông cười khà khà: “Làm nhiều nếu không quản được chỉ thua lỗ. Với tình hình công lao động đắt đỏ như hiện nay, không khéo chủ vườn sẽ giao đất lại cho nhân công làm thuê để trừ nợ. Nông dân cứ đeo bám vườn thanh long chờ giá tốt, nhưng nếu thị trường Trung Quốc không “ăn hàng” thì nghề sản xuất thanh long sẽ khốn khổ, mà những người làm diện tích lớn sẽ chết trước” - ông bộc bạch.

Chân dung nông dân mới

Thật ra, những năm qua, bên cạnh sản xuất thanh long, lão nông Tư An dốc hết tâm lực vào hoạt động của HTX thanh long Tầm Vu để nâng thu nhập cho các thành viên và chính mình. Đây là đứa con tinh thần mà ông manh nha từ những ngày chân ướt, chân ráo vào nghề sản xuất thanh long. “Lúc đó, tôi chưa bán thanh long nhiều như bây giờ, nhưng nghĩ thanh long đang có giá, mà một mình thì không đủ số lượng để đóng hàng cho khách, nên tôi nghĩ phải liên kết nông dân mới làm lớn chuyện được” - ông tâm sự.

Theo Phó Chủ tịch Hội Nông dân Long An Trần Quốc Toản, ông Tư An không chỉ giỏi sản xuất, kinh doanh mà còn là người rất nhiệt tâm với các hoạt động xã hội tại địa phương. Mỗi năm, ông đóng góp khoảng 100 triệu đồng cho các công tác xã hội. Ông đã nhận được 2 bằng khen của Thủ tướng Chính phủ, Huân chương Lao động hạng Ba, danh hiệu Nông dân Việt Nam xuất sắc (2013)…

Được Hội ND tỉnh giới thiệu, “Hai lúa” Tư An tham gia lớp tập huấn về xây dựng HTX của Liên đoàn HTX Đức (DGRV) tổ chức tại Việt Nam. Sau khóa học, thấy quá hay, ông liên hệ với DGRV xin sang Đức học thêm về kiến thức này để về tổ chức, thành lập HTX. “Ở Đức, họ quan điểm làm HTX như là doanh nghiệp nên rất dễ làm” - ông Tư An cho biết.

Sau khi đi Đức về, năm 2008, ông Tư An về thành lập HTX thanh long Tầm Vu. Ông kêu gọi 13 nông dân liên kết, góp vốn trên mẫu đất (2 triệu đồng/công), tổng cộng được 13ha, rồi đăng ký vốn điều lệ 250 triệu đồng thành lập HTX. “Làm nông bây giờ cứ kiểu truyền thống là khó ăn thua lắm. Nông dân giờ phải có đầu óc kinh doanh, phải liên kết, xây chuỗi, mà muốn làm ngon cơm chuyện này phải mời gọi những người biết làm ăn, mời “đại gia” vào làm chung” - ông chia sẻ.

Hiện HTX có 50ha đất trồng thanh long với 40 thành viên. 80% diện tích trồng thanh long của HTX đã ứng dụng công nghệ cao, 23ha chứng nhận VietGAP. HTX có hơn 100 nhân công, lương bình quân 7 - 8 triệu đồng/người/tháng.

Ngoài thu mua thanh long ruột trắng cho các thành viên, HTX còn thu mua thanh long ruột đỏ của nông dân để xuất khẩu. Mỗi năm có khoảng 60.000 tấn của HTX xuất đi các nước, trong đó 50% xuất đi Trung Quốc (thanh long ruột đỏ). Số còn lại (chủ yếu thanh long ruột trắng) xuất sang Thái Lan, Ấn Độ, các tiểu Vương quốc Ả Rập…

Lão nông Tư An không quên dẫn tôi đi xem khu nhà sơ chế mới xây dựng rộng khoảng 1.000m2 của HTX. Tại đây, máy rửa trái thanh long mới toanh trị giá 350 triệu đồng cũng vừa đem về. “HTX sẽ mở rộng quy mô sản xuất nhằm đẩy mạnh thua mua thanh long cho nông dân và bán hàng cho doanh nghiệp xuất khẩu” - ông Tư thông tin.

Đất Tầm Vu từ thời Pháp thuộc đã nổi tiếng với “khu nhà giàu” mọc lên giữa ruộng lúa. Giờ khu vực khu phố Hội Xuân - nơi ông Tư An đang sống, bát ngát thanh long cũng đã mọc lên nhiều ngôi biệt thự, nhà vườn không thua kém “khu nhà giàu” ngày trước. Sự giàu có, sung túc này từ thanh long mà ra.