Ngày 20/8, Sở TNMT Quảng Nam đã có báo cáo gửi UBND tỉnh Quảng Nam xung quanh việc xử lý rác thải trên địa bàn tỉnh mà người dân phản ánh trong thời gian vừa qua.
Việc dân phản ánh xây dựng lò đốt rác này, mới đây ngày 19/8 đích thân Bí thư Quảng Nam Phan Việt Cường; Chủ tịch UBND tỉnh Đinh Văn Thu cùng các ngành chức năng tỉnh tổ chức họp để tập trung xử lý và đẩy nhanh tiến độ xây dựng.
Theo đó, dự án ĐTXD dự án lò đốt rác thải sinh hoạt xã Đại Nghĩa, huyện Đại Lộc, quy mô, công suất xử lý 240 tấn rác thải/ngày đêm (gồm 2 modul, mỗi modul có công suất khoảng 5 tấn/giờ) để thay thế cho bãi rác chôn lấp Đại Hiệp xử lý rác thải chủ yếu cho huyện Đại Lộc; Diện tích đất sử dụng khoảng 7 ha, trong đó 3 ha xây dựng lò đốt rác thải, 4 ha xây dựng hạ tầng đường giao thông vào lò đốt.
Dự án phân kỳ thành 2 giai đoạn đầu tư, giai đoạn 1 đầu tư đồng bộ hạ tầng đường giao thông, san nền, cây xanh, tường rào cổng ngõ, nhà xưởng, nhà làm việc, nhà kho, hộc chứa tro, khu xử lý nước thải, hệ thống hồ sinh học, khu rửa xe, trạm cân xe, trạm biến áp 560 KVA, lắp đặt 1 modul lò đốt RS-VINABIMA-5000. Tiến độ thực hiện từ quý II/2019 đến quý III/2019 hoàn thành đi vào vận hành.
Giai đoạn 2 đầu tư thiết bị máy phát điện dự phòng, xe xúc lật, xe nâng, ô tô tự đổ, lắp đặt 1 modul lò đốt rác thải RS-VINABIMA-5000. Tiến độ thực hiện từ quý III/2019 đến quý I/2020 hoàn thành đi vào vận hành.
Để nhà máy sớm đi vào xây dựng và hoạt động, tháng 6/2019, Sở TNMT chủ trì phối hợp cùng Công ty tổ chức Đoàn tham quan Nhà máy xử lý rác thải công nghệ RS VINABIMA-Tiên Sơn tại Công ty URENCO 11- tại tỉnh Hưng Yên.
Dân xã Đại Nghĩa phản đối xây dựng lò đốt rác, dù đây là lò đốt rác được xây dựng theo quy chuẩn Quốc gia
Qua chuyến tham quan thực tế Nhà máy, chính quyền địa phương và người dân đã nắm rõ về quy trình công nghệ lò đốt rác và các giải pháp giảm thiểu ô nhiễm môi trường trong quá trình lò đốt đi vào hoạt động.
Tiếp đến, tháng 7/2019, UBND huyện Đại Lộc phối hợp với Sở TNMT tỉnh tổ chức buổi họp tại Nhà văn hóa thôn Đại An với chính quyền, nhân dân thôn An Lợi Tây, xã Đại Nghĩa về triển khai xây dựng Dự án lò đốt rác thải sinh hoạt Đại Nghĩa do ông Lê Trí Thanh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam chủ trì. Tại cuộc họp có một số ý kiến nhân dân chưa đồng thuận về vị trí đặt Lò đốt rác, sợ ô nhiễm nguồn nước, không khí… Chủ trì buổi làm việc đã có giải thích các vướng mắc của người dân và giao cho địa phương phối hợp với các Sở ban ngành và người dân giám sát trong quá trình thực hiện dự án.
“Khu xử lý rác thải sinh hoạt tại xã Đại Nghĩa là dự án đầu tiên của tỉnh Quảng Nam áp dụng xử lý rác thải tiên tiến hơn bằng công nghệ đốt. Công ty đề xuất sử dụng công nghệ xử lý rác thải sinh hoạt bằng công nghệ lò đốt đảm bảo theo quy chuẩn kỹ thuật Quốc gia về môi trường (QCVN 61-MT:2016/BTNMT) theo thông tư số 03/2016/TT-BTNMT của Bộ Tài nguyên và Môi trường.
Công ty lập kế hoạch quản lý môi trường của dự án trên cơ sở chương trình quản lý và giám sát môi trường đã được đề xuất trong báo cáo đánh giá tác động môi trường được UBND tỉnh phê duyệt để người dân hình dung về công nghệ lò đốt rác, các giải pháp giảm thiểu về ô nhiễm môi trường không khí, nước thải…; công khai thông tin về quy mô, công nghệ, quy trình xử lý rác thải và các biện pháp bảo vệ môi trường của dự án đến nhân dân xung quanh khu vực triển khai dự án…” - công ty nêu rõ.
Liên quan đến việc này, ông Lê Trí Thanh - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam cho biết: Thực hiện mục tiêu phát triển bền vững, giảm thiểu ô nhiễm môi trường, xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh, UBND tỉnh Quảng Nam đã triển khai xây dựng 2 lò đốt rác thải tại xã Đại Nghĩa (huyện Đại Lộc) và Tam Xuân 2 (huyện Núi Thành) thay cho 2 khu chôn lấp rác thải tại xã Đại Hiệp (đã đầy, đang làm thủ tục đóng cửa, phục hồi môi trường) và Tam Xuân 2 (đã gần đầy giai đoạn 1).
Đây là 2 khu xử lý rác thải tập trung quan trọng của tỉnh để giải quyết việc thu gom xử lý rác thải cho các địa phương trọng điểm ở phía Bắc và phía Nam của tỉnh. Ngoài ra còn một khu xử lý cấp khu vực nữa cũng đã được qui hoạch và nghiên cứu triển khai tại xã Quế Cường huyện Quế Sơn.
Các vị trí này được lựa chọn phù hợp với các qui định của pháp luật, phân vùng hợp lý để chi phí vận chuyển chấp nhận được, trên cơ sở đồng thuận của chính quyền và nhân dân địa phương (bằng các các cuộc khảo sát thực tế, họp và ghi biên bản).
“Công nghệ đốt rác hiện nay dù chưa phải tuyệt đối an toàn trong xử lý rác thải nhưng dẫu sao cũng tốt hơn rất nhiều so với chôn lấp. Ngoài ra, do đặc thù rác ở nước ra rất khó phân loại từ đầu nguồn như các nước tiên tiến (hữu cơ, vô cơ, tái chế, chất rắn khó phân huỷ...) và thời tiết nắng nóng, mưa nhiều, độ ẩm cao nên sử dụng công nghệ cải tiến của các doanh nghiệp trong nước từ công nghệ tiên tiến của nước ngoài thường phù hợp hơn đối với đặc thù xử lý rác của Việt Nam, tất nhiên các công nghệ này phải được kiểm tra, thẩm định nghiêm ngặt theo các qui chuẩn, tiêu chuẩn Việt Nam, được Bộ KHCN cấp chứng nhận, và khi triển khai tại một địa điểm cụ thể còn phải được một Hội đồng chuyên môn thẩm định về công nghệ và đánh giá tác động môi trường” - ông Thanh nhấn mạnh.