Ngày 20/8, Hội nghị Phát triển kinh tế miền Trung được tổ chức tại TP. Quy Nhơn, tỉnh Bình Định, có sự tham dự của các nhà đầu tư lớn trong nước và đại diện một số tập đoàn nước ngoài, các nhà nghiên cứu, chuyên gia kinh tế, lãnh đạo 14 tỉnh, thành phố miền Trung và đại diện 2 tỉnh Tây Nguyên với trên 700 đại biểu.
Đa trung tâm, gắn kết vùng
Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định Hồ Quốc Dũng nhận định, lâu nay chưa có địa phương nào đảm đương vai trò là trung tâm của cả vùng, vì vậy cần xác định phát triển miền Trung theo hướng đa trung tâm, gắn vị trí của từng địa phương trong mối liên kết ở khu vực với Tây Nguyên và các nước trong Tiểu vùng sông Mekong, để định hướng quy hoạch tỉnh đảm bảo đồng bộ, gắn kết vùng và cả nước.
Ông Dũng đề nghị Chính phủ chỉ đạo hoàn thiện thể chế để phát triển bền vững kinh tế biển, có cơ chế chính sách đột phá, nhất là phân cấp cho các địa phương trong thu hút đầu tư. Cần làm rõ mối liên kết để phát triển du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn, lựa chọn phát triển các ngành, lĩnh vực cụ thể để tránh trùng lặp và bảo đảm phát triển ổn định, bền vững hài hòa với thiên nhiên.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cùng Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định Hồ Quốc Dũng tham quan gian hàng bên lề hội nghị.
Ông Dũng cho rằng, vùng kinh tế trọng điểm miền Trung đang là “vùng trũng”, nơi đây chịu sự khắc nghiệt của thiên tai, địa hình hẹp trải dài, cơ sở hạ tầng nhất là giao thông đi lại còn khó khăn nên việc liên kết phát triển rất hạn chế. Vì vậy, các tỉnh trong vùng chưa khai thác và phát huy tốt hiệu quả tiềm năng, lợi thế của mình.
“Đề nghị Trung ương chỉ đạo sớm đầu tư hoàn thiện đường cao tốc Bắc - Nam, có đoạn Quảng Ngãi - Bình Định - Phú Yên và tuyến đường ven biển nối các tỉnh miền Trung, để tạo điều kiện lưu thông hàng hóa, kết nối các điểm du lịch giữa các tỉnh duyên hải miền Trung. Đầu tư, nâng cấp hệ thống giao thông kết nối các tỉnh Tây Nguyên với các tỉnh duyên hải miền Trung, cũng như phát huy lợi thế là cửa ngõ hướng biển của các nước trong Tiểu vùng sông Mê Kông mở rộng”, ông Dũng nói.
Bí thư Tỉnh ủy Quảng Nam Phan Việt Cường cho rằng, nhiều hoạt động liên kết kinh tế mang tính lâu dài vẫn chủ yếu nằm dưới dạng văn bản hợp tác mà ít được triển khai trên thực tế. Hầu như chưa tạo được sự phối hợp cần thiết giữa các địa phương trong vùng hoặc giữa các tác nhân kinh tế trong nội bộ vùng với nhau trong việc hỗ trợ doanh nghiệp hình thành cụm liên kết ngành.
Bí thư Tỉnh ủy Bình Định Nguyễn Thanh Tùng và Chủ tịch UBND tỉnh Hồ Quốc Dũng trao giấy chứng nhận đầu tư cho 15 nhà đầu tư.
Theo ông Cường, cần hoàn thiện cơ chế điều phối, nâng cao vị trí, vai trò của Hội đồng vùng trong việc tham gia các chủ trương, chính sách phát triển vùng và định hướng phát triển các địa phương trong vùng, đặt biệt là vai trò trong việc chủ trì lập Quy hoạch vùng kinh tế trọng điểm miền Trung theo Luật Quy hoạch trong giai đoạn tới.
Ông Cường đề nghị Chính phủ ban hành các cơ chế, chính sách và các giải pháp mang tính đột phá, tạo động lực phát triển các ngành, lĩnh vực mà vùng miền Trung có tiềm năng, lợi thế lớn như: Du lịch và dịch vụ biển; khu kinh tế, khu công nghiệp, khu đô thị ven biển; cảng biển gắn với logistics; ngư nghiệp và nông nghiệp công nghệ cao... và sớm triển xây dựng quy hoạch vùng kinh tế trọng điểm miền Trung theo Luật Quy hoạch.
Không còn là ‘đòn gánh’ yếu, sợ gãy
Tiến sĩ Trần Du Lịch cho rằng, 20 năm qua với nỗ lực của Trung ương, năng động của địa phương thì vùng bắt đầu thay da, đổi thịt. Với tiềm năng dư địa phát triển, vùng có khả năng tăng trưởng 9-10%/năm trong 10-15 năm tới.
“Bây giờ hay không bao giờ để vùng này thoát nghèo. Đây là thời cơ để miền Trung thịnh vượng, không còn là đòn gánh yếu, luôn luôn sợ gãy nữa”, ông Lịch nhấn mạnh và cho rằng phải có thể chế, cơ chế vượt trội cho vùng.
“Phải tính xem có bao nhiêu dự án của vùng cần mang ra Trung ương, mất bao nhiêu ngày để làm thủ tục. Giải quyết nhanh 1 ngày thì miền Trung sẽ thoát nghèo nhanh hơn 1 năm. Cần gỡ vướng thể chế để vùng đi nhanh hơn mà không sợ ngã”, ông Lịch nói.
Chuyên gia kinh tế Trần Du Lịch nêu những giải pháp cụ thể để cải thiện bức tranh kinh tế các tỉnh miền Trung.
Theo ông Lịch, để góp phần thúc đẩy phát triển vùng, thì cần nhiều yếu tố gồm: phải có quyết tâm chính trị, tập trung nguồn lực tạo bước đột phá với 5 trụ cột kinh tế, tạo môi trường đầu tư hấp dẫn mang tính cạnh tranh vượt trội, xây dựng cơ sở hạ tầng kết nối vùng gắn phát triển Tây Nguyên, hoàn thiện cơ chế liên kết, điều phối phát triển vùng.
Theo Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Ngọc Thiện, để miền Trung phát huy được hiệu quả vùng du lịch, cần hoàn thiện các cơ chế, chính sách tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển du lịch ở khu vực, tập trung phát triển các sản phẩm du lịch đa dạng, có chiều sâu chất lượng, giá trị trải nghiệm cao.
Miền Trung là khu vực đã và sẽ chịu tác động lớn của biến đổi khí hậu trong khi du lịch biển là ưu thế của khu vực, do vậy cần nghiên cứu, đề xuất và triển khai thực hiện các giải pháp thích ứngvà giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu đến du lịch.
Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện cho rằng, về hình thức hợp tác cần phát huy các liên kết đang triển khai hiệu quả trong từng cụm như hợp tác giữa Thừa Thiên - Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam; hợp tác Nghệ An, Thanh Hóa, Hà Tĩnh…để làm điển hình và nhân rộng, chủ động cho các liên kết vùng và khu vực. Bên cạnh đó, thúc đẩy cơ chế hợp tác quốc tế qua Hành lang Kinh tế Đông - Tây,Tam giác Phát triển Campuchia - Lào - Việt Nam.
Tập trung liên kết về phát triển sản phẩm du lịch, xúc tiến quảng bá và phát triển nguồn nhân lực du lịch. Trong đó, mỗi địa phương vừa là một đối tác vừa là cạnh tranh để phát huy lợi thế, quan trọng là xác định được yếu tố đặc thù của từng địa phương trong phát triển sản phẩm du lịch đặc thù và tạo thành hình ảnh tổng thể của sản phẩm du lịch đặc trưng từng vùng kết hợp, đan xen, bổ trợ trong cả khu vực, tạo thành điểm đến hấp dẫn của khách du lịch.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại Hội nghị.
Phải là nơi ‘đất lành, chim đậu’
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhắc tới câu chuyện vợ chồng GS Trần Thanh Vân hay GS Nguyễn Mại, những người đã lớn tuổi nhưng rất tâm huyết đóng góp xây dựng Tổ quốc, miền Trung và cho rằng, điều quan trọng cần nói đầu tiên là yếu tố con người có tính chất quyết định. Lớp trẻ cần học tập tinh thần nhiệt huyết, trách nhiệm đó, vượt lên khó khăn, đóng góp phát triển đất nước bởi không có ý chí, quyết tâm thì không thành công.
Nêu một số nét chính về sự phát triển của miền Trung, Thủ tướng đề cập đến các mặt tồn tại, bất cập để khắc phục. Thể chế cho phát triển kinh tế các tỉnh miền Trung nói riêng, cũng như cho sự phát triển toàn vùng nói chung, đang dần được hình thành nhưng còn thiếu nhiều thứ và chưa đồng bộ, đặc biệt là trong phân cấp quản lý kinh tế, liên kết vùng.
Theo Thủ tướng, mỗi một địa phương miền Trung như một “đốt sống” kinh tế nhưng lại rất rời rạc, lỏng lẻo tựa như bị “thoát vị đĩa đệm”. Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung chưa thể hiện được vai trò là hạt nhân tăng trưởng, đầu tàu dẫn dắt kinh tế vùng.
Các ngành công nghiệp vẫn chủ yếu thâm dụng tài nguyên, sử dụng lao động giản đơn, công nghệ chưa cao, các liên kết cụm ngành còn thiếu, khả năng lan tỏa hạn chế. Nhiều tiềm năng “rừng vàng, biển bạc” vẫn chưa được khai thác hiệu quả. Chất lượng cơ sở hạ tầng vẫn còn thiếu và yếu. Chất lượng môi trường kinh doanh chưa cao. Năng lực quản trị nhà nước, năng lực của độ ngũ cán bộ công chức, viên chức ở nhiều địa phương còn yếu đã làm giảm tinh thần khởi nghiệp và sáng tạo của nền kinh tế.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trao đổi với các đại biểu tham dự Hội nghị.
Thủ tướng nhấn mạnh, phải vận dụng chiến lược kinh tế biển vào miền Trung, tập trung vào 5 trụ cột kinh tế. Đó là ngư nghiệp, phải tập trung nuôi trồng và đánh bắt và chế biến thủy hải sản, một thế mạnh không phải nơi nào cũng có. Thứ hai là du lịch, đặc biệt là du lịch biển đảo và khai thác thế mạnh của du lịch vùng Tây của các tỉnh miền Trung. Thứ ba là cảng biển và các dịch vụ logistics. Thứ tư là phát triển các ngành công nghiệp chế tạo, chế biến gắn liền với lợi thế cảng biển. Không có công nghiệp thì khó có thể phát triển bền vững. Thứ năm là năng lượng tái tạo như điện gió, điện mặt trời và nghiên cứu các dạng năng lượng khác.
Thủ tướng cho rằng, vấn đề quy hoạch chiến lược phát triển miền Trung cần rõ hơn, sớm có thể chế thuận lợi cho phát triển khu vực. Xây dựng môi trường kinh doanh có tính cạnh tranh hơn, miền Trung phải thực sự là "đất lành, chim đậu", tạo điều kiện cho sự phát triển.
Để giúp vùng kinh tế miền Trung phát triển, Thủ tướng đã giao nhiệm vụ cho rất nhiều bộ, ngành ở Trung ương cùng vào cuộc giải quyết.
Thủ tướng cho rằng, lãnh đạo các địa phương cần khơi dậy khát vọng vươn lên mạnh mẽ của toàn vùng và từng địa phương, doanh nghiệp, người dân. Phát huy tinh thần tự lực, tự cường và liên kết, phối hợp chặt chẽ, xác định rõ các yếu tố bứt phá, tận dụng mọi cơ hội để phấn đấu vươn lên, phát triển nhanh, bền vững, đóng góp một cách thiết thực vào việc hiện thực hóa khát vọng phát triển của vùng và của cả nước.
“Miền Trung thì phải bàn tiến chứ không bàn lui, kể cả việc liên kết lẫn nhau và liên kết với các tỉnh Tây Nguyên”, Thủ tướng nói và yêu cầu việc đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng phải đảm bảo tính hiệu quả kinh tế, khả năng lan tỏa. Kiểm soát và khắc phục ô nhiễm môi trường, ngăn chặn từ sớm các nguồn gây ô nhiễm.
Song song với phát triển kinh tế phải coi trọng cải thiện phúc lợi cho người dân, bảo đảm an sinh xã hội, đảm bảo quyền bình đẳng của người dân trong tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản, tạo điều kiện để mọi người dân có điều kiện phát triển toàn diện, bảo vệ và nâng đỡ nhóm yếu thế, thiếu cơ hội, giảm khoảng cách chênh lệch giàu nghèo. Đặc biệt, quan tâm giải quyết tốt các vấn đề xã hội đang nổi lên ví dụ như tín dụng đen, bạo lực xã hội.
“Phải hết sức chú trọng xây dựng tổ chức bộ máy trong sạch, vững mạnh từ cơ sở, nói không với tiêu cực, hết lòng, hết sức phục vụ nhân dân. Cán bộ cấp tỉnh, thành phố ở miền Trung phải là cán bộ giỏi, tận tụy với công việc thì mới mong mọi chuyện đều thành công”, Thủ tướng nhấn mạnh.