Sản phẩm nhập khẩu hút khách
Mặt hàng ngoại nhập tăng đột biến tại thị trường TP.HCM trong những tháng gần đây dễ nhận thấy nhất là trái cây. Dạo một vòng trên các tuyến phố của hầu hết các quận trên địa bàn TP, đâu đâu cũng thấy trái cây ngoại tràn lan.
Ở đầu đường Nguyễn Thái Bình giao với đường Xuân Diệu (quận Tân Bình), có hai cửa hàng trái cây với khoảng 70% là trái cây nhập khẩu bao gồm: táo Úc, Mỹ, kiwi New Zealand, cam Úc, dưa lưới Nhật Bản..., đặc biệt nhiều hơn cả phải kể đến cherry Mỹ.
Một chủ cửa hàng tại đây cho biết: Năm nay trái cây nhập khẩu nhiều loại rẻ hơn các năm trước, tuy vậy, giá trung bình trái cây ngoại vẫn cao hơn trái cây trong nước nhưng vẫn được người tiêu dùng ưa chuộng.
Ví dụ như táo Úc, Mỹ giá từ 60.000 đồng – trên 200.000 đồng/kg tùy loại, kiwi vàng, đỏ từ 120.000 đồng/kg, cam Úc giá từ 60.000 đồng/kg, riêng cherry giá thị trường thấp nhất trong nhiều năm qua, khoảng hơn 300.000 đồng/kg nên được người tiêu dùng mua rất nhiều.
Trái cây nhập ngoại giá thành cao nhưng vẫn hút khách.
Lý giải về điều này, chủ cửa hàng cho biết: Người tiêu dùng mua trái cây nhập khẩu nhiều bởi có nhiều loại trong nước chưa trồng được. Hơn nữa, cũng bởi tâm lý mua trái cây nhập ngoại sẽ yên tâm hơn về chất lượng và vấn đề hóa chất tồn dư trong sản phẩm… Mặt khác, nhiều khách hàng thường mua làm quà tặng vì độ sang trọng của trái cây ngoại “ăn đứt” trái cây nội.
Không chỉ được bày bán ngoài các cửa hàng nhỏ lẻ, trái cây nhập ngoại còn chiếm lĩnh số lượng trong các siêu thị, cửa hàng tiện lợi, chuỗi bán lẻ… Tại Lotte Mart Cộng Hòa, một nhân viên ở đây cho biết: số lượng người mua trái cây nhập khẩu trong những tháng đầu năm nay tăng hơn năm 2018.
Cùng với trái cây, các loại thịt heo, bò, gà… được nhập nhiều trong thời gian qua. Thịt heo Mỹ nhập về Việt Nam chỉ có giá 30.000 đồng/kg, tương tự, thịt đùi gà Mỹ giá bán lẻ tại các siêu thị cũng chỉ 30.000 – 35.000 đồng/kg, đang “làm mưa làm gió” và thu hút các bà nội trợ.
Doanh nghiệp và “bài toán” cạnh tranh
Theo số liệu từ Tổng cục Hải quan, nông sản Mỹ nhập vào Việt Nam tăng cao hơn gần 70% so với cùng kỳ năm trước. Tính đến hết tháng 6/2019, Việt Nam đã chi 116 triệu USD mua hàng rau quả từ Mỹ mà chưa tính các nước khác.
Lý do hút khách của trái cây nhập khẩu bởi mẫu mã đẹp, chất lượng bảo đảm, không có lượng tồn dư chất độc hại...
Đây là tín hiệu vui đối với thị trường Việt Nam. Điều này chứng tỏ nhu cầu được thưởng thức, tiêu dùng những sản phẩm chất lượng cũng như đời sống của người dân được nâng lên. Sản phẩm nhập khẩu giá rẻ tạo điều kiện cho người tiêu dùng được sử dụng sản phẩm mà trước kia chỉ dành cho một bộ phận nhỏ những người có thu nhập cao trong xã hội.
Tuy nhiên, nhiều loại nông sản, thực phẩm từ Mỹ và một số quốc gia khác nhập vào Việt Nam với mức giá rẻ hơn đang đặt ra thách thức lớn đối với nền sản xuất nông nghiệp trong nước cũng như với hệ thống phân phối, bán lẻ hiện nay.
Ông Nguyễn Tấn Thanh – Trưởng bộ phận truyền thông của Saigon Co.op chia sẻ: Hiện những mặt hàng nông, thủy sản, thực phẩm nhập ngoại có giá thành cạnh tranh, chất lượng được người tiêu dùng gửi niềm tin… không chỉ là khó khăn, thách thức cho riêng nhà sản xuất mà đối với cả hệ thống bán lẻ.
Siêu thị là một đơn vị kinh doanh trong nước nên trước mắt Saigon Co.op hỗ trợ tối đa sản phẩm trong nước. Tuy nhiên, sẽ khó khăn cho doanh nghiệp trong việc cạnh tranh về giá sản phẩm.
Đùi gà nhập khẩu của Mỹ giá 35.000 đồng/kg hút khách hàng.
Hệ thống phân phối, bán lẻ không thể ép người tiêu dùng mua sản phẩm trong nước mà không mua sản phẩm nhập ngoại được. Tới một thời điểm nào đó, thói quen tiêu dùng thay đổi, nhu cầu thị trường thay đổi một cách khách quan thì về lâu dài, doanh nghiệp bán lẻ cũng như nhà sản xuất phải có lộ trình thay đổi phù hợp với quy luật thị trường.
Bản thân những đơn vị sản xuất trong nước cũng phải nắm bắt được sự xu hướng thay đổi của quy luật thị trường để có phương án và thời gian chuẩn bị. Ví dụ như thay đổi về con giống, công nghệ, quy trình sản xuất… để nâng cao chất lượng, hạ giá thành sản phẩm…
Cùng với đó, Nhà nước cũng cần có chính sách ưu đãi về thuế, phí, hỗ trợ về vốn, kỹ thuật… cho người sản xuất nông nghiệp. Nhà nước, nhà doanh nghiệp, nông dân phải cùng bắt tay để xây dựng kế hoạch cụ thể, chuẩn bị tốt cho phương án hội nhập thương mại quốc tế, đặc biệt hàng rào thuế quan được gỡ bỏ khi Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA) có hiệu lực trong đầu năm 2020.