Nhóm bạn bất hợp pháp
Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Nga, ông Lukashevich ngày 9.2 cho biết: "Chúng tôi thực hiện các thỏa thuận của mình với Syria và những nước khác trong khuôn khổ các thỏa thuận quốc tế, không vi phạm quy định và nghĩa vụ quốc tế. Bên cạnh đó, Syria vẫn chưa bị quốc tế áp đặt trừng phạt". Ông Lukashevich đồng thời phủ nhận thông tin nói rằng Canada đã phản đối Nga chuyển giao vũ khí cho Syria, nhấn mạnh: Nga "chưa nhận được bất cứ sự phản đối nào".
Một nhóm chiến binh chống chính phủ tại "điểm nóng" Homs. |
Ngoài ra, phát ngôn viên Lukashevich khẳng định, Mátxcơva nhận thấy việc thành lập "nhóm bạn bè" của Syria theo như đề xuất của Mỹ là bất hợp pháp. Ông nêu rõ: "Chúng tôi không coi hình thức đó là hợp pháp chiểu theo luật pháp quốc tế", viện dẫn những tác động tiêu cực của một hình thức như vậy ở Libya. Trước đó, Thứ trưởng quốc phòng Nga Anatoly Antonov và Ngoại trưởng Sergei Lavrov cũng nhấn mạnh rằng, Mátxcơva sẽ bán vũ khí như bình thường cho chính quyền của Tổng thống Syria Bashar al-Assad.
Cách đây chưa lâu, báo chí Nga dẫn phát biểu của Ngoại trưởng Lavrov tại Hội nghị an ninh Munich (Đức) lần thứ 38 cho biết, Nga đã ký một thỏa thuận trị giá 550 triệu USD bán các máy bay phản lực chiến đấu cho Syria. Ông Lavrov nhấn mạnh: "Những vũ khí mà chúng tôi cung cấp không được sử dụng trong các cuộc xung đột".
Trong khi đó, Ngoại trưởng Anh William Hague cho biết, Anh chưa có kế hoạch cung cấp vũ khí cho phe đối lập tại Syria. Ông Hague khẳng định, Anh không tham gia vào cuộc xung đột nội bộ Syria, đồng thời cho biết hiện London đang tăng cường các nỗ lực hỗ trợ thuốc men và nhu yếu phẩm cho người dân bị ảnh hưởng nặng nề trong cuộc khủng hoảng ở quốc gia Arập này.
Trung Quốc muốn “trung dung”
Trước đó, Trung Quốc cho biết sẽ tiếp tục phối hợp với Mỹ và các nước khác về vấn đề Syria, dù có những quan điểm khác nhau về dự thảo nghị quyết trên.
Phát biểu trong một cuộc họp báo trước thềm chuyến thăm Mỹ của Phó Chủ tịch nước Tập Cận Bình, Thứ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Thôi Thiên Khải cho biết, việc 5 nước Ủy viên Thường trực HĐBA có quan điểm khác nhau là điều hết sức bình thường, song tất cả các bên liên quan đều muốn thấy khu vực này được hòa bình và ổn định, cũng như tìm ra một giải pháp thông qua đối thoại nhằm đưa Syria thoát khỏi cuộc xung đột hiện nay.
Ông nhấn mạnh rằng trong các quan hệ quốc tế, không nên vội vã sử dụng vũ lực hay đe dọa sử dụng vũ lực, và cũng không nên sử dụng sự can thiệp từ bên ngoài để thay đổi một chế độ.
Hiện Libya đã trở thành quốc gia Arập tiếp theo trục xuất các nhà ngoại giao Syria tại nước mình. Từ tháng 10.2011, Hội đồng Dân tộc Chuyển tiếp (NTC) cầm quyền tại Libya đã tuyên bố chính thức công nhận Hội đồng Dân tộc Syria (SNC) thuộc phe đối lập tại Syria là chính quyền hợp pháp.
Gia Khánh