Dân Việt

10 năm xây dựng NTM ở Văn Lâm: Huyện mạnh, dân giàu nhanh

Minh Huệ  20/08/2019 15:55 GMT+7
Sau gần 10 năm triển khai Chương trình xây dựng nông thôn mới (NTM), đến nay 10/10 xã của huyện Văn Lâm đã được công nhận đạt chuẩn. Kinh tế - xã hội của huyện phát triển nhanh, thu nhập bình quân đầu người đạt hơn 65 triệu đồng/năm. Dự kiến trong năm nay Văn Lâm sẽ được công nhận đạt chuẩn huyện NTM.

Vào HTX nuôi lợn sạch, mỗi năm bỏ túi 2-5 tỷ đồng

Giữa lúc “bão” dịch tả lợn châu Phi vẫn hoành hành trên khắp cả nước, nghe chuyện nhiều hộ vẫn thu tiền tỷ từ con lợn, thịt sản xuất ra không đủ bán... thật khó tin. Nhưng đấy lại là chuyện có thật tại HTX chăn nuôi an toàn Siêu Việt (đóng tại xã Lạc Đạo).

Với 100 lợn nái, khoảng 5.000 lợn thịt, HTX Siêu Việt hoàn toàn chủ động từ đầu vào (con giống, thức ăn) tới đầu ra nhờ thực hiện khâu giết mổ, đóng gói và tiêu thụ.

img

Công nhân cho lợn ăn tại HTX Siêu Việt. Ảnh: I.T

Đặc biệt, để tạo ra sản phẩm thịt lợn thơm ngon, đảm bảo an toàn, HTX không chỉ áp dụng quy trình chăn nuôi an toàn sinh học nghiêm ngặt, ưu tiên sử dụng thức ăn từ cám ngô, cám gạo, sắn, rau bèo có trộn thêm lá đinh lăng, mà lợn ở đây còn được cho tắm nắng, chơi ngoài khu vực sân riêng…

Hiện, HTX có 2 cửa hàng bán thực phẩm ở địa bàn Hưng Yên và 3 cửa hàng tại Hà Nội, mỗi ngày giết mổ từ 5-10 con lợn, ngày cao điểm lên tới 15-16 con. Vì thế xã viên nuôi được con nào, HTX bao tiêu hết tới đó, thậm chí còn không đủ thịt sạch cung cấp cho khách hàng.

Ông Nguyễn Văn Việt - Giám đốc HTX cho biết: Khi dịch tả lợn châu Phi tấn công đàn lợn ở địa phương, HTX chỉ có 1 trường hợp hộ xã viên chăn nuôi kiểu chuồng hở nên bị dính dịch. Ngay lập tức, chúng tôi tiến hành khoanh vùng, tiêu hủy đàn lợn nhằm chặn dịch lây lan.

Từ đó tới nay, các xã viên chăn nuôi bình thường, với giá lợn hơi đang dao động từ 47.000 – 48.000 đồng/kg, các hộ đều có lãi khá. Năm ngoái, doanh thu của HTX đạt hơn 20 tỷ đồng, dự kiến năm nay sẽ đạt khoảng 30 tỷ. Trung bình mỗi hộ xã viên thu nhập ít nhất cũng đạt 2-3 tỷ, nhiều lên tới khoảng 5 tỷ đồng/năm.

img

Làng nghề sản xuất thuốc nam, thuốc bắc thôn Nghĩa Trai, xã Tân Quang, Văn Lâm, Hưng Yên. Ảnh: M.H

Kế hoạch nâng cao chất lượng các tiêu chí NTM của Văn Lâm đến năm 2020: Thu nhập bình quân đầu người đạt trên 70 triệu đồng/năm; 100% số hộ dân sử dụng nước sạch; tỷ lệ hộ nghèo dưới 1%; toàn huyện có ít nhất 70% số xã được công nhận xã NTM nâng cao và có ít nhất 5 xã đạt NTM kiểu mẫu...

Theo báo cáo của UBND huyện Văn Lâm, đến nay toàn huyện có 19 HTX nông nghiệp đã hoàn thành tổ chức và hoạt động theo Luật HTX 2012. Trên địa bàn huyện còn hình thành nhiều vùng sản xuất theo chuỗi giá trị như vùng sản xuất lúa chất lượng cao, quy mô 40ha/vụ ở xã Việt Hưng; vùng trồng kiệu 15ha tại thôn Tân Nhuế (xã Lạc Đạo), vùng trồng hoa cây cảnh 40ha ở các xã Tân Quang, thị trấn Như Quỳnh…

Những mô hình này đều cho hiệu quả kinh tế cao gấp 3-5 lần so với trồng lúa, giúp nông dân gắn bó với đồng ruộng.

“Đòn bẩy” từ công nghiệp, dịch vụ

Về huyện Văn Lâm, đâu đâu cũng thấy đường sá rộng thênh thang, sạch đẹp vào tận xóm ngõ, hai bên đường là những rặng hoa nở sắc vàng, sắc tím rực rỡ. 100% số km đường huyện và trục xã đảm bảo ôtô đi lại thuận lợi. Khắp xóm làng san sát những dãy nhà kiên cố, cao tầng; từ trụ sở xã, trạm y tế, hệ thống trường học đến nhà văn hóa thôn đều được đầu tư chỉnh trang, xây mới khang trang.

Đáng nói, sự khang trang này đều đến từ sự chung tay đóng góp của người dân và nguồn vốn xã hội hóa. Trên địa bàn xã không còn nhà tạm, nhà dột nát, tỷ lệ hộ nghèo chỉ còn 1,03% (trong đó có 268 hộ nghèo diện chính sách).

img

Trụ sở UBND huyện Văn Lâm (tỉnh Hưng Yên). Ảnh: M.H

Nói về sự “giàu có” này, ông Trần Văn Lâm - Phó Chủ tịch UBND huyện, Phó Trưởng ban thường trực Ban Chỉ đạo chương trình xây dựng NTM huyện Văn Lâm cho biết, có được những kết quả này là nhờ huyện đã tổ chức thực hiện chuyển dịch mạnh mẽ cơ cấu kinh tế theo hướng giảm tỷ trọng nông nghiệp, tăng tỷ trọng công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, thương mại…

Hiện, tỷ trọng công nghiệp chiếm tới 82% cơ cấu kinh tế của huyện, trên địa bàn có 1 khu công nghiệp là Phố Nối A với diện tích hơn 500ha và 3 cụm công nghiệp, giải quyết việc làm cho đông đảo lao động ở các xã, thị trấn trên địa bàn và khu vực lân cận.

Ông Lâm cho biết thêm, nhờ đời sống người dân được nâng cao nên các phong trào thi đua “Cả nước xây dựng NTM” đã được nhân dân hưởng ứng tích cực. Huyện đã huy động được hơn 4.372 tỷ đồng để triển khai các chương trình, dự án, trong đó riêng nhân dân đóng góp lên tới hơn 3.416 tỷ đồng, chiếm 78,14%.